(vhds.baothanhhoa.vn) - Bão số 4 đi qua gây mưa lớn, ngập lụt tại một số địa phương, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Hiện nay, các huyện trong tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân vùng lũ

Bão số 4 đi qua gây mưa lớn, ngập lụt tại một số địa phương, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Hiện nay, các huyện trong tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, cơn bão số 4 gây mưa lũ khiến 2 người chết và 1 ngườimất tích; 1.243 ngôi nhà ngập sâu trong nước, 10 nhà sập hoàn toàn, hơn 3.500 ha lúa và hoa màu bị vùi lấp, ngập trong nước và hơn 3.700 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; 123,5 ha thủy sản bị tràn, nhiều quốc lộ, tỉnh lộ qua đây bị sạt lở nghiêm trọng, giao thông chia cắt, nhiều bản làng đang bị cô lập; các tuyến Quốc lộ 15, 15C, 217, 217B, 16, 47 và các Tỉnh lộ 518B, 519, 519B, 520B, 521B, 521C, 506, 508..., đường tuần tra biên giới bị sạt lở, hư hỏng; sơ tán hơn 4.000 hộ dân sinh sống ở bãi sông đến nơi an toàn... Mưa lũ đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, hiện tại các địa phương bị ảnh hưởng đang huy động lực lượng để khắc phục hậu quả sau lũ.

Để bảo vệ diện tích cây trồng, ngay từ khi xuất hiện mưa, Công ty TNHH Một thành viên sông Chu đã chỉ đạo các chi nhánh thủy nông mở các cống tiêu, vận hành một số trạm bơm ở những vùng thường xuyên bị ngập lụt để tiêu nước. Hiện, trên cơ sở nắm bắt, theo dõi tình hình thời tiết, căn cứ vào mực nước, công ty đang tiếp tục chỉ đạo việc vận hành các trạm bơm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng Chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quan Hóa, trên địa bàn huyện có 116 nhà ở bị ảnh hưởng do sạt lở, đổ sập, ngập lụt, cuốn trôi. Trong đó 3 nhà bị cuốn trôi, vùi lấp hoàn toàn, giao thông sạt lở gây tắc nghẽn nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên bản, liên xã; hơn 25 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, 50 guồng nước bị cuốn trôi.

Để giúp bà con tập trung khắc phục hậu quả bão lũ sớm ổn định cuộc sống, huyện Quan Hóa chỉ đạo các ngành, các địa phương, triển khai nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng lũ như: sửa chữa nhà cửa, khơi thông hệ thống thoát nước, ổn định sản xuất nông nghiệp. Các trường học khẩn trương vệ sinh, lau dọn, bổ sung cơ sở vật chất kịp thời để bước vào năm học mới; ngành y tế hướng dẫn nhân dân trong công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, phòng chống các dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe sau mưa lũ.

Người dân đang dọn dẹp nhà cửa, khu chăn nuôi để sớm ổn định cuộc sống.

Tại huyện Bá Thước, mưa lũ đã làm 19 tuyến đường do huyện, xã quản lý và 1 cầu treo tại xã Lương Trung bị hư hại; thiệt hại 202 ha lúa, hoa màu, cây nghệ. Tổng thiệt hại do bão số 4 gây ra trên 35.346 triệu đồng. Trong đó thiệt hại về giao thông là 25.043 triệu đồng và nông nghiệp là 10.303 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi về công tác khắc phục hậu quả sau lũ, ông Võ Minh Khoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Với phương châm “4 tại chỗ” huyện đã chỉ đạo các ngành y tế, nông nghiệp, tài nguyên, môi trường tập trung thực hiện vệ sinh môi trường ổn định sinh hoạt cho các hộ phải sơ tán.

Mưa lũ cũng làm huyện Cẩm Thủy thiệt hại 1.319 ha lúa, cây rau màu, cây công nghiệp; trường học, nhà dân ở nhiều xã bị ngập sâu trong nước; hàng nghìn gia cầm bị nước cuốn trôi. Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Thủy, thiệt hại do lũ ước tính trên 38,696 tỷ đồng. Huyện Cẩm Thủy đang triển khai các phương án ổn định đời sống cho nhân dân, kịp thời hỗ trợ dựng lại nhà, bố trí nơi ở đối với các hộ nhà bị sập, hư hỏng nặng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con.

Cũng như Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh... đã triển khai các phương án sửa chữa nhà cửa, khơi thông hệ thống thoát nước, ổn định sản xuất nông nghiệp; khẩn trương rà soát, xác định mức độ thiệt hại về nông nghiệp, kịp thời có sự hỗ trợ để bà con nhân dân khôi phục sản xuất; đồng thời, tiếp tục kiểm tra, khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ; gấp rút triển khai thu dọn vệ sinh môi trường, tổ chức phun thuốc khử trùng, phòng dịch sau mưa lũ.

Hiện nay, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương vùng lũ đang huy động tối đa mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, để cuộc sống của người dân nhanh chóng ổn định không chỉ là việc của huyện, của xã mà còn rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Ngày 21/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thanh Hóa đã đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 50 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 1.800 bộ trang phục bảo hộ phòng chống dịch, 10.000 lít hóa chất sát trùng, 20.000 liều vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng... để phục vụ công tác xử lý môi trường sau bão.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa đề nghị hỗ trợ 1.200 tấn khoai tây, 300 tấn hạt giống ngô, 500 tấn lúa... nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp cho nông dân.

Thanh Hóa cũng đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để xử lý khẩn cấp các công trình thủy lợi, đê điều, giao thông trong năm 2018 như: xử lý cấp bách 4 đoạn đê, kè bị sạt lở trên các tuyến sông Chu, sông Mã, sông Lèn và xử lý cấp bách 3 hồ chứa nước mất an toàn gồm liên hồ Xuân Lai (xã Hải Vân, huyện Như Thanh), hồ Bến Bằng (xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy) và hồ Hón Môn (xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân. Đồng thời, hỗ trợ khắc phục thiệt hại trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường tuần tra biên giới ở địa bàn tỉnh do bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng (P.V)

Xuân Cường


Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]