(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn tình trạng những người lao động sau tuổi 35 không tìm được việc làm hoặc có việc làm không ổn định đang rất phổ biến. Tỷ lệ lao động dôi dư ngày càng cao qua các năm đang là gánh nặng với thị trường lao động nông thôn vốn đã khan hiếm việc làm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lãng phí nguồn lao động sau tuổi 35

(VH&ĐS) Hiện nay, tại nhiều vùng nông thôn tình trạng những người lao động sau tuổi 35 không tìm được việc làm hoặc có việc làm không ổn định đang rất phổ biến. Tỷ lệ lao động dôi dư ngày càng cao qua các năm đang là gánh nặng với thị trường lao động nông thôn vốn đã khan hiếm việc làm.

Tay trắng sau tuổi 35

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 1 KKT Nghi Sơn và 5 KCN lớn (Lễ Môn, Bỉm Sơn, Đình Hương - Tây Bắc Ga, Lam Sơn và Hoàng Long) và hàng nghìn công ty, doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương. Với khoảng 120.000 công nhân, lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, chiếm gần 50% tổng số công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh.

Đa phần số công nhân được tuyển dụng vào làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy khi tuổi đời rất trẻ, từ 18 - 35 tuổi và được đào tạo ngắn hạn, chỉ để đảm nhiệm một công đoạn trong quá trình hoàn thành sản phẩm, nên với công nhân lao động đây không phải là một nghề. Vì thế khi những công nhân này bước qua tuổi 35, vì nhiều lý do không còn đáp ứng được công việc nữa, sự chậm trễ, thiếu năng động khiến cho doanh nghiệp tìm cách “loại” họ ra khỏi vị trí việc làm hiện có. Bị thất nghiệp, công nhân ở độ tuổi sau 35 rất khó xin việc ở nơi khác và việc học nghề để có một công việc ổn định lại càng khó khăn hơn.

Chị Nguyễn Thị Lý (Hoằng Phúc, Hoằng Hóa) sau 7 năm làm công nhân giày da, giờ đây chị buộc phải quay lại việc đồng áng. Chỉ với số vốn ít ỏi chắt chiu qua những năm tháng làm công nhân cùng với 3 sào ruộng hiện tại thì việc nuôi hai con nhỏ học hành thật khó khăn với chị. Chị cũng đã mang hồ sơ đi xin việc ở những công ty khác, nhưng “có những lúc chỉ trong một tuần, tôi bị 5 công ty từ chối. Nơi nào cũng đăng tuyển công nhân nhưng độ tuổi 35 như tôi thì họ không cần”, chị Lý tâm sự với giọng chán nản.

Khoảng 10 năm trước, những công nhân ở độ tuổi 25, có kinh nghiệm như chị Lý hầu như doanh nghiệp nào cũng săn đón. Gắn bó với Công ty TNHH giày Sun Jade, nhưng thời gian vừa qua chồng chị bị tai nạn, chị phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc chồng. Khi chồng khỏi bệnh, chị xin quay lại làm việc nhưng không được chấp nhận.

Công nhân trong các doanh nghiệp chủ yếu từ 18 đến 30 tuổi.

Tại các vùng nông thôn hiện nay, rất nhiều chị em cùng chung hoàn cảnh với chị Lý, trong độ tuổi “vàng” lao động, họ “bán sức” cho doanh nghiệp nhưng sau tuổi 35 với nhiều nguyên nhân khác nhau, không đáp ứng được công việc, lẽ tất nhiên họ bị doanh nghiệp đào thải. Những công nhân này “tay trắng” trở về làng quê mà không biết làm gì để kiếm sống, không bảo hiểm, không chế độ, không nghề nghiệp.

Ông Đinh Đăng Luyện - Trưởng ban Tuyên giáo, Liên đoàn Lao động tỉnh thừa nhận: Nhiều nhà máy, xí nghiệp hiện nay đã đi vào hoạt động ổn định, họ không cần tuyển lượng lớn lao động như những năm đầu, theo đó việc tuyển chọn lao động không ồ ạt như trước mà có chọn lọc hơn. Chủ yếu là tuyển lao động từ 18 - 35 tuổi (chiếm 70%), những lao động sau tuổi 35 vì nhiều lý do khác nhau không còn đáp ứng yêu cầu việc làm bị công ty chấm dứt hợp đồng.

Lãng phí nguồn lao động “vàng”

Các doanh nghiệp, nhà máy liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng lao động, điều kiện cũng hết sức đơn giản, từ 18 tuổi trở lên, đáp ứng yêu cầu sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế thì chủ doanh nghiệp đều ưu tiên tuyển lao động trẻ. Bởi, ở độ tuổi này lực lượng lao động có đầy đủ sức khỏe nhất, năng động, học tập nhanh, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc đảm bảo.

Ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ, cho biết: Số lao động từ 25 - 45 tuổi nằm trong độ tuổi vàng, đây là nguồn lao động chất lượng, là độ tuổi chín nhất tạo ra của cải vật chất. Còn từ 35 trở lên người lao động đã tích lũy kinh nghiệm đi vào hoạt động trí tuệ.

Theo đó, số công nhân thất nghiệp sau tuổi 35 ngày càng nhiều, trong số 120.000 công nhân thì mỗi năm sẽ có hàng nghìn lao động sau tuổi 35 bị đào thải và quay lại quê nhà. Mặc dù, họ vẫn đang ở trong độ tuổi lao động nhưng cơ hội để có một công việc làm ổn định là rất khó.

Dân số nước ta đang trong giai đoạn dân số “vàng”, một cơ cấu được rất nhiều quốc gia trên thế giới mong muốn, nhưng hiện tượng dư thừa lực lượng lao động sau tuổi 35 ở các vùng nông thôn đang là một sự lãng phí rất lớn về nguồn nhân lực, và ở đây là sự lãng phí một nguồn tài nguyên quý. Trong khi ở độ tuổi này người lao động phải chi tiêu nhiều nhất cho bản thân và gia đình, là độ tuổi thể hiện trách nhiệm với gia đình và xã hội nhiều nhất thì nhiều người lại phải đang đối mặt với nỗi lo thất nghiệp.

Mặt khác, tại các địa phương đang thực hiện chuyển dịch cơ cấu tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp, tỷ lệ đất nông nghiệp thu hẹp, vì thế để tìm được một công việc ổn định ở quê khi giã từ đời công nhân chẳng khác nào “mò kim đáy biển”.

Thực tế, phần lớn người lao động đều không được đào tạo bài bản mà chỉ tham gia các lớp học ngắn hạn. Vì thế, họ không phát huy hết được khả năng lao động của chính bản thân mà chủ yếu chỉ dựa vào nguồn sức khỏe thời thanh xuân.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]