(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nếu xét ở góc độ nhà nước thì hiện cả tỉnh chỉ có 1 rạp chiếu phim với diện tích 178 m2, 133 chỗ ngồi. Liệu điều này có chênh lệch quá lớn khi TP. Thanh Hóa đã trở thành đô thị loại I? Đến bao giờ Thanh Hóa mới có một rạp chiếu phim đạt chuẩn Quốc gia?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhớ về những rạp chiếu bóng ngày ấy (Bài cuối): Kỳ vọng

(VH&ĐS) Nếu xét ở góc độ nhà nước thì hiện cả tỉnh chỉ có 1 rạp chiếu phim với diện tích 178 m2, 133 chỗ ngồi. Liệu điều này có chênh lệch quá lớn khi TP. Thanh Hóa đã trở thành đô thị loại I? Đến bao giờ Thanh Hóa mới có một rạp chiếu phim đạt chuẩn Quốc gia?

Dấu lặng

Số 148 đường Tống Duy Tân, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) là “đại bản doanh” của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (PHP&CB) Thanh Hóa. Nằm khiêm tốn, có phần ẩn khuất, chắc chắn sẽ khiến cho nhiều người bỡ ngỡ khi nhắc đến địa chỉ này. Đấy cũng là một sự thiệt thòi cho trung tâm này.

Rạp chiếu phim của Trung tâm PHP&CB được nâng cấp thành rạp mới được hơn nửa năm nay khi vào cuối năm 2016, tỉnh đã đầu tư cho Trung tâm một máy chiếu kỹ thuật số HD - 3D, âm thanh vòm 7.1. Chính nhờ có “sự kiện” này mà nhiều phim được chiếu gần như đồng hành với hệ thống rạp toàn quốc. Nhưng ít ai biết được rằng, để có được rạp chiếu như hôm nay, Trung tâm PHP&CB đã đi qua một hành trình đầy gian khó. Tiền thân của rạp là hội trường, sau đó vào năm 2007 được cải tạo để thành phòng chiếu nghiệp vụ. 7 năm sau, tiếp tục một lần nữa cải tạo thành phòng chiếu phim kinh doanh. Thời khó, Trung tâm chiếu bằng phim số HD nhưng vẫn là máy nhựa, phim đi thuê, máy đi thuê và để đỏ đèn từng đêm là chuyện rất hiếm. Vậy nên, hoạt động của Trung tâm dường như cầm chừng để duy trì chức năng.

Rạp chiếu phim hiện đại đang là ước mơ của nhiều người dân Thanh Hóa. (Ảnh: T.T)

Còn nhớ, thời đang còn gọi là phòng chiếu phim, việc quảng cáo phim của Trung tâm hãy còn rất bình dân, đơn giản chỉ là những dòng chữ viết lên tấm bảng trước cổng trung tâm hay là một tờ giấy có ghi tên phim được dán ở các nhà chờ xe buýt... Nhưng nay đã khác, từ phương tiện chiếu phim đến phục vụ quảng cáo đã rất hiện đại rồi. Sau khi được tỉnh đầu tư máy chiếu kỹ thuật số HD- 3D, âm thanh vòm 7.1, mọi sự đã thay đổi theo chiều hướng tích cực. Năm 2016, Trung tâm PHP&CB đã tổ chức được 180 buổi chiếu sự nghiệp, phục vụ 770.000 lượt người xem, thu về 210 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã tổ chức được 999 buổi, trong đó có 712 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị, 287 buổi kinh doanh với hơn 420.000 lượt người xem và thu về 175 triệu đồng.

Dẫu hoạt động có hiệu quả hơn nhưng rõ ràng nhìn vào những con số này vẫn chưa thấy “thấm” vào đâu so với một đô thị loại I. Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm PHP&CB - ông Phạm Văn Đồng chia sẻ: “Đã có nhiều hơn những đêm đỏ đèn và rạp cũng đã có nhiều người đến hơn. Đó cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc, nhưng nếu nhìn vào thực tế, nhìn cho tương lai và nhìn ra các tỉnh, thành khác, vẫn lại thấy tủi thân cho Thanh Hóa rất nhiều”. Bởi ngay như tỉnh láng giềng là Ninh Bình cũng đã có tới 2 rạp đạt tiêu chuẩn quốc gia, Nghệ An đã có tổ hợp rạp với 4 phòng chiếu, có ngày chiếu lên tới 11 ca, hay như Hải Phòng đã có tới 3 rạp và TP Hồ Chí Minh lên đến 42 cụm rạp... Nếu làm bài toán so sánh, quả thật một đô thị loại I như TP. Thanh Hóa vẫn chưa có 1 rạp đạt tiêu chuẩn quốc gia thì quả đáng buồn...

Chờ đợi...

“Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đề ra mục tiêu ưu tiên thực hiện dự án xây dựng cụm rạp chiếu phim loại I tại TP Thanh Hóa. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đầu tư xây mới cụm rạp chiếu phim loại I trên diện tích từ 3- 5 ha, quy mô 5 phòng chiếu (gồm phòng chiếu HD, phòng chiếu phục vụ nghiên cứu và minh họa văn hóa nghệ thuật, phòng chiếu 3D, phòng chiếu 4D và phòng chiếu phục vụ thiếu nhi) với tổng số 1.000 ghế, được trang bị công nghệ và máy móc hiện đại. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước đầu tư 60%, phần còn lại được huy động từ các nguồn xã hội hóa. Dự án này do chính Trung tâm PHP&CB xây dựng và mất 2 năm mới hoàn thành.

Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện do kinh phí quá lớn, phải cần số vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng. Sở VH,TT&DL cũng đã đề xuất với tỉnh để đưa vào dự án đầu tư trung hạn nhưng chưa được duyệt.

Nhìn vào thực tế, hiện Thanh Hóa cũng đang sắp hoàn thành dự án Vincom mà ở đó sẽ có rạp chiếu phim quy mô và hiện đại. Tin vui này sẽ làm cho bộ mặt Thanh Hóa hiện đại hơn nhưng lo vì bài học ở nhiều tỉnh, thành cho thấy, rạp nhà nước thường thất thế trước rạp tư nhân. Trong khi đó, cả nước hiện có 93 rạp chiếu bóng nhà nước, số đang hoạt động là 58 rạp với 103 phòng chiếu, 10 rạp đã đóng cửa và 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng, có tới 18 đơn vị không hề có rạp chiếu trong tay. Được biết, những rạp chiếu phim hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa, hoặc chuyển đổi mục đích vì rạp xuống cấp, chưa được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số chuẩn 2K nên các bộ phim Việt Nam sản xuất và phim nước ngoài nhập khẩu theo công nghệ mới không tương thích nên không thể chiếu phim...

Sự thất thế vì rõ ràng chưa có được sự đầu tư, quan tâm đúng mức. Với Thanh Hóa, chưa có rạp đạt tiêu chuẩn quốc gia nhưng nếu được đầu tư sẽ hội tụ được nhiều kinh nghiệm hơn và chắc chắn sẽ đứng vững hơn vì rạp của Thanh Hóa vốn “sinh sau đẻ muộn”... Còn nhớ, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Vương Hải Yến đã có lần bày tỏ sự tiếc nuối khi diễn ra Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Thanh Hóa. Trong dịp này, người Nhật đã đưa sang rất nhiều phim nhưng đòi hỏi công nghệ cao, nhưng Thanh Hóa không có. Buồn thay. Lại nhớ đến chia sẻ của nguyên Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa Nguyễn Đức Thắng: “Sau này khi có đủ điều kiện sẽ xây dựng một cái rạp chiếu bóng hiện đại hơn".

Tôi lại nhớ lời tâm sự ruột gan của nguyên Giám đốc Trung tâm PHP&CB Thanh Hóa, ông Trịnh Đình Đệ: “Thanh Hóa xứng đáng có 1 rạp chiếu phim tầm cỡ quốc gia, hãy chuẩn quốc gia đi đã, đừng vội nói đến rạp đông người hay không, và tôi vẫn nuôi hy vọng...”. Còn với nguyên Chủ tịch UBND Thị xã Thanh Hóa, ông Thiều Quang Mộc tin tưởng: “Không có cái gì là vĩnh cửu, tất cả đều có sự biến đổi để phát triển. Không giữ được rạp chiếu bóng Hội An, tôi cũng rất buồn. Nhưng giờ nếu Thanh Hóa xây rạp chiếu phim, khó có khó nhưng nếu quyết tâm vẫn xây dựng được”.

Rạp chiếu bóng là nơi để hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, được hòa nhập cộng đồng trong một không gian của điện ảnh, của sự giải trí lành mạnh, ý nghĩa...

Đành vậy. Hãy cứ chờ và kỳ vọng. Kỳ vọng về rạp chiếu phim tương xứng với một đô thị loại I. Chắc chắn, Thanh Hóa sẽ làm được...

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]