(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong các nghề thủ công truyền thống ở Thanh Hóa, nghề đục đá có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghề đục đá ở Thanh Hóa

Trong các nghề thủ công truyền thống ở Thanh Hóa, nghề đục đá có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời.

Dưới triều Lý, Thái úy Lý Thường Kiệt được triều đình cử vào trấn trị Thanh Hóa, cùng với việc chăm lo “đổi đời phong tục”, giữ nghiêm phép nước đến việc khuyến khích nhân dân chăm chỉ việc nông tang, ông còn lo đến cả việc mở ra các ngành nghề phục vụ cho quốc kế dân sinh, trong đó có nghề đục đá.

Theo văn bia chùa Báo Ân, núi An Hoạch dựng năm 1100, cho biết: Lý Thường Kiệt là người đầu tiên mang lại nghề đục đá cho dân làng Nhồi - An Hoạch. Nội dung văn bia ghi rõ: “Ở phía Tây Nam huyện, có một quả núi lớn và cao tên là An Hoạch, là nơi sản xuất ra nhiều loại đá đẹp. Đá núi này là sản vật quý của nhà nước. Sắc óng ánh như ngọc lam, chất biếc xanh như khói nhạt. Sau này đục đá làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng kêu muôn dặm, dùng làm bia, văn chương thì còn bền mãi nghìn đời. Thế là Thái úy Lý công (tức Lý Thường Kiệt - Tg) sai một viên thị giả là Giáp thủ Vũ Thừa Thao đem người hương Cửu Chân dò tìm trong núi, chọn lấy đá tốt...” (Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa).

Theo lời truyền văn, “nghề” ra đời ngay khi nguồn đá quý được phát hiện. Ban đầu chỉ có một số hộ làm nghề đục đá theo yêu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày như: cối xay bột, cối giã gạo, cối giã cua, trục lăn, bể đựng nước... và nhu cầu của việc xây dựng như làm đá tảng, đá bó nền hay các tấm bia dựng ở các ngôi chùa... Do nhu cầu của xã hội, công việc đục đá ngày càng phát triển, sản phẩm mỗi lúc một đa dạng. Cho đến cuối thời Lý thì đục đá đã trở thành một nghề thủ công nổi tiếng. Hương ước làng Nhồi có quy định: Con trai từ 10 tuổi được tổ phụ truyền nghề. Việc theo nghiệp nhà được khuyến khích. Trong làng, ai giỏi nghề, làm ra sản phẩm đặc sắc được lý trưởng chọn để dâng lên Thành hoàng làng và làm đồ hiến xảo.

Núi Nhồi.

Sự phát triển của nghề đục đá thời kỳ này có thể còn có sự đóng góp của các tù binh Chăm mà Lê Hoàn ở thế kỷ X và Lý Thái Tông cùng Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI đưa về đất Thanh Hóa để khai khẩn đất đai, đào sông ngòi, lập ra các trại ấp, biến khu vực núi An Hoạch thành một công xưởng chế tác đá. Trong các công trình kiến trúc cung điện ở Kinh đô Hoa Lư cũng như nhiều đền chùa tại Thanh Hóa và nhiều nơi khác đều có mặt sản phẩm đá có nguồn gốc từ núi An Hoạch.

Trải qua quá trình phát triển lâu dài của nghề đục đá qua nhiều thế hệ đã đào luyện nên những nghệ nhân được “vua biết mặt, chúa biết tên” và “danh bất hư truyền”. Theo dòng chảy của thời gian, nghề đục đá ở làng An Hoạch tiếp tục phát triển qua các triều đại: Lý - Trần - Lê - Nguyễn và vẫn đồng hành cùng cuộc sống hôm nay. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại sự kiện năm Quang Thái thứ 3 (1390), vua Trần “sai thợ đá ở An Hoạch mở cửa hang núi Thiên Kiện và hang núi Khuẩn Mai để lấy tiền của chôn ở đó khi trước”. Đáng chú ý là thời Nguyễn, do nhu cầu xây dựng thành Phú Xuân (Huế), thợ đá núi Nhồi đã được triệu về kinh, rồi trở thành những người “sáng nghiệp” của nghề đá Ngũ Hành Sơn.

Thời Lý, Phật giáo đã trở thành Quốc giáo “dân chúng quá nửa làm sãi, chỗ nào cũng có chùa chiền”. Do vậy nhu cầu sử dụng đồ đá trong các ngôi chùa ngày càng tăng lên, đã kéo theo sự tăng trưởng về số lượng các hộ tham gia nghề đục đá làng Nhồi. Đồng thời trình độ tay nghề của người thợ đục đá làng Nhồi ngày càng được nâng cao thành những thợ đá có nghề nghiệp điêu luyện và tài sáng tạo đã tạo ra nhiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo để lại ngàn đời. Những khối đá của thành Thăng Long thời Lý, những con rồng thời Lý được khắc đá xanh, những tấm bia ghi công đức, những pho tượng Phật bằng đá... đều do công sức và bàn tay tài hoa của thợ đục đá làng An Hoạch tạo tạc.

Trong 19 năm (1082 - 1101) làm tổng trấn Thanh Hóa, Thái úy Lý Thường Kiệt “tuy thân vướng việc đời mà lòng vẫn hướng về đạo Phật”, ông rất quan tâm đến việc tu bổ và phát triển chùa chiền. Trên đất Thanh Hóa xuất hiện không ít chùa. Hàng loạt chùa chiền nổi tiếng được xây dựng vào thời Lý mà tiếng tăm còn vọng đến ngày nay như: Chùa Báo Ân (núi An Hoạch) dựng năm Hội Phong thứ 9 (1100), chùa Linh Xứng (Hà Ngọc, Hà Trung) niên đại Thiên Phù Duệ Vũ 1 (1120), chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Văn Lộc, Hậu Lộc) được xây dựng lại vào năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), chùa Hương Nghiêm (Thiệu Trung, Thiệu Hóa) niên đại Thiên Phù Duệ Vũ thứ 5 (1124). Trong các ngôi chùa trên, chùa Linh Xứng là do ông trực tiếp xây dựng ở núi Ngưỡng Sơn. Vì vậy, dân địa phương còn gọi tên chùa này là chùa Lý Thái Úy (tức Lý Thường Kiệt). Tấm bia chùa Linh Xứng được làm từ năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 năm Bính Ngọ (1126) - tức là khi Lý Thường Kiệt còn đang ở Thanh Hóa, nhưng mãi 21 năm sau khi ông mất mới dựng.

Trong những ngôi chùa lớn xây dựng thời Lý, duy nhất chỉ có chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh thuộc địa phận sở lỵ Duy Tinh, xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc còn lại đến nay.

Trải qua các triều đại Trần - Lê - Nguyễn, do vị trí quan trọng của nghề đục đá, với chất đá quý hiếm An Hoạch và bàn tay tài hoa của những người thợ đục đá làng Nhồi đã được tham gia vào việc xây dựng các công trình quan trọng của quốc gia và các công trình kiến trúc tôn giáo như: đình, chùa, lăng tẩm đến điện đài, cung vua, phủ chúa... trong cả nước.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại sự kiện năm Quang Thái thứ 3 (1390), vua Trần Thuận Tông “sai thợ đá ở An Hoạch mở cửa hang núi Thiên Kiện và hang núi Khuẩn Mai để lấy tiền của chôn ở đó khi trước”; rồng đá ở điện Kính Thiên (Kinh thành Thăng Long); cung Bảo Thanh, thành Tây Đô (thời Trần - Hồ); khu điện miếu Lam Kinh (Thọ Xuân); đặc biệt trong số 82 bia Tiến sỹ dựng ở Văn miếu - Quốc Tử Giám (đã được công nhận là di sản tư liệu thế giới), có nhiều bia ghi rõ tên người trang trí, khắc chữ là người Thanh Hóa... Đến đầu thế kỷ XIX, do nhu cầu xây dựng thành Phú Xuân (Huế), thợ đá núi Nhồi đã được triệu về kinh xây cung đình, lăng tẩm...

Văn bia Quốc Tử Giám ghi dấu ấn của thợ đục đá làng Nhồi - An Hoạch.

Và còn vô số công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng đá núi Nhồi vào việc tạc tượng người, voi, ngựa, rồng cỡ lớn, điển hình như nhóm tượng ở lăng Quận Mãn (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa); thành đá và nhóm tượng điêu khắc đá ở đền thờ Nguyễn Văn Nghi (Đông Thanh, Đông Sơn); nhóm tượng đá ở lăng chúa Trịnh (Vĩnh Lộc)...

Ngay cả việc xây dựng nhà thờ Phát Diệm cuối thế kỷ XIX, nguồn nhân lực và các di vật chạm khắc đá cũng có nguồn gốc ở Thanh Hóa. Cha Sáu vốn gốc người Nga Sơn - Thanh Hóa đã đưa thợ đá vùng núi Nhồi tham gia xây dựng và “đưa chiếc sập đá lớn về đặt ở tòa Phương Đình, đây là chiếc sập đá của vua Hồ ở thành Tây Giai được đưa về đầu thế kỷ”. Thời đại ngày nay, đá núi Nhồi lại vinh dự được góp phần xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô Hà Nội.

Là nơi có nguồn đá quý với trữ lượng dồi dào, nghề đục đá An Hoạch được chấn hưng ở thời Lý - Trần, Lê sơ, Lê - Trịnh, Nguyễn và được duy trì, phát triển cho đến tận ngày nay. Người thợ đá An Hoạch không chỉ bó hẹp phạm vi hoạt động trong vùng, trong tỉnh Thanh Hóa mà đã đi khắp nơi để hành nghề. Những sản phẩm do bàn tay khối óc của họ tạo tác nên đã đóng góp không nhỏ vào kho tàng mỹ thuật truyền thống của dân tộc.

Nhìn lại gần 1.000 năm phát triển nghề chạm khắc đá làng Nhồi mới thấy hết công lao to lớn của Thái úy Lý Thường Kiệt - 19 năm giữ trọng trách Tổng trấn Thanh Hóa.

Nguyễn Ngọc Khiếu


Nguyễn Ngọc Khiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]