(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày này, các làng làm mật mía ở khắp các địa phương trong tỉnh đang chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất. Mật mía xứ Thanh từ lâu đã nổi tiếng không chỉ bởi độ sánh mịn, đặc, thơm, có màu vàng đẹp mà hơn hết là người dân còn biết duy trì và phát triển nghề truyền thống để làm giàu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Làng mật mía “đỏ lửa” vào Tết

Những ngày này, các làng làm mật mía ở khắp các địa phương trong tỉnh đang chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất. Mật mía xứ Thanh từ lâu đã nổi tiếng không chỉ bởi độ sánh mịn, đặc, thơm, có màu vàng đẹp mà hơn hết là người dân còn biết duy trì và phát triển nghề truyền thống để làm giàu.

Khắp các ngả đường dẫn về làng Xuân Yên, xã Xuân Thắng (Thọ Xuân), những ngày này luôn tấp nập xe cộ của thương lái từ Nghệ An, Hòa Bình, Hà Nội... đến lấy hàng. Tiếng máy nổ nghiền, ép mật mía hòa trong tiếng cười rộn ràng cả một vùng quê. Nhiều thôn, xã quanh vùng đang rầm rộ thu hoạch mía để phục vụ cho làng mật mía Xuân Yên kịp những chuyến hàng.

Thời điểm này người dân ở làng Xuân Yên ai nấy đều tất bật vào vụ làm mật mía để kịp cho những đơn hàng cuối năm. Anh Lê Văn Nam, người có thâm niên làm nghề này trong làng, cho biết: Cứ vào đầu tháng 12 âm lịch hàng năm, người dân nơi đây bắt đầu làm mật mía để cung cấp cho thị trường. Từ 100kg mía tươi, sau quá trình ép lấy nước, nấu nước thành mật sẽ cho ra khoảng 10kg mật mía, bán được 150 nghìn đồng. Một vụ mật mía, với 2 lao động chính, gia đình anh có thể sản xuất được 1 tấn mật mía, cho thu nhập 15 triệu đồng.

Cũng theo anh: Muốn để mật ngọt và đạt được sản lượng thì mía phải bắt được gió heo may, trời càng lạnh thì mía càng đặc, có thể để hàng năm không hỏng mà còn ngọt hơn. Khi nấu phải chú ý đến việc luôn để lửa cháy đều, nhỏ quá thì quá trình nấu mật sẽ lâu, còn lửa quá to mật sẽ bị cháy. Bọt mía nổi lên phải được vớt liên tục để tránh mật bị đen. Khi mật đã kết, đặc thì đảo mật sao cho đều tay cho đến khi chuyển sang màu đỏ au... Công đoạn nấu mật là vất vả và công phu nhất, là khâu quyết định sự hơn thua của các cơ sở làm mật.

Trong toàn bộ quá trình nấu, công đoạn “keo mật” là phức tạp và mất thời gian nhất. Bởi khi đó, người nấu phải liên tục đảo mật sao cho mật trong chảo được trộn đều. Trong thời gian này, người nấu phải đảm bảo lửa trong lò cháy lớn và đều. Lúc này, người trực phải liên tục vớt bỏ váng bọt nhằm đảm bảo các tạp chất và cặn bẩn không lẫn lại trong mật. Công đoạn “keo mật” kéo dài cho đến lúc nước mía bắt đầu sánh đặc và có màu nâu vàng. Việc nấu mật không có công thức chung mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người nấu.

Sau khi để nguội, nước mật được lọc lại một lần nữa rồi cho vào dụng cụ chứa đựng. Thương lái sẽ tìm đến những làng mật mía nổi tiếng để thu mua sản phẩm và cung cấp ra thị trường phục vụ khách hàng dịp tết.

Những ngày này, các làng làm mật mía ở Thanh Hóa đang tấp nập vào vụ.

Cũng thời điểm này, đi dọc hai bên đường thôn 1, thôn 2, Lâm Thành, xã Thành Kim (Thạch Thành), chúng tôi cảm nhận được không khí ấm áp, nhộn nhịp ở các lò nấu mật mía.

Theo các cụ cao niên trong làng, không biết nghề nấu mật truyền thống có từ bao giờ chỉ biết khi lớn lên đã thấy nghề gắn liền với người dân quê mình. Bao năm qua, sản phẩm mật mía Thành Kim đã chiếm lĩnh được thị hiếu của người tiêu dùng gần xa bởi những nét đặc trưng như màu sắc đẹp, vị ngọt đậm và hương thơm sâu. Trải qua thời gian, một số nghề thủ công ở nhiều vùng quê đang dần bị lãng quên. Thế nhưng nghề làm mật mía ở xã Thành Kim vẫn được duy trì và phát triển không ngừng, trở thành một nghề không thể thiếu đối với bà con mỗi dịp Tết đến xuân về.

Điều quan trọng nhất đó là quá trình làm mật người thợ phải chịu khó bỏ công sức và thời gian để sản xuất ra những mẻ mật đạt vệ sinh, chất lượng, vì quy trình sản xuất ra mật mía cũng qua nhiều công đoạn. Từ ép mía, nấu mật, lắng cặn... phải mất 5-6 tiếng đồng hồ mới có thể cho ra một mẻ mật. Vất vả, khó nhọc là vậy nhưng với lòng say mê, gắn bó với nghề nên từ xưa đến nay người dân nơi đây vẫn coi đây là một công việc quen thuộc, vừa phục vụ các món ăn trong ngày tết vừa đem lại cho gia đình một khoản thu nhập khá để trang trải và đón tết sung túc, đầy đủ hơn.

Trước đây, người làm nghề mật mía trên địa bàn xã không có máy ép nên rất vất vả, phải huy động nhiều người cùng trâu, bò làm việc cả ngày cũng chỉ ép được 1 tạ mía cây. Nhưng những năm gần đây, áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao hơn hẳn, một ngày có thể ép cả tấn mía cây. Bình quân, mỗi năm một chủ lò mật có thể ép được khoảng 200 đến 250 tấn mía tươi, 1 tấn lãi được khoảng 50 nghìn đồng. Hiện nay, mỗi một lò có ít nhất 8 đến 10 lao động, ngoài những thành viên trong gia đình, các chủ lò mật phải thuê thêm 5 đến 6 nhân công. Mỗi vụ trừ chi phi đi các chủ lò mật thu lãi khoảng 30 đến 40 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống người dân trong xã ngày càng được nâng cao.

Với hiệu quả kinh tế rõ nét từ cây mía, cùng các chính sách khuyến khích mở rộng diện tích trong thời gian tới, tin tưởng rằng sẽ là điều kiện để giữ gìn và phát huy ngành nghề truyền thống làm mật mía mỗi khi tết đến xuân về.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]