(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Chẳng riêng gì trong ký ức của tôi mà với nhiều người trên mảnh đất xứ Thanh này hẳn sẽ mãi còn những kỷ niệm về Hòa Bình, Hội An..., những rạp chiếu phim “vang bóng” một thời. Dù tất cả đã thuộc về quá khứ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ về những rạp chiếu bóng ngày ấy (Bài 1): Ký ức

(VH&ĐS) Chẳng riêng gì trong ký ức của tôi mà với nhiều người trên mảnh đất xứ Thanh này hẳn sẽ mãi còn những kỷ niệm về Hòa Bình, Hội An..., những rạp chiếu phim “vang bóng” một thời. Dù tất cả đã thuộc về quá khứ.

Xã hội hóa điện ảnh 60 năm về trước

Tôi tìm về căn nhà số 202, phố Phan Bội Châu 4, phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa), nơi đấy là nhà của nguyên giám đốc Công ty Phát hành phim và Chiếu bóng (PHP&CB) thị xã Thanh Hóa thời kỳ 1984 - 1990, ông Lê Doãn Thập. Hơn 20 năm về nghỉ chế độ, một quãng thời gian khá dài nhưng chưa lúc nào ông nguôi nỗi nhớ nghề. Bốn năm nay, ông và Ban liên lạc hưu trí điện ảnh Thanh Hóa đã cho ra đời ấn phẩm “Ngành chiếu bóng tôi yêu”, đó là một ấn phẩm của tư liệu và thơ, của cảm xúc và kỷ niệm về những người trong nghề với bộ môn nghệ thuật thứ 7 này.

Từ lúc ông Thập làm rạp trưởng rạp Hòa Bình đến giám đốc Công ty PHP&CB thị xã, đó như là cả một cuộc hành trình thăng - trầm của điện ảnh tỉnh nhà. Rạp chiếu bóng Hòa Bình ra đời vào năm 1957, xuất phát điểm không phải của Nhà nước mà là của một số cổ đông góp tiền lại để dựng rạp. Rạp chiếu chứa khoảng 500 người và nằm ở phía Bắc hồ Máy đèn (bây giờ là công viên Thanh Quảng). Năm 1965, rạp trưởng rạp Hòa Bình được giao lại cho ông Lê Doãn Thập vì lúc này Nhà nước đang thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, có chủ trương đưa cán bộ nhà nước ra quản lý rạp. Ông Thập nhớ lại: “Sau những trận đánh phá của giặc Mỹ ngày 3- 4/4/1965, rạp vẫn bám trụ phục vụ, rồi đến khi đế quốc Mỹ đánh phá khốc liệt thì phải chuyển đi phục vụ cho công trường 101 Sân bay Sao Vàng - Thọ Xuân”.

Tuy nhiên, ông Thập chỉ ở lại rạp Hòa Bình được 3 năm, đến năm 1968, ông đi học và trở về Quốc doanh Phát hành phim và Chiếu bóng (bây giờ là Trung tâm PHP&CB) làm cán bộ đào tạo. Năm 1984, ông được cử ra làm Giám đốc Công ty PHP&CB thị xã Thanh Hóa. “Cũng trong thời gian này, chúng tôi đã đặt vấn đề xã hội hóa điện ảnh mà trước đó rạp Hòa Bình cũng đã làm. Ngoài rạp chiếu bóng Hội An là trung tâm của công ty lúc bấy giờ thì chúng tôi còn vận động các gia đình có nhà to để cho công ty đặt máy làm điểm chiếu, xây dựng nhà rạp để đưa video vào vì lúc này video đang lấn chiếm thị trường. Sau một thời gian vận động, chúng tôi đã có thêm 5 "rạp" mini đó là rạp nhà bà Thuận Lotaba (gần bến xe nội tỉnh), bà Ngà (Bắc Cầu Sâng), rạp Thành Công của Hợp tác xã Thành Công, rạp ở triển lãm, điện cơ. Lúc bấy giờ chúng tôi còn đi vay tiền ngân hàng để mua các bộ máy video về chiếu. Đây là thời gian rực rỡ của chiếu bóng thị xã. Các điểm chiếu lúc nào cũng chật kín người, có doanh thu và lãi lớn. Chỉ sau 6 tháng, công ty đã trả hết nợ cho ngân hàng”, ông Thập nhớ lại.

Rạp Hòa Bình.

“Con công” giữa lòng thị xã

Sau khi rạp Hòa Bình kết thúc “sứ mệnh lịch sử”, ngày 3/2/1972, rạp chiếu bóng Hội An được khánh thành. Đây là một công trình văn hóa đánh dấu cho “mối tình” Thanh - Quảng: Tỉnh Thanh Hóa kết nghĩa với tỉnh Quảng Nam, thị xã Thanh Hóa kết nghĩa với thị xã Hội An. Về sau này thì văn phòng của Công ty PHP&CB thị xã được đặt ở ngay trong rạp chiếu bóng Hội An và mọi sự phát triển lên được lại cũng xuất phát từ rạp chiếu bóng này. Từ năm 1985 - 1989, cùng với các “rạp” mi ni ở trong nhà dân thì rạp chiếu bóng Hội An phát triển khá mạnh. Ông Lê Doãn Thập nhớ lại: “Rạp chiếu bóng Hội An ngày ấy đã từng được ví là con công của thị xã vì hoạt động chiếu bóng ở đây chiếm vị trí quan trọng. Hội An của thời kỳ này ngàn ngạt người đến xem phim, một suất chiếu lúc nào cũng chật người. Anh Sang, thủ quỹ của rạp khi đó, đi đâu cũng vác một bì vé vì lúc ấy khó mua vé lắm, vé phải phân phối... Chiếu bóng thị xã có ưu thế mạnh cũng chính nhờ có Hội An”.

Rạp Hội An.

Một thời đáng nhớ của rạp chiếu bóng Hội An cũng chỉ kéo dài được vài năm và cho đến năm 1990, chiếu video cũng nhạt, người xem không còn hào hứng đến với rạp thì hoạt động chiếu bóng đã có những hạn chế. Năm 1993, Công ty PHP&CB thị xã sáp nhập với Trung tâm Văn hóa thị xã, chiếu bóng thị xã trở thành một bộ phận của trung tâm này, từ đây rạp chiếu bóng Hội An cũng ngừng hoạt động. Ông Nguyễn Đức Thắng, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Thanh Hóa bồi hồi nhớ lại: “Sau này, khi rạp chiếu bóng Hội An chuyển đổi sang khu dân cư, lãnh đạo cũng như nhân dân Hội An khi nghe thông tin này họ cũng có những băn khoăn bởi vì một công trình văn hóa mang tên Hội An, đó là dấu ấn giữa hai thị xã kết nghĩa giờ đã không còn. Tuy nhiên, chủ trương của tỉnh lúc ấy cũng hoàn toàn đúng thôi vì điều kiện hoạt động của Hội An rất khó khăn, và cái chính là nó không tiếp tục phát huy hiệu quả được nữa. Nhưng không phải là bỏ hoàn toàn mà sau này khi có đủ điều kiện sẽ xây dựng một cái rạp chiếu bóng hiện đại hơn".

Và để ghi lại dấu ấn về tình nghĩa giữa 2 thành phố, 2 tỉnh khi rạp chiếu bóng Hội An không còn thì về sau trên đất Thanh đã có một công trình văn hóa khác có tên gọi là Công viên Hội An. Cho đến bây giờ, giữa 2 thành phố tiếp tục có thêm nhiều công trình như Thanh Hóa có thêm chùa Cầu của Hội An còn Hội An thì có Thư viện Thanh Hóa...

Vậy là sau rạp chiếu bóng Hòa Bình thì Hội An vẫn là cái tên để nhiều người nhắc nhớ không phải vì “sinh sau đẻ muộn”, cũng không phải vì là “con công” của thị xã mà thiêng liêng hơn còn là vì “mối tình” Thanh - Quảng sâu đậm.

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]