(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, khai thác đá đang là lĩnh vực “hot” mang lại lợi nhuận cao, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) tại các mỏ khai thác đá đang ở mức báo động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mạng người cheo leo trên vách đá

Những năm gần đây, khai thác đá đang là lĩnh vực “hot” mang lại lợi nhuận cao, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) tại các mỏ khai thác đá đang ở mức báo động.

Sống chung với tử thần

Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua với sự quyết liệt của các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa việc khai thác khoáng sản từng bước đi vào nền nếp. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tràn lan, gây bức xúc trong dư luận đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, nỗi lo về ATLĐ ở các doanh nghiệp khai thác đá có lẽ chưa bao giờ hết khi mà hầu hết các doanh nghiệp này không chỉ buông lỏng công tác bảo hộ lao động, mà hơn nữa để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thay vì khai thác từ trên cao xuống thấp, các chủ đầu tư thường chọn cách khai thác từ dưới chân núi đá lên. Rồi khoan lỗ, đặt mìn, cho nổ, tạo ra các “hàm ếch” và thuê lao động thủ công thời vụ làm để ra hàng. Hình ảnh nhiều ngọn núi bị xẻ làm đôi, làm ba... thường gặp ở các mỏ đá trên nhiều dãy núi tại các xã Yên Lâm (Yên Định), Hà Tân (Hà Trung), Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc).... Cách khai thác này khiến người lao động đối diện với nguy cơ xảy ra tai nạn lao động là điều không tránh khỏi.

Xã Yên Lâm (Yên Định) là khu vực có số lượng mỏ đá đang được khai thác lớn nhất hiện nay của tỉnh. Nơi đây có đến hơn 40 mỏ đá với hơn 30 doanh nghiệp đang khai thác và hơn 2.000 lao động làm việc. Theo quan sát của chúng tôi thì: phương pháp khai thác bán thủ công, thủ công vẫn chiếm phổ biến tại các mỏ khai thác. Để khoan các lỗ mìn, công nhân vẫn sử dụng hệ thống khoan tay chạy bằng khí nén bóc theo vách núi một cách tùy tiện, không theo quy hoạch cụ thể nào, mất ATLĐ. Điều này rõ ràng trái với quy trình khai thác mỏ, song lại không có một nhà quản lý nào "thổi còi".

Tại Công ty TNHH Tuấn Hùng khai thác mỏ đá trên địa bàn xã Yên Lâm, theo như chúng tôi nhìn thấy thì: Trong khi máy xay đá chạy ầm ầm, xe ra vào chở và đổ đá bụi bốc mù mịt, thì trên lưng chừng núi một nhóm công nhân vẫn hì hục đặt mìn phá đá. Phía trên họ là vách núi dựng đứng với những phiến đá lồi lõm, cảm giác có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Trang bị bảo hộ lao động đối với những người lao động ở đây cũng thật đơn giản, hầu hết không đội mũ cứng, không đeo găng tay, đi giày.

Quang cảnh vụ sập mỏ đá ngày 22/1/2016 của Công ty Tuấn Hùng tại xã Yên Lâm. (Ảnh: Lê Hoàng)

Xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc) cũng là khu vực có số lượng mỏ đá đang được khai thác và cơ sở chế tác đá xếp vào diện lớn của tỉnh, với 6 doanh nghiệp khai thác đá và 47 cơ sở chế tác đá. Tuy nhiên, tình trạng khai thác ở đây diễn ra tràn lan, không quan tâm đến đảm bảo an ATLĐ, gây nguy hiểm đến tính mạng người lao động.

Tại Công ty Cổ phần Xây dựng đô thị 5, khai thác tại mỏ núi Bền, xã Vĩnh Minh thì hầu hết người lao động ở đây đều không trang bị các phương tiện bảo hộ lao động, công nhân khai thác đá theo lối thủ công. Họ hì hục đập đá ngay phía dưới những tảng đá lớn "treo" lơ lửng trên đầu mà không có bất cứ phương tiện bảo hộ lao động nào. Liệu rằng, với sự chủ quan của người lao động và thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp như vậy thì khi tai nạn lao động xảy ra ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Giải pháp nào cho an toàn vệ sinh lao động?

Nghề khai thác đá tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn sinh mạng rất cao, hậu quả khó lường. Sự chủ quan của người lao động biểu hiện trong những trường hợp như, không thường xuyên kiểm tra độ an toàn của dây leo; không đi theo đường công vụ phục vụ khai thác mà đi tắt, nên bị đá lăn gây thương tích, thậm chí tử vong. Phần lớn doanh nghiệp (chủ yếu doanh nghiệp tư nhân) chưa quan tâm đến vấn đề bảo hộ và kiểm tra sức khỏe cho công nhân, nhất là số lao động phổ thông bốc xếp đá hàng ngày. Và hiện các cơ quan chức năng cũng không thể nắm được số lao động làm việc tại các mỏ đá do doanh nghiệp thuê làm công; không có hợp đồng lao động và số lao động làm việc tại các mỏ đá cũng tăng giảm tùy theo thời điểm, theo mùa.

Nhiều lao động không mặc trang bị bảo hộ lao động tại các mỏ khai thác đá, tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ.

Trao đổi về vấn đề này, cán bộ phòng LĐ-TB&XH một số huyện cho rằng: Qua các đợt kiểm tra cho thấy, chỉ một số ít các đơn vị khai thác làm tốt vai trò của mình trong đảm bảo ATLĐ cho người lao động, còn lại hầu hết các doanh nghiệp tối giản trang bị bảo hộ cho NLĐ, khai thác không theo thiết kế, thiếu biển cảnh báo nguy hiểm. Một số thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ chưa được kiểm định. Công tác huấn luyện ATLĐ chưa đến toàn bộ NLĐ, nhiều đơn vị thực hiện chiếu lệ. Bản thân NLĐ chưa chấp hành tốt các quy định, chưa tuân thủ quy trình vận hành máy, thiết bị. Đơn cử như được phát bảo hộ lao động nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đầy đủ, không đúng quy cách...

Để đảm bảo ATLĐ tại các mỏ đá, anh Lê Vĩnh Đạt, cán bộ phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Lộc, cho rằng: Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, cương quyết hơn các vi phạm. Bên cạnh đó, NLĐ cần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật lao động. Đồng thời, có quyền yêu cầu chủ sử dụng đảm bảo đầy đủ bảo hộ lao động. Nếu không, tai nạn vẫn rình rập tại các mỏ đá.

Theo bà Lê Thị Chinh, phó phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Định: Ngoài việc doanh nghiệp khai thác đá chưa chú trọng huấn luyện kỹ thuật khai thác, trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ cho NLĐ và ý thức từ NLĐ thì nguyên nhân quan trọng trong việc buông lỏng ATLĐ là sự phân công trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác đá giữa các cấp, ngành địa phương còn chưa rõ ràng, thống nhất; thiếu các chế tài xử lý vi phạm, nhất là những vi phạm về kỹ thuật an toàn trong thiết kế và thi công khai thác đá. Đặc biệt, chính quyền ở các địa phương có mỏ đá còn chưa kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyên đá để cho tình trạng khai thác trái phép, không phép kéo dài xảy ra.

Để không còn những vụ tai nạn thương tâm do sập mỏ đá cũng như đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội ở những địa phương có các mỏ đá, thiết nghĩ công tác quản lý cả về tài nguyên và hoạt động khai thác cần được chú trọng hơn. Các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương có các mỏ đá trên địa bàn cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra, rà soát mức độ bảo đảm an toàn của các mỏ đá, kiên quyết dừng khai thác, rút giấy phép và không cấp phép mới đối với những mỏ không an toàn trong khai thác...

Khoảng 10h sáng, ngày 22/1/2016, 9 lao động của doanh nghiệp Tuấn Hùng đang làm việc tại mỏ đá ở xã Yên Lâm (Yên Định) thì bất ngờ hàng trăm tảng đá lớn nhỏ từ độ cao gần 100m ở lưng chừng núi lăn xuống. Nghe tiếng động lớn, công nhân bỏ chạy tán loạn, nhưng chỉ một người thoát. Đã có 8 công nhân trong xe tải chở đá và ngồi gần đó bị vùi lấp. Những tảng đá nặng hàng chục, hàng trăm tấn rơi xuống khiến xe tải lật nghiêng, bẹp dúm.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]