(vhds.baothanhhoa.vn) - Thiên tai không loại trừ ai và cũng không báo trước. Có những gia đình tưởng rằng sống ở nơi an toàn, lũ sẽ không bao giờ tới nhưng chỉ vài phút thôi, mọi thứ đều bị cuốn trôi. Gia đình chị Duyên, anh Hưng... hay hàng trăm hộ dân ở Mường Lát bỗng chốc rơi vào “nhà không, tay trắng”, khi cơn lũ đi qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mường Lát rồi sẽ hồi sinh (Bài 2): Tan hoang bản nghèo

Thiên tai không loại trừ ai và cũng không báo trước. Có những gia đình tưởng rằng sống ở nơi an toàn, lũ sẽ không bao giờ tới nhưng chỉ vài phút thôi, mọi thứ đều bị cuốn trôi. Gia đình chị Duyên, anh Hưng... hay hàng trăm hộ dân ở Mường Lát bỗng chốc rơi vào “nhà không, tay trắng”, khi cơn lũ đi qua.

Nợ còn, nhà đã mất

Rời mảnh đất Nhi Sơn trên con đường ngập ngụa bùn đất, có những đoạn bị nguyên một quả đồi đổ ập xuống gây ách tắc. Những chiếc máy múc, máy ủi gầm rú nhả khói đen kịt san ủi thông tuyến Quốc lộ 15C nhưng dường như quá nhỏ bé, lọt thỏm giữa đống bùn đất khổng lồ. Còn chúng tôi phải dốc những hơi thở dài trèo lên đống sạt lở, băng rừng để đến trung tâm xã Pù Nhi, nơi cơn lũ đi qua đã để lại hậu quả nặng nề.

Đã ngót nửa tháng trôi qua từ khi cơn lũ ập đến nhưng Chủ tịch UBND xã Pù Nhi Bùi Văn Nhân vẫn chưa hết bàng hoàng, cho biết: Mưa lũ, đã làm sập 13 ngôi nhà, 30 nhà phải tháo dỡ, di dời, 101 hộ có nguy cơ bị sạt lở cao, bản Đông Ban có 1 người bị mất tích. Tuyến đường Quốc lộ 15C từ Pù Toong đi Hạ Sơn có 15 điểm sạt lở, trong đó có 10 điểm sạt lở gây tắc đường; Tuyến Na Tao - Cá Tớp - Cá Nọi - Pù Quăn đi Quang Chiểu, Mường Chanh có 20 điểm sạt lở thì có 10 điểm sạt gây tắc đường... Do tình hình mưa lớn kèm đá lăn nên chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng Pù Nhi, Đội 4 Kinh tế Quốc phòng 5, Công an huyện chỉ đạo, di dời các hộ gia đình tại bản Na Tao, Đông Ban, Pù Toong... với trên 100 hộ, 500 nhân khẩu đến Trường TH và Trạm Y tế xã Pù Nhi.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Phạm Thị Duyên, bản Na Tao, Pù Nhi. Chị là cô giáo mầm non quê ở Bá Thước đã 7 năm lên Mường Lát công tác rồi lập gia đình, từng là nhân vật trong loạt bài viết “Đi tìm con chữ ở miền Tây xứ Thanh” của tôi cách đây gần 5 năm. Giờ gặp lại, chị òa khóc: “Em ơi, mời lên chơi mãi, giờ em mới lên được thì chị không còn nhà để đón em”, rồi chỉ cho tôi dấu vết của ngôi nhà bị vỡ vụn, đổ sập do mưa lũ còn sót lại nền móng.

Chị kể lại, buổi tối hôm lũ đến, chồng chị anh Lâu Văn Chứ đang xuống xã Nhi Sơn trực bão (anh Chứ làm ở Công an huyện Mường Lát) nên chỉ còn 3 mẹ con. Lúc đang ngủ say, nghe tiếng động rất mạnh, linh tính mách bảo, chị thức dậy thấy nền nhà loang loáng nước. Chưa kịp định thần thì nước ở đâu đã ầm ầm, dâng cao trong nhà. Chị gọi hai con dậy, nhưng cửa khóa chặt. Trong giờ phút hoảng loạn ấy, chị cố gắng bình tĩnh tìm cách phá cửa, may mắn cái bản lề bung ra, nước ngập đến cổ, chị bế hai đứa nhỏ thoát ra ngoài. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Chị không kịp đem theo bất cứ thứ gì. May mắn còn lại chiếc tủ lạnh bị mắc kẹt. Toàn bộ giấy tờ, bằng khen, huy chương của cả anh và chị đều không còn. Lũ qua được 3 ngày, chị mới dám quay lại men theo dòng suối mong có thể tìm lại những gì nước chưa cuốn trôi. Giờ đây, cả gia đình đang phải ở nhờ nhà người chú Lầu Gia Pó.

Tỉnh lộ 521E lên Quang Chiểu bị lũ tàn phá, đất đá nham nhở dưới lòng đường.

Cũng như nhà chị Duyên, gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Hưng và cô Hà Thị Cường đang dạy tại Trường THCS Pù Nhi cũng bị lũ dữ cướp đi ngôi nhà vừa xây xong. Trưa ngày 30/8, cả hai vợ chồng và con cái đang ăn cơm thì nghe từ đỉnh núi phát ra những âm thanh như tiếng sấm. Thầy Hưng chạy ra ngoài thì lũ bắt đầu đổ đến lưng chừng núi, rồi thất kinh la hét vợ và hai con chạy vội khỏi nhà. Khi chạy được một đoạn thì nửa quả đồi đã ập xuống, cuốn theo căn nhà. Căn nhà mới là công sức, tích cóp của vợ chồng anh chị sau 20 năm lập nghiệp ở vùng đất biên cương bị cuốn trôi theo dòng nước xiết. Anh lo về món nợ vay để xây nhà kiên cố biết đến bao giờ trả được, rồi thở dài: "Nợ còn, nhà đã mất"!

Sau cơn lũ dữ, trời trở nên nắng gắt, tôi cuốc bộ ngược lên phố huyện Mường Lát. Bước chân tôi đã rã rời nhưng lồng ngực vẫn còn nhói đau khi chứng kiến cảnh xác xơ, tiêu điều của bản làng và những khuôn mặt bơ phờ, hốc hác, thất thần nơi cơn lũ đi qua. Đó là trận lũ lịch sử với mức độ tàn phá khủng khiếp nhất đã trút xuống mảnh đất này.

Tan hoang bản Qua

Nếu như tuyến QL 15C chịu cảnh ngập tràn bùn, đất, giao thông tê liệt, chặng đường Tỉnh lộ 521E từ thị trấn Mường Lát lên Quang Chiểu, Mường Chanh cũng tê liệt, ngập ngụa trong sạt lở đất. Bản Qua, xã Quang Chiểu cũng gần như xóa sổ giống bản Poọng, xã Tam Chung. Cả bản có 52 hộ thì có 30 hộ bị sập nhà, phải đi lánh nạn. Lũ cuốn trôi những ngôi nhà và con đường vào bản, để lại rác rưởi, gỗ mục, xác động vật.

Trưởng bản Vi Văn Hiến còn khá trẻ dẫn tôi đi thăm các gia đình có nhà sập, vừa kể: Bản có 52 hộ, 260 khẩu, mất 30 hộ có nhà sập, phải di dời. Trong đó, có 13 hộ làm lều tạm để ở, còn 17 hộ ở tạm nhà dân bản Pùng và Trạm Y tế. Bản mất điện từ ngày 30 cho đến nay. Xã cho dầu thắp, kêu gọi các bản xung quanh góp gạo hỗ trợ, bộ đội biên phòng, dân quân dựng lều lán giúp bà con.

Gia đình anh Lò Văn Hướng và chị Lò Thị Hiền, hộ cận nghèo 5 nhân khẩu, các con đều đi lấy chồng còn 2 vợ chồng. Chiều ngày 30/8, lũ bất ngờ đến cuốn đi tất cả và giờ anh dựng tạm túp lều để cả nhà có chỗ chui ra chui vào. Còn gia đình chị Vi Thị Trang là hộ nghèo, nhà có 5 người cũng bị lũ cuốn trôi mất nhà nên nguy cơ tái nghèo rất cao.

Chị Vi Thị Xìa phơi lại mớ gạo bị ướt trước nền móng căn nhà bị lũ cuốn trôi.

Gia đình Bí thư bản Qua Lương Văn Dựng và chị Lò Thị Thiều cũng bị cuốn trôi nhà và đang dựng lều ở tạm. Còn gia đình chị Vi Thị Xìa có nhà mới xây xong thì bị lũ cuốn trôi. Món nợ hơn 60 triệu đồng xây nhà, giờ không biết lấy gì để trả. Lương thực, các nhu yếu phẩm, sách vở đồ dùng học tập cho các cháu, đồ dùng sinh hoạt ở bản Qua đều rất thiếu thốn. Nhưng điều mong mỏi nhất của bà con bản Qua là sớm được Nhà nước, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí để xây dựng lại nhà cửa, bởi hiện nay hầu hết các gia đình đều đã trắng tay.

Ngay buổi chiều hôm tôi đến bản Qua, tại Đồn Biên phòng Quang Chiểu, có đoàn từ thiện của một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước đã lặn lội đến trao số tiền hỗ trợ 240 triệu đồng cho các hộ dân có nhà ở bị sập, có người bị chết do lũ tại xã Mường Chanh và Quang Chiểu, trong đó có các hộ dân bị sập nhà ở bản Qua, mỗi hộ 5 triệu đồng.

Con sông Mã hung dữ hơn 2 tuần trước đó nay đã trở lại hiền hòa. Bên những đồi cây bị lũ phạt trơ cả đất, những bông hoa ban nở tím ngắt tô điểm cho núi rừng. Trên con đường về lại thành phố, lòng thầm nghĩ, dẫu biết khó khăn còn chồng khó khăn với mảnh đất nghèo nơi đây... nhưng tôi tin, Mường Lát rồi sẽ hồi sinh.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]