(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lễ Vu Lan trong truyền thống của Phật giáo không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng tôn giáo thuần túy mà đã trở thành nét đẹp văn hóa thấm đẫm tình người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mùa Vu Lan, xin thêm một lần nhìn lại

(VH&ĐS) Lễ Vu Lan trong truyền thống của Phật giáo không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng tôn giáo thuần túy mà đã trở thành nét đẹp văn hóa thấm đẫm tình người.

Lễ Vu Lan vào ngày 15/7 (âm lịch) lại nhắc nhở mỗi người về sự báo hiếu, báo ân, ơn dưỡng dục sinh thành: Ai còn cha xin đừng làm cha khổ/ Hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu/ Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không.

Tháng 7 âm lịch, chúng ta có một ngày để dành tất cả những tình cảm, điều thiêng liêng nhất cho cha, cho mẹ. Ngày của nỗi niềm rưng rưng của những đứa con không còn cha, còn mẹ và ngày của niềm hạnh phúc cho những ai may mắn còn mẹ, còn cha.

Cứ vào ngày này, bà Lê Thị Hương (55 tuổi) ở phố Tản Đà, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) lại tạm gác việc bán hàng ở chợ để làm mâm cơm thắp hương cho mẹ. Mẹ bà mất đã lâu nhưng năm nào cũng vậy, với bà, lễ Vu Lan bao giờ cũng quan trọng và nhiều ý nghĩa. Mẹ mất khi bà Hương mới ngoài 20 tuổi. Những năm tháng khốn khó, chỉ có 2 mẹ con bà rau cháo nuôi nhau. Bà Hương không biết bố của mình là ai. Bà chỉ nghe mẹ kể lại, bố đã bỏ mẹ khi bà mới được 10 ngày tuổi. Bà xúc động: "Không có lúc nào trong tôi nguôi nỗi nhớ mẹ. Mẹ hy sinh tất cả vì tôi. Mẹ không đi bước nữa cũng vì tôi. Khi tôi chưa làm gì cho mẹ thì mẹ lại vội ra đi. Ngày lễ Vu Lan, tôi cũng lên chùa để thắp hương cầu nguyện, những mong cho linh hồn mẹ tôi được siêu thoát".

Còn với chị Nguyễn Huyền Ly ở phố Nam Cao, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), ngày lễ Vu Lan chị đi mua 100 con chim khuyên để thả phóng sinh. Chị còn mua quà có ý nghĩa để kính biếu mẹ cha. Chị nói: "Tôi hạnh phúc hơn một số bạn bè là còn cả cha, cả mẹ. Nhưng giá như tôi đừng quá xem thường lời khuyên của cha mẹ tôi thì có lẽ cuộc sống của tôi sẽ bình yên hơn. Tôi thấm thía được nhiều điều và phải cảm ơn rất nhiều đến cha mẹ tôi".

Có ai đó đã từng nói rằng, hãy biết quý trọng những gì mình đang có để đến khi mất đi, không ân hận, hối tiếc. Cũng như khi còn cha, còn mẹ, hãy biết tôn trọng, thương yêu, đừng để đến khi cha mẹ mất đi mới lo báo hiếu thì đã muộn. Cách đây ít hôm, một đồng nghiệp của tôi có kể lại câu chuyện về một phạm nhân ở một trại giam. Phạm nhân này bị bắt vì nghiện và tàng trữ ma túy. Trong cuộc trò chuyện tiếp xúc thì phạm nhân này đã khóc với phóng viên. Cậu ấy kể lại quá khứ của mình, kể lại những kỷ niệm về mẹ, về những lần cậu ấy dọa nạt mẹ khi bà không cho tiền để đi mua ma túy. Cậu bị bắt được gần 1 tháng thì mẹ cậu ấy mất. Rất lạ, là phạm nhân này rất nhớ về lễ Vu Lan. Cậu ấy nhờ phóng viên, vào đúng ngày rằm tháng 7, hãy mua giúp cậu ấy một bó nhang và đến nhà cậu ấy để thắp cho bà một nén hương. Cậu ấy muốn được xin lỗi mẹ. Cũng rất buồn là từ ngày vào đây cậu ấy chưa biết đến sự thăm nom của anh em, họ hàng.

Những kỷ niệm đầy ắp yêu thương sẽ "dậy" lên trong lòng mỗi người khi mỗi mùa Vu Lan đến. Và cũng thật nhiều những hối hận, niềm đau cho những đứa con đã có lỗi với cha mẹ khi mỗi dịp Vu Lan về. Ngày lễ Vu Lan, xin thêm một lần nhìn lại: "Ai còn cha xin đừng làm cha khổ/ Hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu/ Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/Đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]