(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với mục tiêu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, hiện đang có nghịch lý nơi cần thì không có nước sạch để dùng, nơi có thì người dân lại không mặn mà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghịch lý nước sạch nông thôn

(VH&ĐS) Với mục tiêu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, hiện đang có nghịch lý nơi cần thì không có nước sạch để dùng, nơi có thì người dân lại không mặn mà.

Có nước sạch nhưng người dân không mặn mà

Trước đây, người dân các xã Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Ngọc, Quảng Trường huyện Quảng Xương thường xuyên gặp tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, khi mà các giếng khơi và giếng khoan bị cạn nước. Ngay cả trong mùa mưa, thì chất lượng nguồn nước của nhiều giếng cũng không đảm bảo vệ sinh do bị nhiễm phèn. Chính vì vậy, khi huyện có chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch An Bình tại xã Quảng Văn, với mục tiêu cung cấp nước sạch cho 5 xã trong vùng. Tuy nhiên, sau khi nhà máy đi vào hoạt động, hầu hết các hộ dân lại vẫn duy trì thói quen sử dụng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày mà không sử dụng nước sạch do nhà máy cung cấp.

Qua tìm hiểu được biết: Nhà máy nước sạch An Bình được thiết kế thành 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư lên đến 100 tỷ đồng. Từ đầu tháng 11/2016, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động với công suất 5.400 m3/ngày, cung cấp nước sạch cho 5 xã: Quảng Văn, Quảng Hòa, Quảng Hợp, Quảng Ngọc, Quảng Trường. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, cũng mới chỉ có khoảng 300 trên tổng số hơn 8.000 hộ gia đình thuộc 5 xã sử dụng nguồn nước sạch do công ty cung cấp. Các hộ còn lại vẫn đang dùng nước giếng khoan, nước mưa để sinh hoạt, ăn uống. Trao đổi với chúng tôi, anh Nam, một người dân ở xã Quảng Hòa cho biết: chất lượng nước của Nhà máy nước An Bình rất bảo đảm. Nhưng hiện nay gia đình tôi đã đầu tư giếng khoan, bể lọc nước, bể đựng nước mưa, nếu dùng nước sạch thì lại bỏ phí các công trình này. Hơn nữa, nếu muốn dùng nước sạch ban đầu phải đầu tư vài triệu đồng... nên cũng khó khăn cho gia đình.

Cũng theo một số hộ thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ các hộ dân nông thôn đăng ký sử dụng nước sạch đạt thấp là do thói quen dùng nước mưa và nước giếng khoan của bà con từ lâu nay. Người dân chưa hiểu hết lợi ích nước sạch đem lại. Ngoài ra, một số dự án nước sạch nông thôn trước đây không bảo đảm chất lượng đã khiến người dân hoài nghi hoặc mất lòng tin đối với chất lượng nước của các công trình nước sạch nông thôn hiện nay. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng nước sạch của một số địa phương chưa tích cực...

Cần lắm những công trình nước sạch cho người dân vùng nông thôn.

Nhiều địa phương lại “khát” nước sạch

Nhiều năm nay, người dân xã Thanh Sơn (Tĩnh Gia) luôn trong tình trạng thiếu nước sạch. Hầu hết nước giếng khoan và giếng đào của bà con nhiễm phèn nặng, nước có vị hơi lợ, bốc mùi phèn. Chị Lương, ở xóm Bèo cho biết: nước ở giếng mới bơm lên thì trong, nhưng để một lúc là chuyển sang màu vàng đục, có mùi phèn; áo quần, đồ dùng giặt bằng nước giếng đã qua bể lọc nhưng sau một thời gian vẫn bị ố vàng vì vậy đã nhiều năm nay gia đình chị phải mua nước đóng chai về uống, còn nước nấu ăn thì mua của những hộ dân phía trong núi, bởi độ phèn trong nước ít hơn hoặc mua của vùng khác chở về với giá hơn 200.000 đồng/m3.

Nghiêm trọng hơn, từ nhiều năm nay người dân xã Trung Chính (Nông Cống) phải thường xuyên đối mặt với nỗi lo thường trực là thiếu nước sinh hoạt. Hiện có tới 400 hộ dân của xã phải lấy trực tiếp nước từ sông Nhơm lên để sử dụng. Bởi nếu có đào giếng thì cũng không dùng được vì nguồn nước có màu vàng, mùi tanh, hôi. Thậm chí có nhiều gia đình phải đào tới 5 chiếc giếng khơi nhưng đều phải bỏ vì nước không thể sử dụng được. Với giếng khoan, nhiều gia đình phải bỏ chi phí khoan giếng tới 2 - 3 lần, độ sâu 30 - 50m, có khi tới 100m nhưng nguồn nước vẫn bị nhiễm mặn, nhiễm phèn không thể dùng để ăn, uống, tắm giặt. Bởi vậy với họ nguồn nước sạch còn quý hơn cả vàng.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp như: Vận động nhân dân xây bể chứa nước và sử dụng nước tiết kiệm; thực hiện lồng ghép các nguồn vốn dành cho nước sạch tập trung để xây dựng các công trình chứa nước, cấp nước; tiến hành nạo vét những giếng còn nước, đào hoặc khoan thêm giếng mới ở những nơi có điều kiện để cấp nước cho dân. Các địa phương đồng bằng và ven biển có nguy cơ nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn vận động người dân sử dụng hệ thống lọc theo phương pháp truyền thống, đồng thời sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước nông thôn tập trung để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân...

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài ngành tài nguyên và môi trường cần có biện pháp để sớm đưa nguồn nước sạch về với người dân nông thôn để đảm bảo nhu cầu đời sống của họ.

Yến Vy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]