Những nhân tố hình thành, quyết định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những nhân tố hình thành, quyết định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào

Nói về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:

Thương nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

Việt - Lào, hai nước chúng ta

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.

Trong lịch sử dựng nước của nước Việt Nam cũng như lịch sử nước Lào, giữa hai nước đã hình thành mối quan hệ từ lâu đời. Mối quan hệ láng giềng giữa nhân dân các dân tộc Việt Nam và các bộ tộc Lào đã phát triển thành tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào cũng như quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào - Việt đã trở thành tài sản vô giá giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

Tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của nhiều nhân tố như: Điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và sự phát triển lịch sử của các nước trên bán đảo Đông Dương là những nhân tố quan trọng, chủ yếu đã tạo điều kiện cho sự hình thành, quyết định mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào, Lào - Việt cũng như mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Về điều kiện môi trường

Việt Nam và Lào là hai nước nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Điều kiện tự nhiên có những nét khác biệt nhưng cũng có nhiều nét tương đồng, nhất là vùng biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào.

Sông Mê Công bắt nguồn từ vùng cao nguyên phía Nam Trung Quốc, chạy qua 3 nước Lào - Campuchia - Việt Nam đã tạo nên con đường thủy nối liền 3 quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Sông Mã bắt nguồn từ vùng núi Tây - Bắc Việt Nam chảy qua đất Lào và đổ vào tỉnh Thanh Hóa. Nhiều con suối có nguồn từ dãy Trường Sơn đã chảy về Tây nhập vào dòng lớn Cửu Long về biển lớn và chảy về Đông rồi theo sông Mã, sông Lam hòa nước vào biển Đông, người dân từ hai sườn núi cứ theo con suối mà lập mường dựng bản.

Dãy núi Trường Sơn - xương sống của bán đảo Đông Dương là biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Lào là quê hương của các dân tộc trên “sườn Đông” và “sườn Tây” của dãy núi huyền thoại.

Điều kiện tự nhiên môi trường đã tạo nên một không gian kinh tế giữa hai nước Lào - Việt.

Điều kiện kinh tế

Điều kiện tự nhiên môi trường giữa hai nước Việt - Lào tạo nên những nét tương đồng về hoạt động kinh tế.

Do khí hậu thổ nhưỡng nên nông nghiệp đã trở thành nét chung của hai quốc gia. Nếu như kinh tế nông nghiệp nương rẫy phát triển ở Lào thì loại hình kinh tế này cũng phát triển trên vùng cao của Việt Nam nhất là vùng giáp ranh biên giới Việt - Lào. Không gian của “kinh tế nương rẫy” đã tạo nên nét tương đồng về văn hóa của hai dân tộc cùng sinh tồn hai phía “Trường Sơn Đông” và “Trường Sơn Tây”.

Về văn hóa - tộc người

Việt Nam và Lào nằm giữa hai nền văn minh lớn nhân loại: Văn minh Trung Hoa và Văn minh Ấn Độ. Văn hóa Phật giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ đã làm nên văn hóa Phật giáo trên đất nước hoa Chăm pa và cũng để lại những di sản văn hóa đặc sắc trên đất nước của hoa sen Tháp Mười. Lễ hội Phật giáo là những lễ hội lớn của hai dân tộc.

Người Việt yêu mến vũ điệu “Hoa Chăm Pa” của đất nước “triệu voi” cũng như người Lào thiết tha say đắm với điệu múa sạp của người Thái ở Việt Nam.

Trên dãy Trường Sơn cũng như trên biên giới Việt - Lào, từ bao đời nay là quê hương của nhiều dân tộc anh em với nhiều ngữ hệ khác nhau trong dòng ngữ hệ nguồn gốc nên có sự thống nhất trong đa dạng về văn hóa.

Sự giao lưu văn hóa tộc người trên vùng đất núi sông liền một dải của biên giới Việt Lào đã làm cho 2 dân tộc hiểu nhau hơn.

Không gian văn hóa Việt - Lào là một trong những yếu tố để 2 dân tộc gắn bó với nhau trong cuộc chiến đấu chống “kẻ thù hai chân và bốn chân”.

Về mặt lịch sử

Việt Nam và Lào là 2 quốc gia có vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á. Lịch sử chống giặc ngoại xâm của 2 quốc gia, 2 dân tộc đã gắn kết 2 dân tộc Việt Nam - Lào. Đặc biệt là trong sự nghiệp chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hai quốc gia đã gắn bó keo sơn, đoàn kết giúp đỡ nhau để cùng chiến đấu và cùng chiến thắng.

Chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ra sức phá hoại tình đoàn kết chiến đấu thủy chung Việt - Lào nhưng chúng đã thất bại.

Nhân dân Việt Nam ý thức sâu sắc rằng giúp đỡ người bạn Lào là tự giúp mình. Nhân dân Lào cũng nhận thức được mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Lào - Việt là nhân tố làm nên thắng lợi của cách mạng 2 nước.

Thực tế cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khẳng định tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào là sức mạnh để 2 dân tộc cùng chiến thắng trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Hoàng thân Xuphanuvông là những người đã dày công vun đắp để tình hữu nghị Việt - Lào, Lào - Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Tất cả những nhân tố trên là cơ sở để hình thành, quyết định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt.

Trần Thị Liên


Trần Thị Liên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]