(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chiến tranh lùi xa hơn bốn mươi năm nhưng đến hôm nay Thanh Hóa vẫn còn hàng vạn người sống bơ vơ, buồn tủi trên đường đi đánh Mỹ trở về.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghĩ về chuyện người có công

(VH&ĐS) Chiến tranh lùi xa hơn bốn mươi năm nhưng đến hôm nay Thanh Hóa vẫn còn hàng vạn người sống bơ vơ, buồn tủi trên đường đi đánh Mỹ trở về.

Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Thanh Hóa đã làm nên trăm ngàn chiến công với những kỳ tích lẫy lừng trong đó có công lao và sự hy sinh vô cùng oanh liệt nhưng rất thầm lặng của một binh chủng đặc biệt, đó là vận tải thuyền nan, suốt cuộc chiến tranh trên kênh đào Nhà Lê lịch sử.

Kênh đào Nhà Lê dài hai trăm hai mươi sáu cây số nối sông Mã Thanh Hóa với sông Lam Nghệ An, được đào từ thời tiền Lê do Thập đạo tướng quân Lê Hoàn khởi xướng. Đến thời hậu Lê, Bình định vương Lê Lợi cho đào lại rộng và sâu hơn làm đường vận tải quân lương đánh giặc Minh xâm lược.

Đầu năm 1965, máy bay Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm cắt đường vận chuyển vào chiến trường miền Nam. Trong lúc yêu cầu lương thực và súng đạn tại chiến trường vô cùng cấp thiết. Trung ương đã giao cho Thanh Hóa vận chuyển một khối lượng lương thực và súng đạn lớn. Vào thời điểm này, Quốc lộ 1A và các tuyến đường khác bị máy bay Mỹ oanh tạc liên tục. Đường sắt bị chặt đứt nhiều đoạn. Với quyết tâm đảm bảo tốt nhất nhiệm vụ Trung ương giao, Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định thành lập Công ty Vận tải thuyền nan chống Mỹ.

Tháng 3 năm 1965 tôi được Ty Giao thông Vận tải điều về cùng bảy thành viên khác tổ chức thành lập Công ty do ông Đào Đức Hinh - Phó Ty Giao thông làm Chủ nhiệm. Cũng từ đầu năm 1965, Bộ GTVT đã điều động hơn hai vạn thanh niên xung phong cùng với tám mươi ngàn dân địa phương hai tỉnh Thanh - Nghệ tập trung đào vét kênh Nhà Lê để các loại phương tiện vận tải hoạt động. Thực tế trong tất cả các cuộc chiến tranh trên thế giới, chưa có một quốc gia nào dùng phương tiện thuyền nan vượt sông, vượt biển đưa hàng đi đánh giặc. Và ở Việt Nam duy nhất có tỉnh Thanh Hóa sáng tạo ra công việc ngoài sức tưởng tượng này.

Làm vậy vì Thanh Hóa có lợi thế tám huyện miền núi với số lượng luồng nứa, song, mây lớn nhất cả nước. Thường vụ Tỉnh ủy đã giao chỉ tiêu cho các huyện trong một thời gian ngắn phải tập trung toàn dân khai thác, vận chuyển đủ chỉ tiêu, nguyên liệu được giao đưa về tận các xã ven sông Mã, sông Chu của huyện Thiệu Hóa cho các trạm đan thuyền. Do thực tế chiến tranh nên con số có mặt tại công ty chiếm 78% là nữ, họ mới rời ghế nhà trường ở tuổi mười tám, đôi mươi đã thi nhau xung phong đi chèo thuyền, chở đạn và gạo vào chiến trường đánh Mỹ. Tuyến bốc hàng và cất giữ của Thanh Hóa là ở núi Voi, xã Quảng Thịnh, Quảng Xương còn nơi giao hàng là bến chợ Củi bên bờ sông La và sông Lam (tức đền thờ ông Hoàng Mười) hiện nay.

Từ năm 1966, trên kênh đào nhà Lê rợp bóng thuyền với những mái tóc dài tha thướt. Ban ngày thuyền nép vào ven sông, chặt lá tươi ngụy trang, tất cả chiến sĩ sơ tán lên nhà dân cho tới lúc chập tối mới ra đi. Họ cứ đi như thế đến cuối tuyến giao hàng xong lại quay về bến cũ tiếp tục nhận hàng đi chuyến khác. Số lượng hàng giao ở chợ Củi quá lớn nên phải đưa thêm tám đại đội, mỗi đại đội một trăm thuyền chở hàng từ chợ Củi ngược sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố đi về hướng chiến trường Trung Lào. Hàng chở tới điểm bị tắc thì đã có hàng ngàn xe thồ Thanh Hóa đứng đợi để chuyển tải bằng đường bộ mà đi.

Đến cuối năm 1967, công ty được chuyển từ làng Trầu, xã Quảng Thắngvào nhà thờ Cổng Chốt giữa thành phố Vinh, gần ngôi mộ ông Đội Cung để tiện chỉ huy.

Đầu năm 1968, tỉnh quyết định đổi tên Công ty thành Đoàn vận tải Lam Sơn để giữ bí mật. Do đặc điểm địa lý của miền Trung không có sông chảy dọc đất liền nhưng Trung ương lại quyết định mở Chiến dịch mang biệt hiệu VT5 và bước đầu giao cho Thanh Hóa phải đưa được hai trăm thuyền nan vào cảng Đồng Hới, Quảng Bình tiếp chuyển hàng từ tàu lớn đi theo sông Kiến Giang lên vùng phía Tây là Thác Tre, sông Bồ cho năm ngàn xe thồ Thanh Hóa chuyển hàng vào tuyến trong. Nan giải nhất là làm sao đưa được thuyền vào?

Sau khi nghe ông Đào Đức Hinh báo cáo ở hậu phương không ai ký lệnh cho thuyền vượt biển. Ông Hoàng Văn Hiều đập tay xuống bàn quát: Đây là mệnh lệnh của chiến trường, tất cả để đánh thắng Mỹ thì không cần ai ký lệnh. Nhân dân giao con, em cho Đảng đi đánh giặc thì họ tự ký lệnh cho mình vượt biển mà đi.

Dùng thuyền nan bắc cầu phao.

Rời bộ chỉ huy tư lệnh tiền phương quay về Vinh, lãnh đạo đoàn đã thông báo ý kiến của Bộ chỉ huy chiến dịch xuống từng đơn vị và phát động phong trào “xung phong vượt biển”. Chỉ trong một ngày đã có gần hai ngàn chiến sĩ xung phong. Bước đầu quyết định thành lập một đội vận tải mang tên Phan Hành Sơn gồm 80 thuyền cùng 180 cán bộ, chiến sĩ, trên thuyền chỉ chở một tấn chiếu từ Nga Sơn chuyển vào Quảng Bình và cũng thật may, tôi được ông Đào Đức Hinh cùng tập thể Đảng ủy đoàn giao cho làm Chỉ huy chuyến vượt biển lịch sử ấy.

Chuyến thuyền xuất phát từ cửa Lạch Hội, Nghệ An vào đến cảng Đồng Hới kéo dài suốt tám ngày, có hy sinh, mất mát cả người và phương tiện. Vào tới nơi thuyền được giao lại cho đội quân đi bộ từ Vinh vào tiếp nhận còn những người đi biển lại gánh gồng, khiêng vác, chèo lái quay ra Vinh để vượt biển tiếp chuyến sau. Tôi không được quay ra mà phải ở lại Quảng Bình chỉ đạo việc bốc hàng, chuyển theo sông Kiến Giang lên tận vùng Thác Tre, Xuân Bồ cho xe thồ chuyển tiếp.

Vào thời điểm cuối năm 1968, trên đất Quảng Bình khói lửa. Ngoài quân đội Thanh Hóa có ba lực lượng lớn là: Chiến sĩ vận tải thuyền nan, vận tải xe thồ và ba mươi ba ngàn thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bốc vác và mở các tuyến đường trong đó có đường 20 Quyết thắng.

Tôi nhớ cái Tết năm 1968, đồng chí Nguyễn Tư Thoan - Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Cổ Kim Thành - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Quảng Bình xuống tận thuyền để động viên và tặng quà cho các chiến sĩ. Kết thúc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất do Giôn-xơn đứng đầu nhà Trắng, mãi đến cuối năm 1970 chúng tôi mới được bàn giao thuyền cho địa phương Quảng Bình và quay về Thanh Hóa. Và kết thúc chiến tranh, riêng đoàn thuyền nan đã có 264 người được công nhận là liệt sĩ, 986 người được cấp thẻ thương binh còn tất cả những người hết nghĩa vụ quay về đều tay trắng, bơ vơ, không ai nhắc đến, không ai nhớ tới họ.

Khổ nhất thời bấy giờ là tin đồn thất thiệt: thuyền nan Thanh Hóa nam nữ đi chung một thuyền làm tất cả những cô gái trở về chịu tai tiếng và khó xây dựng được gia đình hạnh phúc. Thực chất lúc bấy giờ đàn ông đã ra chiến trường hết, chỉ còn những người ốm yếu, hoặc thành phần đặc biệt mới ở lại đi thuyền nan và TNXP. Cứ 8 nữ mới có 2 nam thì lấy đâu ra nam nữ đi chung một thuyền?. Cũng vì cái tin ấy cho đến hôm nay, biết bao người một thời trên đường chở hàng đi đánh Mỹ nay đều ngoài tuổi bảy mươi, đang phải bơ vơ sống và ngậm ngùi với những hy sinh của mình cùng đồng đội trong cuộc chiến tranh cứu nước.

Một lần tôi vào xã Thăng Long, huyện Nông Cống công tác, tình cờ gặp lại mấy người bạn thuyền nan cũ thì anh Nguyễn Thanh Trà đã chỉ thẳng vào mặt tôi mà chửi: - Anh từng làm Bí thư Đảng ủy Đoàn vận tải Lam Sơn trên đất Quảng Bình, anh đã từng nói bao điều ngon ngọt với chúng tôi rằng Đảng và nhân dân không bao giờ quên ơn chúng ta. Bây giờ anh trở thành nhà văn, nhà báo lại có tên tuổi vậy anh có biết hàng vạn con người đang sống trong bơ vơ ngậm ngùi, day dứt vì họ đã bỏ cả tuổi thanh xuân chở hàng dưới mưa bom, bão đạn trên con đường cam go. Chẳng lẽ danh vọng đã làm anh quên đi đồng đội cũ, quên đi những năm tháng cái chết còn tính từng giây, anh không dám viết ít câu lên mặt báo cho thế hệ này biết chúng ta đã phải sống và chiến đấu như thế nào? Khổ ải ra sao suốt bao năm tháng.

Không chỉ ở Nông Cống mà bất kỳ lần nào xuống các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Tĩnh Gia... tôi cũng ngậm ngùi nghe những lời trách móc ấy. Có người bảo: Chúng tôi có đòi hỏi Đảng và Nhà nước gì đâu, cũng chỉ muốn được hưởng chế độ như thanh niên xung phong thôi. Lực lượng TNXP trở về đều được hưởng chế độ 1 lần là 1.600.000đ và 1 cái thẻ bảo hiểm y tế. Còn chúng tôi hàng vạn con người trở về sống trong bệnh tật, đau ốm dày vò, không chồng con, bố mẹ không còn, chỉ mong có một cái thẻ BHYT để vượt qua lúc ốm đau, đỡ tủi phận.

Thực chất Thanh Hóa có 61.000 TNXP đã được hưởng chế độ nhưng hiện tại còn 25.000 thanh niên tình nguyện. Đầu năm 1973 Thanh Hóa muốn đổi mới nên chuyển từ cái tên TNXP sang Thanh niên Tình nguyện. Hội Cựu TNXP đã làm văn bản và họp rất nhiều cuộc trình lên rất nhiều cấp để xin cho 25 nghìn người này được hưởng chế độ như TNXP nhưng đến nay vẫn chưa được. Cái mắc chính là thế hệ hôm nay ở các cơ quan công quyền chưa hình dung hết những tổn thất hy sinh từ thời xa lắc đó, họ chỉ thấy số người quá lớn, mà cái con số 1.600.000đ cho mỗi người tính ra không hề nhỏ. Hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo được mở ra nhưng bây giờ tất cả các văn bản đều đang nằm ở Sở Nội vụ.

Tôi nhớ tới chuyện tại bến Phà Ghép có những ngày của năm 1966 đại đội Thọ Xuân đã hy sinh tới mười hai người, kỳ lạ vì ngay trên đất Nghệ An họ cũng đã xây Tượng đài tưởng niệm TNXP trên Kênh đào nhà Lê lịch sử. Tôi có người bạn gái là Nguyễn Thị Thi ở xã Xuân Hòa, huyện Thọ Xuân trước khi xuống thuyền còn hẹn tôi: “Hôm nào về qua Kênh Sắt, em sẽ mang cam Xã Đoài đem về, chắc là anh thích”. Lời hẹn đó chỉ được tám ngày thì nhận tin em hy sinh ở kênh Cát Vàng thuộc xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Thi nằm lại Nghĩa trang huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An gần năm chục năm. Năm 2015, gia đình mới tổ chức đưa em về Nghĩa trang Hàm Rồng Thanh Hóa. Tôi đã ra quỵ xuống bên ngôi mộ mà không nói được lời nào. Sau cùng tôi phải thốt lên: “Em đừng oán anh, đừng oán ai cả, không phải tại ai đâu”.

Thanh Hóa nơi sinh ra lực lượng đặc biệt này đã phải tổ chức bao nhiêu cuộc họp, nhưng đến bây giờ một hòn đá dựng lên khắc lưu niệm tại bến Sông Yên nơi có Phà Ghép anh hùng vẫn còn bàn nên có hay không?

Tôi đã ngoài tuổi cổ lai hy. Sáu lần bị thương nhưng không còn giấy tờ gì để có một thẻ thương binh. Vậy mà nhiều người, quá nhiều người họ không hề ra trận, vẫn được hưởng chế độ thương binh đàng hoàng. Nhiều lúc tôi cũng nhìn vào mười đầu ngón tay cầm bút của mình tự hỏi vì sao để anh em đồng đội đến nỗi cơ cực? Thương mình và thương cả những đồng đội của tôi.

10/7/2017

Kiều Vượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]