(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Số phận bất hạnh gieo xuống đầu những người phụ nữ căn bệnh ung thư quái ác. Quỵ ngã sau cơn bàng hoàng, đau đớn. Nhưng rồi người phụ nữ khi đối mặt với bệnh tật, họ nghĩ nhiều hơn về gia đình, con cái để mạnh mẽ đứng lên, giống như “những chiến binh dũng cảm”!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những chiến binh dũng cảm

(VH&ĐS) Số phận bất hạnh gieo xuống đầu những người phụ nữ căn bệnh ung thư quái ác. Quỵ ngã sau cơn bàng hoàng, đau đớn. Nhưng rồi người phụ nữ khi đối mặt với bệnh tật, họ nghĩ nhiều hơn về gia đình, con cái để mạnh mẽ đứng lên, giống như “những chiến binh dũng cảm”!

Ghi chép của Thu Trang

Sống để cảm nhận trọn vẹn cuộc sống

Xinh đẹp, thành đạt, mọi thứ với chị Lê Thị Ngọc Anh (đường Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa) bỗng sụp đổ khi chị phát hiện mình mắc căn bệnh quái ác: ung thư vú! Đó là thời điểm tháng 10/2012. Khi được bác sĩ thông báo về tình trạng căn bệnh dường như chị vẫn ngỡ như đang nghe nhầm, chỉ đến khi cầm kết quả khám bệnh trên tay, mắt chị nhòe nước và chị quỵ ngã. Đến bây giờ, kể chuyện với chúng tôi, chị lại khóc. Dường như chị khóc cho những đau đớn mình đã trải qua và khóc cho cả những điều kỳ diệu đã mỉm cười với chị trên hành trình chống lại căn bệnh hiểm nghèo.

Chị chia sẻ: Khi biết mình bị bệnh, chị đã rất sợ. Nghĩ đến việc phải chết, chị không nghĩ nhiều cho mình, chỉ thương hai con còn nhỏ quá. Rồi đây, sẽ thiếu đi bàn tay chăm sóc của người mẹ. Nghĩ đến đó, chị lại thấy lòng trĩu nặng, yếu đuối.

Nhưng lòng người phụ nữ làm mẹ, lúc yếu đuối nhất khi nghĩ về con nhỏ cũng là lúc chị mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đứng lên sau những đau đớn, sợ hãi, chị nghe lời khuyên của bác sĩ “còn nước còn tát”.

Và khoảng thời gian 8 tháng từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2013 với chị Lê Thị Ngọc Anh như dài vô tận khi phải trải qua 8 lần chạy hóa chất và một đợt xạ trị. Mái tóc óng mượt ngày nào dần trở nên xơ xác, rụng rơi, rồi nhưng vết nám xuất hiện do ảnh hưởng của hóa chất trong cơ thể… “Với chị lúc ấy, chỉ nghĩ về con. Nghĩ về con chị dặn lòng không được từ bỏ, buông tay. Nghĩ về con chị buộc mình phải mạnh mẽ” - Chị kể lại.

Con cái là động lực để chị Lê Thị Ngọc Anh mạnh mẽ chiến thắng bệnh tật.

Chia sẻ về quá trình điều trị bệnh của mình với chúng tôi, chị nói rằng đó thực sự là những kỳ tích được tạo nên bởi mạnh mẽ và quyết tâm. “Thời gian điều trị tại Bệnh viện K mình mới biết có rất nhiều phụ nữ gặp bất hạnh. Từ Nam ra Bắc, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với nhau những đau đớn bệnh tật giày vò, từng miếng cơm, ngụm nước, viên thuốc… cũng như thắp lửa cho nhau để cùng hi vọng, vượt qua bệnh tật”. Đó là lý do ra đời của CLB Phụ nữ kiên cường mà chị Lê Thị Ngọc Anh là một trong những người tham gia đầu tiên. Đến thời điểm hiện tại, dù là nhóm hoạt động kín nhưng CLB đã kết nạp được gần 500 hội viên nữ từ khắp mọi miền Tổ quốc, các bệnh nhân đều mắc căn bệnh ung thư vú.

Chia sẻ về hoạt động của CLB chị cho biết: Đã là thành viên trong CLB thì đều bình đẳng, tôn trọng nhau, không phân biệt giàu nghèo và đều có trách nhiệm giúp đỡ các chị em hội viên. Có nhiều thành viên trong CLB dù chưa từng gặp nhau song họ đồng cảm với nhau khi nói về bệnh tật, thấu hiểu nhau hơn cả những người trong gia đình.

Hoạt động tự nguyện, CLB Phụ nữ kiên cường không chỉ giúp đỡ, chia sẻ với nhau mà còn cùng tổ chức những hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa: Tổ chức quỹ sữa cho các bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương; tặng quà cho các em nhỏ bị bệnh trong dịp trung thu; tặng quà cho các bệnh nhân tại Trung tâm Ung bứu Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa…

Chia sẻ về chặng đường sắp tới của mình, chị Ngọc Anh tâm sự: "Với tôi giờ đây, điều quan trọng không phải là sống được bao lâu mà phải sống thế nào để cảm nhận trọn vẹn cuộc sống quý giá. Không biết lúc nào bệnh sẽ tái phát, nhưng đến khi đó, mình chắc chắn sẽ không phải khóc nhiều như trước đây. Ung thư vú cũng giống như một căn bệnh mãn tính, vì thế người bệnh phải mạnh mẽ đối mặt, lạc quan điều trị, điều kì diệu sẽ đến!"

Cũng là một thành viên trong CLB phụ nữ kiên cường, chị Lê Thị Minh Hà (phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) trong câu chuyện với chúng tôi lại có những trải lòng suy nghĩ.

Trải qua 26 lần truyền hóa chất, đến bây giờ chị vẫn tự thấy cảm phục mình mỗi khi nhìn lại chặng đường đã qua. Năm 2015, trong một lần tình cờ đi kiểm tra sức khỏe, biết mình bị bệnh chị thật sự sốc. Đầu óc rối bời, hoang mang, sợ hãi.

Nhưng trách nhiệm của người mẹ có hai đứa con không cho phép chị gục ngã, đầu hàng. Được sự động viên, khích lệ tinh thần của gia đình, chị bắt đầu hành trình chữa bệnh đầy đau đớn.

Mỗi lần truyền hóa chất lại là một lần chị không nhận ra mình khi nhìn trong gương. Khuôn mặt phờ phạc, mái tóc phải cắt ngắn và thường xuyên phải đội mũ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đối diện với chúng tôi là người phụ nữ yêu đời và căng tràn sức sống.

Được biết, hiện tại ngoài việc làm kế toán cho công ty xây dựng thì chị còn bán các mặt hàng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Chị chia sẻ: Trong điều kiện vấn đề an toàn thực phẩm đáng báo động như hiện nay, mình buộc phải tự tìm cho gia đình nguồn thực phẩm sạch. Chủ yếu là đáp ứng nhu cầu của gia đình và chia sẻ cho người thân, bạn bè.

Với chị, khi vượt qua được thử thách của bệnh tật chính là đã tái sinh một lần. Bởi vậy, sự sống càng phải được trân trọng, giữ gìn từng phút, từng giờ.

Muốn cho đi nhiều hơn nhận lại

Chúng tôi tìm đến căn nhà của cô Lê Thị Dung ở thôn Lê (xã Đông Tân, TP Thanh Hóa) qua lời giới thiệu của một người bạn. Gặp cô ở thời điểm hiện tại, thật khó có thể nghĩ người phụ nữ ở tuổi trung niên ấy vừa trải qua thời gian đầy khó khăn khi đối mặt với căn bệnh ung thư cổ tử cung quái ác.

Kể lại với chúng tôi, cô vẫn nhớ như in biến cố của cuộc đời mình cách đây vài năm. Khi cùng người nhà đi khám bệnh, cô mới tình cờ phát hiện mình cũng bị bệnh, mà lại là ung thư cổ tử cung. “Lúc đó thực sự rất sốc, chân không bước nổi, quỵ ngã ngay cửa buồng bệnh.”

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khu vực khối u, cùng 6 đợt xạ trị, đến thời điểm hiện tại cô đã lạc quan hơn nhiều khi nói về bệnh của mình. Cùng với việc bệnh được kiểm soát thì cô vẫn duy trì đều đặn kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.

Sau khi điều trị bệnh, chị Lê Thị Dung làm giàu với mô hình kinh tế của gia đình.

Năm 2014, sau quá trình điều trị bệnh, vợ chồng cô quyết định làm kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình. Nhìn thấy ruộng đồng bị bỏ hoang, gia đình cô đã quyết định đầu tư để làm đất sống lại. Với 3,5 ha đất hoang hóa, chỉ mới vài tháng sau đã được thay thế bởi màu xanh mỡ màng của cánh đồng lúa. Bởi vậy mà gia đình cô đã xây dựng được căn nhà khang trang từ quyết tâm làm giàu từ ruộng đồng của gia đình người nông dân.

Được biết, tháng 10/2016, nghe tin người dân Hà Tĩnh bị lũ lụt, gặp nhiều khó khăn, chẳng đắn đo suy nghĩ nhiều, gia đình cô đã quyên góp 1,5 tấn gạo, thuê xe chở vào tận nơi vùng lũ cho bà con. Cùng với đó, cũng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu vừa qua, cô Lê Thị Dung còn dành tặng 20 suất quà cho bà con nghèo trong xã.

Chia sẻ về những hoạt động từ thiện của mình, cô Lê Thị Dung tâm sự: "Với cô, một người đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần thì điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải dành dụm được bao nhiêu tiền mà phải sống như thế nào. Số phận đã may mắn cho cô chiến thắng được bệnh tật, lại cho cô có sức khỏe để sản xuất, làm kinh tế thì không có lẽ gì cô lại cứ khư khư giữ lấy mọi thứ cho riêng mình, trong khi mọi người xung quanh còn nhiều khó khăn. Với cô lúc này “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”!

Khép lại câu chuyện với những người phụ nữ mạnh mẽ đầy tình yêu thương, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm. Thì ra, giữa những bất hạnh, mỗi con người với khát vọng sống mãnh liệt vẫn có thể chiến thắng số phận khắc nghiệt. Và khi đủ yêu thương, chúng ta lại thấy những điều ấm áp quanh mình…



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]