Hàng chục năm qua, cựu chiến binh Hà Hồng Kỳ âm thầm, lặn lội mọi ngóc ngách, góp nhặt từng cổ vật và kỷ vật thời chiến, với mong muốn lưu giữ các giá trị văn hóa để con cháu sau này có thể nhớ về quá khứ, về những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhưng hào hùng, về những người con đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người lưu giữ những kỷ vật thời chiến

Hàng chục năm qua, cựu chiến binh Hà Hồng Kỳ âm thầm, lặn lội mọi ngóc ngách, góp nhặt từng cổ vật và kỷ vật thời chiến, với mong muốn lưu giữ các giá trị văn hóa để con cháu sau này có thể nhớ về quá khứ, về những năm tháng chiến tranh khốc liệt nhưng hào hùng, về những người con đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Người lưu giữ những kỷ vật thời chiếnHơn 70 tuổi, ông Hà Hồng Kỳ vẫn miệt mài đi tìm những kỷ vật của quá khứ và tích cực tham gia công tác xã hội.

Lượm, lặt quá khứ

Về thị trấn Quán Lào (Yên Định) vào một trưa nắng cháy, chúng tôi tìm đến thăm nhà cựu binh Hà Hồng Kỳ. Trong lúc những thành viên khác trong gia đình tranh thủ “ngả lưng” thì người cựu chiến binh sắp bước vào tuổi “xưa nay hiếm” lại cẩn thận, tỉ mỉ lau chùi, sắp xếp những món cổ vật gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy trong chiếc tủ kính gắn trên mỗi bức tường. Dù hơi có chút bất ngờ với những vị khách không hẹn, nhưng ông Kỳ vẫn vui vẻ tạm ngừng công việc để đón tiếp chúng tôi, với vẻ chân tình và chất phác của một người lính. Ông cười bảo: “Tính tôi cứ thích lọ mọ thế đấy, có vài cái bát, cái đĩa cũ thôi mà lau lau, chùi chùi hết cả ngày. Tôi tên Kỳ, cũng vì cái tính này nên mọi người vui cứ gọi là ông Kỳ “cọ”. Ngẫm ra thấy chẳng sai, cái tên nó thể hiện đến 70% tính cách con người ”.

Có lẽ cái tính lọ mọ, kỹ càng, ngăn nắp của ông là kết quả của hơn 40 năm rèn luyện trong môi trường quân đội. Đức tính tốt đẹp này càng phát huy tác dụng với niềm đam mê sưu tầm đồ cổ, bởi như ông nói, các đồ vật bằng kim loại thì phải thường xuyên bảo dưỡng bằng cách lau dầu mỡ, kê cao không để ẩm ướt nhằm tránh hoen rỉ; còn các đồ bằng cao su, vải thì không được để mưa, nắng hắt vào làm chảy nhựa, mục nát. “Ngày nào cũng được lau chùi, ngắm nhìn chúng, thấy mình khỏe ra, trở về quá khứ để cảm nhận những đồng đội luôn ở cạnh bên”, ông nói.

Nhập ngũ năm 1971, khi vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người, ông Kỳ đã cùng đồng đội trong Tiểu đoàn Tăng 1, Trung đoàn 574 Quân khu 5 tiến vào chiến trường miền Nam, tham gia nhiều trận đánh sinh tử với quân thù, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến tranh biên giới năm 1979 kết thúc, ông cùng đồng đội tình nguyện sang Campuchia giải cứu Phnom Penh khỏi bàn tay cai trị bạo tàn của Khmer đỏ, trở thành “đội quân nhà Phật” bất hủ.

Để cứu giúp hàng triệu người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng tàn bạo và kỳ quái nhất trong lịch sử loài người và không để chúng có cơ hội quay trở lại, rất nhiều chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không thể trở về với đất mẹ. Nằm trong số những người may mắn sống sót, năm 1985 ông Kỳ về nước, sau đó đi học ở Học viện Lục quân. Trở về, ông Kỳ công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tới năm 2012 thì nghỉ hưu.

Người lưu giữ những kỷ vật thời chiếnVỏ đạn, lựu đạn, dao... được ông Kỳ treo ngay ngắn trong chiếc tủ gắn cố định trên tường.

Trong những lần gặp mặt đồng đội, chứng kiến những người từng vào sinh ra tử với mình rưng rưng khóc khi hồi tưởng lại một thời bom đạn ác liệt, nhìn các kỷ vật mà những đồng đội đã hy sinh để lại, ông thấy lòng mình se lại. Ông Kỳ chia sẻ: “May mắn được trở về sau chiến tranh nhưng những hy sinh, mất mát quá lớn của đồng đội khiến tôi luôn ám ảnh, day dứt, mong muốn làm được một việc gì đó để tri ân đồng đội. Sau ngày về hưu, tôi quyết định dành thời gian còn lại để sưu tầm không chỉ những kỷ vật chiến tranh, mà cả những cổ vật khác. Bởi tôi nghĩ, mỗi món đồ sẽ mang giá trị của một giai đoạn, thời kỳ lịch sử, là nhân chứng của thời cuộc, chiến tranh”.

Bắt đầu từ năm 2012, với khoản trợ cấp hạn hẹp, cựu chiến binh Hà Hồng Kỳ trên chiếc xe máy cà tàng, ba lô, cơm nắm, muối rang rong ruổi khắp nơi, từ miền xuôi đến miền ngược để tìm kiếm những mảnh ghép của quá khứ. Có những chuyến ông đi cả tháng trời, vừa để thăm lại chiến trường xưa - nơi ông cùng đồng đội một thời vào sinh ra tử, tìm gặp đồng đội cũ; vừa kết hợp sưu tầm, gom nhặt những kỷ vật. Ông xem việc này là bổn phận, là trách nhiệm và là lời hứa tri ân với đồng đội.

Sau mỗi chuyến đi như thế, ông lại mang về khi thì vài chiếc bát vỡ, chiếc huy hiệu, mảnh bom, vỏ đạn, lúc lại chiếc võng dù, bình tông đựng nước, chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, chiếc ba lô đã bạc... Chúng đều là những thứ đồ đã không còn giá trị sử dụng, nhưng bản thân mỗi kỷ vật đó chứa đựng những giá trị lịch sử vượt thời gian, là câu chuyện về cuộc đời người lính trong cuộc sống thường ngày đến những trận đánh ác liệt và cả giờ phút thiêng liêng trước lúc hy sinh. "Nếu chúng ta nhìn nhận ở góc độ này thì dường như mỗi một món đồ sẽ có linh hồn và tiếng nói rất riêng”, ông Kỳ nói.

Xứng danh người lính cụ Hồ

Trong căn nhà rộng chừng 75m2, hơn 350 hiện vật được phân loại theo từng nhóm riêng và cất trang trọng trong những chiếc tủ kính. Dưới mái hiên, trong sân nhà, những vỏ quả bom B52 dựng lên thành hàng. Trên tường treo chi chít những bi đông đựng nước, ăng gô đựng cơm. Mũ cối, đèn dầu, vỏ máy bay, chum sành, bát cũ… được ông Kỳ cho nằm ngay ngắn một góc riêng biệt.

Nhẹ nhàng vuốt phẳng tờ báo cũ được ép plastic cẩn thận, ông xúc động kể: “Đây là số báo có bài viết về một chiến sĩ đã hy sinh, được gia đình gửi tặng làm kỷ niệm. Tôi phải đi lại rất nhiều lần, thuyết phục mãi, cuối cùng gia đình người chiến sĩ ấy mới đồng ý để tôi mang về trưng bày ở đây với mong muốn, thông qua kỷ vật có thể giúp cho nhiều người hiểu thêm về sự hy sinh thầm lặng của những người lính cho đất nước được hòa bình, thống nhất, Nhân dân ta có cuộc sống như ngày hôm nay”.

Có lẽ qua những lần như thế, ông thấm thía hơn việc bản thân đang làm còn mang theo bao kỳ vọng của đồng đội và thân nhân các liệt sĩ. Bởi, những lớp người tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ sẽ dần ra đi, nhưng những kỷ vật, những câu chuyện, kỷ niệm, hiện vật và anh linh của các Anh hùng liệt sĩ sẽ sống mãi, nhất là khi chúng ta biết lưu giữ những kỷ vật và trân trọng quá khứ. Vì vậy mà có không ít người yêu thích cổ vật, đến “gạ” ông bán những hiện vật với giá hàng chục triệu đồng, nhưng ông đều từ chối. Ông chỉ tặng lại cho những người bạn thực sự thân thiết nếu họ thích. Ông bảo: “Có ai đi kinh doanh quá khứ bao giờ, nhất là những ký ức thời chiến. Những kỷ vật này sẽ cùng tôi kể lại những chiến tích hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ”.

Những năm gần đây, “bảo tàng” của ông được nhiều người biết đến, trở thành một điểm đến cho những người muốn hồi tưởng lại quá khứ, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các bạn học sinh, thanh niên trên địa bàn. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4; Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5, Quốc khánh 2-9, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12, Tết Nguyên đán… dù khá vất vả trong việc đón tiếp, trò chuyện, giới thiệu những hiện vật, nhưng ông lại coi đó là niềm vui, niềm hãnh diện.

Em Nguyễn Ngọc Hân, học sinh Trường THPT Yên Định 1, bộc bạch: “Sinh ra và lớn lên trong thời bình, những điều em hiểu về lịch sử dân tộc chủ yếu là thông qua sách giáo khoa và bài giảng của thầy cô. Được tận mắt chứng kiến những hiện vật của quá khứ đã giúp em và các bạn có được những bài học thực tế. Món đồ tưởng như rất bình thường như: chiếc cuốc, chiếc xẻng nhưng trong thời chiến chúng lại là “vũ khí” bộ đội ta đã đào thành hệ thống giao thông hào tới sát khu vực đồn trú của đối phương để tiếp cận và tiêu diệt quân xâm lược…Qua đó, chúng em hiểu rằng, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, cha ông mình đã phải đổ biết bao xương máu mới giành được. Noi gương lớp người đi trước, chúng em càng phải cố gắng học tập, rèn luyện tốt hơn nữa để xứng đáng với công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc.

Ở tuổi gần 70, đôi chân của cựu binh Hà Hồng Kỳ vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, ông gương mẫu đi đầu trong công việc của tổ dân phố, nơi mình sinh sống với tác phong nhanh nhẹn, giản dị của một người lính cụ Hồ. Hiện ông Kỳ là Phó Bí thư chi bộ, Phó Trưởng ban mặt trận… khu phố 4, thị trấn Quán Lào. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông Kỳ cũng tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch của địa phương. “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, từ tuyên truyền cho đến truy vết, ông và đồng đội của mình - những người lính tóc bạc trong cuộc chiến thời bình vẫn hành quân không ngừng nghỉ trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]