(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Là huyện nghèo đang thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, sau 6 năm xây dựng NTM, đến nay Thường Xuân đã đạt bình quân 12 tiêu chí/ xã, 1 xã đạt NTM năm 2015 và 1 xã sẽ được công nhận năm 2016...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở huyện Thường Xuân

(VH&ĐS) Là huyện nghèo đang thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ, sau 6 năm xây dựng NTM, đến nay Thường Xuân đã đạt bình quân 12 tiêu chí/ xã, 1 xã đạt NTM năm 2015 và 1 xã sẽ được công nhận năm 2016...

Tại xã Lương Sơn nơi đã xây dựng được một số mô hình phát triển kinh tế: Chanh đào, cam... bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã đang tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khởi công dự án sản xuất mía 100 ha, năng suất cao cho thu nhập ổn định. Để thực hiện được điều này, xã đã đầu tư hệ thống mương trên đồi xuống, lấy nước từ kênh bắc sông Chu, nam sông Mã bơm lên bể chứa đưa nước về khu vực tưới tiêu. Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia NTM, đến nay xã chỉ còn 4 tiêu chí và đang phấn đấu đến năm 2018 về đích.

Người dân được chăm sóc sức khỏe tại Trạm Y tế xã Lương Sơn.

Ở Xuân Dương, không khí khẩn trương về đích NTM càng khí thế hơn. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phúc Khiêm phấn khởi cho biết: xã đã bê tông được 30,8km đường nhựa, 2 trường học và trạm xá đã đạt chuẩn, thu nhập người dân năm 2011 mới đạt 7 triệu đồng thì nay đã đạt 24 triệu đồng. Người dân phấn khởi tin tưởng vào sự đổi mới của Đảng...

Đường giao thông liên thôn xã Xuân Dương được mở rộng.

Thường Xuân là huyện có nhiều xã vùng cao, biên giới, không thuận lợi về giao thông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng bộ, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, huy động có hiệu quả các nguồn lực, có nhiều giải pháp lãnh đạo nhân dân hoàn thành các mục tiêu kinh tế, VH-XH. Đến nay, huyện đã đạt bình quân 12 tiêu chí/ xã, Ngọc Phụng đã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015, xã Xuân Dương đã hoàn thành 18/18 tiêu chí, xã Luận Thành, Thọ Thanh đạt từ 16 - 17 tiêu chí; một số xã đạt từ 12 - 14 tiêu chí. Nhiều xã vùng cao Xuân Lẹ, xã biên giới Bát Mọt cũng đã đạt 9 tiêu chí. Đã có 19 thôn đạt 10 tiêu chí, bình quân đạt 7 tiêu chí/ thôn...

Trong huy động các nguồn lực, bằng nhiều các chương trình khác nhau, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, huyện đã huy động được gần 336 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp cho chương trình NTM từ ngân sách huyện và ngân sách xã gần 45 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác hơn 57 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 184 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp hơn 10 tỷ đồng, còn lại là sự đóng góp của nhân dân và con em xa quê. Từ nguồn vốn này huyện đã tập trung phát triển một số mô hình kinh tế cải tạo vườn tạp có giá trị kinh tế cao. Đồng thời hướng dẫn nhân dân tiếp tục thực hiện các mô hình đã được đầu tư những năm trước, tìm kiếm, liên kết với thị trường và doanh nghiệp trong khâu đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ một số mô hình cho các xã như: cải tạo vườn tạp, trồng cam canh, bưởi diễn tại xã Xuân Dương, Tân Thành; đầu tư trang trại chăn nuôi tập trung ở xã Bát Mọt, thực hiện mô hình ngô dày làm thức ăn chăn nuôi có quy mô 13 ha tại 2 xã Luận Khê, Thọ Thanh, xây dựng mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm trồng trọt có quy mô 47 ha ớt xuất khẩu, 30 ha khoai tây, 10 ha cây Ngưu Bàng. Trong chương trình phát triển vùng theo dự án World vision đã hỗ trợ nuôi bò cái sinh sản, lợn giống, bò giống cho các xã Xuân Cẩm, Luận Khê, Luận Thành, Thọ Thanh, Xuân Cao... đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Đối với đề án bảo tồn và phát triển cây Quế giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025, huyện đã trồng mới được 1.000 ha quế tập trung, 1,7 vạn cây phân tán, góp phần cho 20.000 hộ gia đình sẽ có thu nhập ổn định từ cây quế...

Có được kết quả trên, theo ông Đỗ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND, Chánh Văn phòng NTM huyện thì: Huyện đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của người dân, vận động nhiều hộ tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông liên thôn, đóng góp để xây dựng các nhà văn hóa thôn, thực hiện phương châm: lấy sức dân để lo cho dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các tiêu chí xây dựng NTM, phân công trách nhiệm của từng thành viên trong ban chỉ đạo gắn với cơ sở giúp các xã lựa chọn các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương. Bên cạnh đó là chọn các xã điểm để chỉ đạo hoàn thành về đích trong từng năm, chính sách kích cầu hợp lý cho các xã, thôn đẩy nhanh tiến độ các tiêu chí...

Vì thế, mặc dù là huyện nghèo, dân cư thưa thớt, giao thông có địa hình phức tạp, kinh phí xây dựng NTM cho 1 xã về đích lớn hơn rất nhiều so với các xã miền xuôi, song bước đầu huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian tới huyện đang tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ, nhất là việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể xây dựng NTM ở các thôn, bản, hộ gia đình. Những xã vùng cao, biên giới, xã khó khăn tiêu chí đạt thấp, thực hiện nhiều chương trình lồng ghép huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo đó, là việc chú trọng liên kết, tập trung phát triển sản xuất, nhất là các mô hình kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đào tạo nghề, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp về đầu tư tạo thêm nhiều việc làm cho lao động. Từ đó nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân, giúp huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]