(vhds.baothanhhoa.vn) - Thương binh “tàn nhưng không phế”- lời động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành mục đích, phương châm sống của những chiến sĩ từng để lại một phần xương máu ở chiến trường. Tinh thần anh dũng, quả cảm được phát huy trong mọi hoạt động, giúp nhiều thương bệnh binh trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực vượt qua bao khó khăn lẫn nỗi đau thể xác để vươn lên làm giàu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngang dọc nỗi niềm tri ân (Bài 2): Chuyện về những thương binh “tàn nhưng không phế”

Thương binh “tàn nhưng không phế”- lời động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành mục đích, phương châm sống của những chiến sĩ từng để lại một phần xương máu ở chiến trường. Tinh thần anh dũng, quả cảm được phát huy trong mọi hoạt động, giúp nhiều thương bệnh binh trở thành những tấm gương sáng, nỗ lực vượt qua bao khó khăn lẫn nỗi đau thể xác để vươn lên làm giàu.

Chiếc ba lô với hai bàn tay trắng

"Tôi sinh ra đã không có tuổi thơ. Nhiều lúc tôi không thể tưởng tượng nổi tại sao mình có thể vượt qua mọi gian khó", đó là tâm sự của thương binh hạng 1/4 Nguyễn Mạnh Hùng ở thị trấn Tĩnh Gia, chủ trang trại sinh thái, Chủ nhiệm HTX Thương binh và người tàn tật - nơi nuôi dạy và nâng đỡ nhiều mảnh đời bất hạnh.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn, từ nhỏ Nguyễn Mạnh Hùng đã sớm tự lập, ngày đi học, đêm về bắt cá, kiếm tiền đong gạo phụ giúp cha mẹ. Với nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, ông làm đơn tham gia vào đội quân tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Trong một trận đánh ác liệt, anh bị thương nặng, rạn vỏ não và một mảnh đạn găm vào chân khiến ông mất 81% sức khỏe và xuất ngũ với quân hàm thượng uý.

Cuộc đời binh nghiệp đã hun đúc cho ông nghị lực, sức mạnh để tiếp tục bước vào mặt trận mới với biết bao gian khó. Vốn liếng ban đầu chỉ có chiếc ba lô với hai bàn tay trắng, ông cùng vợ khai hoang 2ha đất để trồng cây, nuôi cá. Và từ nghề ảnh đã được học trong quân đội, ông vay mượn bạn bè đầu tư mua máy ảnh, dần đầu tư máy móc, phòng chụp, mạnh dạn mở thêm cơ sở đào tạo tin học chuyên ngành. Đối tượng đào tạo hầu hết là con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, cơ sở của ông ngày một phát triển, tạo việc làm cho trên 20 lao động với mức lương ổn định.

Không thoả mãn với những gì đã đạt được, ông tiếp tục học tập trên sách báo để phát triển mô hình kinh tế VAC. Từ những thành quả trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và các chương trình nghiên cứu khoa học nông nghiệp, năm 2012 ông được Liên minh HTX Việt Nam đề cử là đại biểu duy nhất của Thanh Hóa và cũng đại biểu của Liên minh HTX Việt Nam tham dự chương trình hội thảo nghiên cứu và học tập hội nghề cá thế giới tại Hàn Quốc. Hàng năm, ông đã tổ chức 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật miễn phí cho bà con nông dân. Đồng thời, ông cũng đã nghiên cứu và cho ra đời máy cấy không động cơ, dự kiến sắp tới cho ra đời loại có động cơ chạy bằng ắc quy.

Thương binh Nguyễn Mạnh Hùng và mô hình máy gặt không động cơ được đông đảo bà con nông dân áp dụng hiệu quả trong sản xuất.

Làm giàu từ nghề truyền thống

Chia tay thương binh Nguyễn Mạnh Hùng, chúng tôi tìm đến gia đình thương binh hạng 3/4 Nguyễn Thanh Châu, huyện Tĩnh Gia. Sinh ra và lớn lên trên vùng quê miền biển nghèo khó, xuất ngũ trở về địa phương, nhìn gia đình, bà con quanh năm vật lộn với sóng gió, với nghề biển nhiều hiểm nguy nhưng vẫn đói cái ăn, thiếu cái mặc, ông không khỏi chạnh lòng. Và ông bắt đầu một “cuộc cách mạng”, khởi nghiệp từ nghề truyền thống là xây dựng một tổ hợp cơ khí sửa chữa tàu thuyền, kết hợp với chế biến thuỷ hải sản. Do biết tổ chức sắp xếp công việc, đồng thời lấy chất lượng đặt lên hàng đầu, giá cả phù hợp... nên khách hàng tìm đến tổ hợp của ông ngày một nhiều, từ đó ông mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị máy móc mở rộng quy mô sản xuất, tổ hợp cơ khí được chuyển đổi thành công ty.

Cũng như ông Hùng, ông Châu đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho lao động là con em cựu chiến binh, gia đình chính sách, tạo điều kiện về chỗ ăn ở ngay tại công ty cho lao động ở xa. Hiện công ty ông có 30 lao động chính và 40 lao động thời vụ , hàng năm công ty đóng mới và tu sửa từ 400 đến 600 tàu, thuyền.

Còn sức là còn cống hiến

Sau khi rời quân ngũ về địa phương, sinh sống cùng gia đình tại phường Bắc Sơn (TX Bỉm Sơn); với bản lĩnh của người lính, bệnh binh 2/3 Phạm Văn Chiển không ngại khó khăn, vượt lên nỗi đau của vết thương tái phát mỗi khi trái gió, trở trời, tiếp tục tham gia làm kinh tế xây dựng gia đình. Năm 1999 ông thành lập doanh nghiệp xây dựng, vừa gây dựng phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm cho con em bạn bè trong quân ngũ, gia đình chính sách vào làm việc.

Lúc đầu, doanh nghiệp thành lập có khoảng hơn 10 lao động. Hiện nay, công ty có trên 150 công nhân làm việc chính thức thường xuyên ổn định và hơn 300 công nhân lao động thời vụ. Chỉ 10 năm sau, công ty của ông Chiển đã phát triển lớn mạnh, hàng năm có doanh thu từ 80 đến 90 tỉ đồng...

Vượt lên khó khăn, đau đớn của bệnh tật, nghĩ suy, tìm tòi mọi giải pháp cho công ty phát triển, ông Chiển chia sẻ “mỗi lần thành công tôi không những quên đau mà còn thanh thản thấy mình không còn bị phế như Bác Hồ kính yêu đã dạy!”... Quá trình cống hiến và công tác ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ Vẻ vang hạng Nhì năm 1987; danh hiệu Dũng sỹ giữ nước do Sư đoàn 320A - Quân đoàn 3 chiến tranh biên giới Tây Nam tặng và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Bước ra khỏi các cuộc chiến tranh, những thương binh, bệnh binh trong thời bình tiếp tục là những chiến sĩ đi đầu trên các lĩnh vực, vượt lên những khó khăn thương tật để hòa mình vào cuộc sống, mang sức lực, trí tuệ góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Hoàng Lan


Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]