(vhds.baothanhhoa.vn) - Chơi ảnh là thú vui của nhiều người, đặc biệt là những người có điều kiện. Còn với Lê Thanh Từ (xóm 3, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn) lại “Nhờ có ảnh tôi vừa có thêm sức khỏe, lại có thêm chút chút tiền. Tôi chơi ảnh như một cái thú của tuổi già”.

Người lính già mê chụp ảnh

Chơi ảnh là thú vui của nhiều người, đặc biệt là những người có điều kiện. Còn với Lê Thanh Từ (xóm 3, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn) lại “Nhờ có ảnh tôi vừa có thêm sức khỏe, lại có thêm chút chút tiền. Tôi chơi ảnh như một cái thú của tuổi già”.

Người lính già mê chụp ảnh

Sinh năm 1959, đi lính năm 1978, năm 1993 ông ra quân, về một lần với quân hàm Thượng úy. Nhà nghèo, mải mê làm lụng, chăm con, rồi đến một ngày, chữa xong bệnh cho vợ, ông chợt nhận ra suy cho cùng cái gì là niềm vui thì mình phải theo đuổi, chả dại gì mà lại vứt bỏ.

Và từ đó, ông hàng ngày vác máy ảnh rong ruổi trên đường. Người làng ban đầu len lén nhìn ông lo lắng, sau lại thăm hỏi: Dạo này bác có đi chụp ảnh xa không?. “Sự quan tâm ấy ngoài tình làng nghĩa xóm có cả chút tò mò đấy, họ thấy tôi là nông dân chính hiệu mà giờ lại làm nghệ sĩ vườn, kể cũng lạ”, ông vừa nói vừa cười.

Vốn là người có sức khỏe, ngoài thời gian giúp đỡ vợ duy trì quán hàng nhỏ, nơi nào muốn, chỉ cần không quá xa là ông đổ đầy bình xăng xe máy cà tàng và lên đường. Đặc biệt, ông thích đến chỗ khó khăn, xa xôi, chưa nhiều người tìm đến. Chẳng hạn như hơn chục năm trước, thác Ma Hao đã ai biết đến đâu, nhưng khi ông chụp những rừng luồng, con thác và đưa lên các trang ảnh quốc tế, nhiều bạn bè tò mò tìm đến, thậm chí có những người nước ngoài còn đến tận nhà ông chơi.

Mấy năm gần đây ông mê sen. Chỗ nào có sen là ông phải tới cho bằng được. Gần đây nhất, nghe nói ở ngoài Thanh Trì (Hà Nội) có cánh đồng sen vàng đẹp lắm. “Sen đỏ thì không phải đi đâu, quê tôi đầy đồng ruộng. Nhưng cả cánh đồng bát ngát sen vàng thì hiếm lắm”. Ông lao xe máy đi ngay. Được cái ông chẳng bí mật, hay giấu diếm, chụp chỗ nào đẹp là ông trưng trổ đưa lên facebook cá nhân, và chỉ đường tận tình để mọi người có thể tìm đến được. Đến nay, vài ba ngày, ông chủ vườn sen lại gọi điện thông báo đồng thời cảm ơn ông: Nhờ có bác mà vườn hoa của cháu đông khách lắm, phải gấp 3-4 mọi năm.

“Tôi vui lắm, niềm vui của một ông nông dân mỗi ngày lại có thêm một người bạn. Ngày nào cũng “check” tin nhắn để trả lời mọi người. Có những người chưa một lần gặp mặt, nhưng khi tôi đăng cái ảnh nằm viện thì không biết bao lời hỏi thăm. Mạng xã hội ảo nhưng tình cảm là có thật đấy”. Cũng chính bởi thế mà người làng ông họ phải thắc mắc, cái ông Từ này nhiều bạn thật. Còn ông vẫn ngày ngày cần mẫn, xay bột làm bánh xèo, bánh khoái, rồi đi chở hàng cho vợ. Ông bảo: “Hai vợ chồng tôi giờ trông mong cả vào cái quán nhỏ của vợ, tổng cộng 4-5 triệu/ tháng”.

“Vợ tôi trước đây hay cằn nhằn vì tôi thoắt ẩn thoắt hiện lại xách máy ảnh ra khỏi nhà. Nhưng giờ bà ấy quen rồi”. Tôi đùa vui, ông chẳng cần đi đâu xa, cứ chụp xung quanh nhà với ao nước, sông Sung và những đầm tôm... cũng đủ đẹp và nghệ.

Để nói về được và mất của nghề nhiếp ảnh, ông cười: Tôi chỉ thấy được nhiều. Tôi có thêm bạn bè, trẻ có, già có, Tây cũng có. Tôi được đi đây đi đó. Tôi không phải mang tiền nhà ra, mà vẫn có thêm chút tiền về đưa vợ”. May mắn là ông sống đơn giản, thẳng thắn và bộc trực nên mọi người dễ thích. Gặp ông một lần là thấy mến ngay.

Hầu như năm nào ông cũng bán được mấy bức ảnh. Bức thấp nhất khoảng 5 triệu. Cao hơn thì tầm 20 triệu. “Tôi chơi mấy trang ảnh quốc tế. Mỗi năm bán chừng 5-7 bức. Tiền đó tôi giữ chút ít cho mình, còn chủ yếu là đưa cho vợ, động viên bà ấy đồng thời cũng là cách để bà ấy chấp nhận cho tôi đi chụp nhiều hơn”.

Thú vui mà sinh ra tiền thì càng vui hơn. Ông chia sẻ: “Trước đây nói đến đi chụp sự kiện là tôi dị ứng. Nhưng nay tôi lại nghĩ khác. Một công đôi ba việc, tôi vừa được trả tiền, vừa được khám phá những mảnh đất mới. Chẳng hạn gần đây nhất, tôi đi Quảng Trị chụp ảnh cho một hội nhóm. Hết giờ chụp theo yêu cầu là tôi thuê cái xe, đi khắp nơi ở Quảng Trị tìm chỗ chụp ảnh”.

Người lính già mê chụp ảnh

“Đi giữa mùa sen”.

Tôi hỏi ông: Ông có tham gia các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước không? Ông chùng hẳn xuống. “So với đồng nghiệp, phương tiện của tôi kém hơn, điều kiện của tôi lại càng kém nữa. Nên tôi chủ yếu chơi các trang ảnh quốc tế và đăng ảnh trên facebook. Cái hạn chế của tôi còn kém về công nghệ, nên không biết chỉnh sửa ảnh. Nhưng đây lại là điểm lợi thế khi tham gia các trang ảnh quốc tế, bởi tiêu chí đầu tiên là ảnh không chỉnh sửa”. Vừa nói ông vừa mở máy tính rồi chỉ cho tôi xem cái máy tính đời cổ lỗ sĩ của ông chẳng có bất cứ phần mềm chỉnh sửa ảnh nào.

Xem trang facebook cá nhân của ông thì ai cũng hiểu, ông có cái mộc mạc của một nông dân chính hiệu; có cái hào sảng khí khái của một người lính, nhưng cũng bay bổng nghệ sĩ.

Quan điểm của ông để có một bức ảnh đơn giản lắm. Quan trọng là chụp vào thời đểm xanh và thời điểm vàng. Thời điểm xanh theo cách nói của ông là buổi sáng sớm, và thời điểm vàng là lúc nắng quái chiều. Chả thế mà sáng nào hai ông cháu đi xe đạp, hoặc đi bộ là ông lại có một series ảnh đẹp. Khi đó mây vẫn còn vương, mặt trời vẫn còn lấp ló, không gian ấy chẳng cần phải dựng cảnh hay kỹ thuật nào cũng đủ có một bức ảnh dễ chịu với ánh sáng dịu mát. “Thiên nhiên kỳ diệu lắm, có ngày nào giống ngày nào, mỗi khoảnh khắc lại càng khác xa nhau. Tôi có lợi thế là người nhà quê, nên việc có bức ảnh đẹp tự nhiên không khó”, vừa nói ông vừa cười. “Cô mở facebook của tôi mà xem chỉ chụp đê chắn sóng nhưng ở mỗi thời điểm lại cho màu sắc khác nhau".

Ông rất ngại khi được nghe gọi nhiếp ảnh gia: “Thôi thôi, gọi tôi là ông Từ thôi, chứ nhiếp ảnh gia gì tôi. Tôi hoạt động tự do, không có tổ chức đoàn thể nào. Với lại tôi lớn tuổi lắm rồi. Gọi thế dễ phạm lỗi với những nghệ sĩ lắm”.

Thực sự tôi hiểu những điều khó nói của ông, nhưng không tham gia các hội, nhóm không có nghĩa là ông không có tài. Lê Thanh Từ trong con mắt của nhiều người, đó là một người say nhiếp ảnh, chỗ nào ông cũng lăn lộn, xắn quần xắn áo chụp cho đến khi ưng ý mới dừng. Nghệ thuật hấp dẫn ở chỗ không có biên giới, không phân biệt tuổi đời và tuổi nghề, ai cũng có thể tham gia miễn sao thông qua tác phẩm vừa thể hiện được chính con người mình vừa góp phần làm đẹp cho cộng đồng và xã hội. Qua nhiếp ảnh, ông được vui, được có bạn bè, thế cũng đủ để một người lính như ông sống có ích cho đời.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]