Sau ngày Côn Đảo giải phóng, ai cũng mong muốn rời xa mảnh đất đau thương này càng sớm càng tốt. Nhưng với người cựu tù Phan Hoàng Oanh thì khác, ông đã tình nguyện ở lại để thực hiện khát vọng dựng xây Côn Đảo và gánh vác một phần việc vô cùng thiêng liêng đó là chăm sóc, hương khói cho đồng đội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người cựu tù nặng lòng với Côn Đảo

Sau ngày Côn Đảo giải phóng, ai cũng mong muốn rời xa mảnh đất đau thương này càng sớm càng tốt. Nhưng với người cựu tù Phan Hoàng Oanh thì khác, ông đã tình nguyện ở lại để thực hiện khát vọng dựng xây Côn Đảo và gánh vác một phần việc vô cùng thiêng liêng đó là chăm sóc, hương khói cho đồng đội.

Tại căn nhà nhỏ nằm nép mình một góc khuôn viên Nhà Chúa đảo cũ, qua lời kể, những ký ức của người cựu tù Phan Hoàng Oanh, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử cách mạng Côn Đảo đã đưa chúng tôi trở về một thời bi tráng. Mỗi chi tiết nhỏ của ký ức ngày nào vẫn như mới xảy ra ngày hôm qua, thiêng liêng và nguyên vẹn.

Dư âm chốn “địa ngục trần gian”

Sinh ra và lớn lên tại Kiên Giang, tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, từ giao liên, tiếp tế cho bộ đội đến công tác phong trào thanh niên… ông Oanh đều hăng hái tham gia. Năm 1969, khi đang giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Đông Hưng (An Biên, Kiên Giang), ông bị giặc bắn bị thương, sau đó bị bắt vào khám Kiên Giang. Trải qua nhà tù Cần Thơ rồi đến trại giam Chí Hòa, năm 1970, vì tội tổ chức tù nhân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ và đòi được làm lễ kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khám, ông bị địch bắt đày ra nhà tù Côn Đảo.

Ông Phan Hoàng Oanh. Ảnh: HP

Tại Côn Đảo, ông bị giam ở trại Phú Bình - trại giam chuồng cọp kiểu Mỹ với những cực hình tra tấn dã man, đến tận bây giờ ông vẫn nhớ như in hình ảnh về khu chuồng cọp bao quanh bằng dây thép gai, các dãy phòng giam chật chội, ẩm thấp chỉ 4-5m2, nhưng số lượng tù nhân bị giam từ 6-7 người, thậm chí cao điểm đến 11 người. Vào mùa mưa, nước ngập cả nền phòng giam, người tù lúc đó chỉ có thể ngủ ngồi; còn mùa nắng, trần nhà lợp bằng tôn xi măng, hơi nóng hừng hực phả vào các phòng giam. Cùng với đó là điều kiện vệ sinh tồi tệ đã khiến người tù vô cùng khổ sở.

Nhưng tất cả những thủ đoạn tra tấn tinh vi nhất của đế quốc Mỹ cũng không dập tắt được ý chí chiến đấu của những người tù chính trị nơi đây. "Dù bọn đế quốc dùng nhiều thủ đoạn để làm lung lay ý chí, tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ, nhưng tôi cùng với những người tù chính trị tại Côn Đảo không hề nao núng, luôn kiên trung, một lòng sắt son với cách mạng. Kiên cường đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh…" - ông Oanh chia sẻ.

Nỗi cực khổ của tù nhân Côn Đảo không thể nào có thể tả hết, nhưng “địa ngục trần gian” ấy không thể kìm kẹp và làm tàn lụi ý chí đấu tranh kiên định vì độc lập, tự do của các chiến sĩ cách mạng.

Quê hương thứ hai

Những ngày bị giam cầm tưởng chừng như sẽ chẳng bao giờ được trở về đất liền. Nghe tin giải phóng mừng mừng tủi tủi, người về, người ở bịn rịn chia tay. Sáng 5/5/1975, những chuyến tàu đầu tiên ra đón tù chính trị trở về đất liền đã cập cảng Côn Đảo trong niềm mong đợi của hàng ngàn chiến sĩ kiên trung. Chưa đầy 2 tuần, phần lớn cựu tù đã lần lượt rời Côn Đảo. Chuyến tàu cuối cùng dự kiến xuất bến ngày 20/5/1975. Trước lúc nhổ neo, tổ chức đề nghị những thanh niên khỏe mạnh ở lại làm nhiệm vụ ổn định tình hình, giữ trật tự trị an Côn Đảo.

Sau những năm tháng bị giam cầm, ai cũng mong đợi ngày về và muốn rời xa mảnh đất đau thương này càng sớm càng tốt. "Tôi cũng do dự, băn khoăn nhưng rồi đã tình nguyện ở lại. Sau khi tôi quyết định ở lại thì trong số những người bạn tù có người cũng ở lại, rồi những người khác cũng lần lượt đăng ký bám trụ tại đây" - ông Oanh nhớ lại.

Năm 1976, ông trở về quê nhà đưa vợ con ra Côn Đảo an cư lập nghiệp cho đến nay. Những ngày đầu sau giải phóng, cuộc sống ở Côn Đảo còn nhiều khó khăn, nhưng những khó khăn này không làm cho ông và những đồng đội nản chí, mà ngược lại, chính những khó khăn đó lại tôi luyện ý chí bất khuất, kiên cường của người chiến sĩ cách mạng năm xưa.

Một bãi tắm ở Côn Đảo. Ảnh: HP

Ở lại xây dựng Côn Đảo, ngoài việc làm tốt nhiệm vụ, ông còn là nòng cốt trong việc gắn kết liên lạc với các cựu tù, cũng như tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực hướng dẫn cho các đơn vị, những người đến tìm hiểu về hệ thống nhà tù trên địa bàn. Việc làm này của những cựu tù hoàn toàn miễn phí, với mong muốn góp phần truyền lại hồi ức về một thời máu lửa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho những thế hệ sau.

“Những tháng ngày bị gông cùm xiềng xích, nay được sống giữa tự do, không vui sao được. Nhưng những gì mình làm để có được ngày hôm nay sao bằng những người đã ngã xuống, nên mình phải ở lại gìn giữ và bảo tồn những gì đồng đội mình để lại. Trong thâm tâm người lính chẳng mong gì lớn lao, chỉ mong những người đồng đội yên giấc; lớp trẻ hiểu hơn về lịch sử là mình vui rồi” - ông Oanh tâm sự.

Côn Đảo giờ đã bình yên, cuộc sống đổi thay từng ngày. Ông Oanh và những đồng đội năm xưa đã và đang cùng nhau góp phần xây dựng nên Côn Đảo xinh đẹp ngày hôm nay.

Theo dangcongsan.vn


Theo dangcongsan.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]