(vhds.baothanhhoa.vn) - Bác Lê Thế Chữ sinh năm 1931 tại Quảng Xương, mất ngày 3/6/2020. Ông nguyên là thư ký riêng cho Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Hoàng Văn Hiều; nguyên trợ lý cho Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh; nguyên Vụ trưởng vụ Tổng hợp Văn phòng Quốc hội. Bác được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Bác nghỉ hưu từ 1999, làm Trưởng ban đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội nhiều năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ bác Lê Thế Chữ

Bác Lê Thế Chữ sinh năm 1931 tại Quảng Xương, mất ngày 3/6/2020. Ông nguyên là thư ký riêng cho Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Hoàng Văn Hiều; nguyên trợ lý cho Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh; nguyên Vụ trưởng vụ Tổng hợp Văn phòng Quốc hội. Bác được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Bác nghỉ hưu từ 1999, làm Trưởng ban đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội nhiều năm.

Chân dung bác Lê Thế Chữ.

Đầu năm 2017, theo đề nghị của TBT Báo Thanh Hóa Phạm Minh Thiệu, tôi gọi điện cho bác Lê Thế Chữ, xin ý kiến bác về việc viết bài về bác trên Báo Thanh Hóa đầu năm. Bác Lê Thế Chữ nói giọng rất khẩn thiết qua điện thoại: Thôi thôi, chú Lộc ơi, chú tha cho bác. Bác ốm đau đã lâu rồi không ra đến cửa. Viết về bác cũng chẳng để làm gì đâu. Tôi vồn vã: Đấy, chính vì bác yếu mà em cần đến thăm bác. Không đến bác là em không yên tâm. Bác nói một câu mà người không hiểu lòng bác thì tự ái ngay: Thôi thôi chú Lộc ơi, tôi không tiếp khách được. Nhưng rồi tôi vẫn đến và bác vẫn tiếp tôi rất tình cảm. Chẳng qua là bác Chữ muốn ẩn mình vào tĩnh lặng mà thôi. Phong cách ấy chỉ có ở người có cái tâm rất sáng, một tấm lòng trung trinh với quê nhà xứ Thanh.

Nạn đói sau cơn bão số 7 năm 1986 và Việc thành lập Ban đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội...

Bác Lê Thế Chữ hào hứng kể: "...Sau trận bão số 6 và số 7 năm 1986, báo chí đưa tin cả nước có 121 người chết trong đó có Thanh Hóa. Số người chết là do bão lụt và chết đói. Điện thoại từ quê Thanh ra Hà Nội báo tin nạn đói đã có nhiều người chết. Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa đã ra lời kêu gọi lá lành đùm lá rách. Anh em cán bộ cao cấp người xứ Thanh tại Hà Nội đã cử người về Thanh Hóa kiểm tra và khẳng định chết đói là có thật. Đoàn đi có cả tôi và chị Nguyễn Thị Hằng. Trung ương hỏi, tôi dẫn chứng ngay xã tôi có ai chết, ở xóm nào. Nói cụ thể ra bây giờ không tiện. Sau hơn 30 năm rồi nói ra những con số ấy nghe kinh quá. Chúng tôi đã báo cáo Tổng bí thư Đỗ Mười và chuyến tàu chở 3.500 tấn gạo từ miền Nam ra miền Bắc đã dừng lại tại Thanh Hóa để chia sẻ 1.000 tấn gạo cứu đói cho người dân xứ Thanh. Những người Thanh Hóa tại Hà Nội đã vận động ủng hộ được trên 300.000.000đ, trên một chục tấn gạo, 5.000 bộ quần áo, gần một vạn quyển vở học sinh để gửi về quê. Từ sự kiện trên, chúng tôi thấy rằng việc ra đời một tổ chức đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội là cần thiết. Ngày 15/6/1986, một sự kiện đáng nhớ. Hôm đó anh em Thanh Hóa tại Hà Nội hội nhau tại nhà khách Chính phủ, số 37 Hùng Vương và thống nhất bầu ra Ban liên lạc gồm có 25 người do bác Lê Tất Đắc (nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa từ tháng 8/1945) làm Trưởng ban. Bác Nguyễn Trọng Vĩnh (Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa làm phó ban. Tôi, Lê Thế Chữ, là Phó ban thường trực kiêm Tổng thư ký. Sau đó mấy năm, đồng hương các huyện, đồng hương các xã cũng được thành lập. Sau năm 1995, gần 200 xã đã có tổ chức đồng hương."

Bác Chữ nhìn tôi, nói chậm lại như khẳng định, như tổng kết: "...Nhờ có tổ chức đồng hương, nhiều hoạt động xã hội có hiệu quả đã được tổ chức: Gặp gỡ đầu Xuân hàng năm đã được duy trì. Lãnh đạo tỉnh đã ra dự đều đặn. Đặc biệt, những lần gặp mặt, bác Lê khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng đều đến dự. Người ốm đau, tai nạn đều có mặt ban liên lạc đồng hương. Tôn vinh những người thành đạt, ban liên lạc đều có lẵng hoa chúc mừng. Dần dần, đồng hương quân đội, đồng hương công an, đồng hương văn nghệ sĩ nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội, đồng hương doanh nghiệp, đồng hương sinh viên đã ra đời. Nhiều dự án kêu gọi đầu tư vào Thanh Hóa: Công nghiệp, giao thông, thủy lợi, tu bổ di tích văn hóa lịch sử, xây dựng quĩ khuyến học, nhà tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo... đã có ý kiến đóng góp của đồng hương. Đặc biệt có 3 lần vận động các cán bộ cao cấp tại Hà Nội góp ý kiến cho Thường vụ Tỉnh ủy về các dự thảo báo cáo chính trị Đại hội tỉnh Đảng bộ các khóa từ 14, 15, 16...". Tôi ngỡ ngàng khi nghe bác Chữ nói rất minh mẫn và lưu loát cho dù tuổi bác đã gần 90, đi quanh nhà cũng phải chống gậy. Rồi bác nói trầm xuống, lắng lại: "Tôi nghỉ hưu từ năm 1999, thấm thoắt đến nay đã 18 năm rồi. Tôi vui vì tổ chức đồng hương đã phát triển rộng hơn, có hiệu quả hơn dưới sự lãnh đạo của anh Lê Huy Ngọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa..."

Bác Chữ kể tiếp: "...Khi bác Lê Tất Đắc nghỉ do sức khỏe yếu, anh Hoàng Văn Hiều, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị tôi làm trưởng ban đồng hương. Tôi từ chối ngay vì tôi chỉ là chuyên viên cao cấp bậc 2, không phải hàm bộ trưởng hay Bí thư Tỉnh ủy. Nhưng rồi từ chối không được mà tôi đã làm đến gần 20 năm sau. Dài thật."

Lê Thế Chữ, tính cách người xứ Thanh...

Thi thoảng gặp tôi, bác Chữ hồ hởi hỏi: - Nhà thơ có thơ không? Anh tặng thơ tôi đi. Thế là tôi tặng tập thơ mới Tôi người Xứ Thanh cho bác. Bác vui lắm và cảm ơn rối rít. Đặc biệt, trong kỷ niệm 20 năm Đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội (1986 - 2006), tôi đã được đọc thơ bác Lê Thế Chữ trong kỷ yếu. Tôi nhớ câu kết của bài thơ dài:

...Hứa với mẹ, nếu tim con ngừng đập

Con vẫn hướng về quê mẹ quê cha

Sẽ vận động người xứ Thanh muôn ngả

Có nhớ sông Chu sông Mã mới thành người

(Lê Thế Chữ - Trích trong bài thơ: Tự hào quê mẹ).

Thơ là tiếng nói của tâm hồn. Thơ bác Lê Thế Chữ là tiếng lòng của bác vậy. Và bác đã làm như thế với quê nhà, đã vận động bà con xứ Thanh tại Hà Nội nhiều năm qua làm được nhiều việc cho quê nhà. Bác hay thổ lộ với tôi về nhân tình thế thái, về tính cách người xứ Thanh xưa nay. Bác bảo: Người xứ Thanh mình thế đấy anh Lộc ạ: Chân chất, mộc mạc nhưng mà bộc trực lắm. Bác Chữ ơi, thì bác là thể hiện của cá tính người xứ Thanh trong một con người cụ thể đấy thôi.

Tình cảm với văn nghệ sĩ và nhà báo...

Cách đây khoảng gần chục năm, hôm tôi tổ chức cho Văn nghệ sĩ và nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội đi thămThanh Hóa theo lời mời của Tỉnh ủy Thanh Hóa, bác Lê Thế Chữ cho chị Nguyễn Thị Tâm, nghệ sĩ chèo Thanh Hóa hiện đang sống tại Hà Nội mang đến cho chúng tôi 3 triệu. Chị Tâm nói là để các anh có tiền đi đường về quê. Bác Lê Thế Chữ điện cho tôi, vẫn cái giọng hồ hởi, bác nói rối rít trong máy: Gọi là có tí chút để các anh làm lộ phí uống nước dọc đường thôi anh Lộc ơi. Hội ta nghèo chỉ có tấm lòng. Một lần khác, văn nghệ sỹ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội tổ chức gặp mặt nhân dịp tết cổ truyền. Bác đến tận nơi và có quà gọi là chúc Tết các nghệ sĩ và các nhà báo... Tôi cảm động đến rơi nước mắt. Đại tá nhà văn Nguyễn Bảo, lúc ấy là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội kiêm Trưởng ban liên lạc văn nghệ sỹ, nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội bảo tôi: Nếu không có người nhiệt tình như bác Lê Thế Chữ, chắc anh em mình không được thế này đâu.

Ngày 3/6/2020 nhằm ngày 12/4 năm Canh Tý, bác Lê Thế Chữ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tôi nghe bác Lê Huy Ngọ nói qua điện thoại mà rụng rời chân tay. Nhưng biết làm sao được, mệnh trời! Bác Lê Thế Chữ ơi. Trong tôi cũng như bao anh em, bạn bè đồng hương, bác là một người xứ Thanh điển hình: Thẳng thắn, cương trực và rất tình cảm.

Lê Tuấn Lộc


Lê Tuấn Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]