(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều người nói “gặp bà Vui là vui rồi”, bởi lúc nào bà Lê Thị Vui, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đông Sơn cũng vui vẻ. Không phải vì là người làm phong trào thì phải hòa đồng, xởi lởi, mà hơn hết ở bà toát lên năng lượng tích cực, tạo nên sự hào hứng, dễ chịu.

Nữ cán bộ hội nhiệt huyết với phong trào

Nhiều người nói “gặp bà Vui là vui rồi”, bởi lúc nào bà Lê Thị Vui, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đông Sơn cũng vui vẻ. Không phải vì là người làm phong trào thì phải hòa đồng, xởi lởi, mà hơn hết ở bà toát lên năng lượng tích cực, tạo nên sự hào hứng, dễ chịu.

Nữ cán bộ hội nhiệt huyết với phong trào

Sau 18 năm đi dạy học, tháng 4-2006, bà Lê Thị Vui chuyển về Hội LHPN huyện Đông Sơn làm Phó Chủ tịch. Đó là bước ngoặt, để đến nay sau 15 năm, bà chia sẻ: “Gắn bó với tổ chức hội phụ nữ khiến tôi vui vẻ và muốn chia sẻ”.

Còn nhớ năm 2007, khi vừa về Hội LHPN huyện, bà Vui đã phát động phong trào “Mái ấm tình thương”, khi chưa có chương trình từ Trung ương Hội. Mỗi hội viên góp 1.000 đồng/năm; cùng với sự huy động, góp sức của doanh nghiệp, mỗi năm từ sự đóng góp rất nhỏ của 20.000 hội viên trong huyện đã hỗ trợ giúp 2-3 hội viên sửa chữa lại nhà ở. Đó cũng là một phần vinh dự để năm 2009, Hội LHPN huyện Đông Sơn được biểu dương trong Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Hà Nội. Sau đó, nhiều phong trào đã liên tục được phát động, như: quỹ hùn vốn, góp vốn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế; xây dựng câu lạc bộ hạnh phúc; câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế...

Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, bà Vui cho biết: “Khi làm trong ngành giáo dục, tôi cứ theo bài giảng, còn ở mảng phong trào thì phải làm thử, làm thực để chị em vừa nhìn thấy, vừa học theo, vừa làm theo. Trước khi phát động một phong trào, bao giờ tôi cũng phải tập huấn, tổ chức cho hội viên tham quan học tập mô hình, sau đó làm điểm để chị em học tập và xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Ngoài ra, tôi còn bố trí thời gian, trực tiếp xuống cơ sở để có những hướng dẫn cần thiết. Nếu nói không khó khăn thì không đúng, nhưng chắc chắn là vui”.

Chính nhờ tinh thần ấy mà bà Lê Thị Vui luôn thể hiện vai trò người đứng đầu trong các phong trào của phụ nữ xứ Thanh. Bà đã có nhiều sáng kiến giúp hội phụ nữ các xã dễ tập hợp số liệu theo dõi phong trào, quản lý công việc khoa học hơn; tổ chức tập huấn về cách viết báo cáo, làm công văn, cách ra quyết định,... Đặc biệt, từ tháng 10-2015, khi giữ vai trò Chủ tịch Hội LHPN huyện, bà đề nghị tất cả các báo cáo sơ kết, 6 tháng và tổng kết năm được thể hiện bằng hình ảnh. Bà Vui kể: "Thời gian đầu nhiều người không thích, vì họ không muốn xuất hiện vào hình ảnh, ngại sử dụng công nghệ. Tuy vậy, chỉ sau thời gian ngắn, hiệu quả của các cuộc họp đã tăng hơn nhiều. Thay vì ngồi nghe đọc báo cáo rất dài và khô cứng trong các hội nghị, thì nay các hội viên được nhìn thấy những hình ảnh sinh động, được thảo luận cùng nhau”.

Niềm vui lớn nhất của bà Vui đó là ngoài việc đời sống được nâng lên, thì tư duy của hội viên phụ nữ đã thay đổi. Chẳng hạn, trước đây để hướng dẫn về công tác vệ sinh môi trường, chỉ nói đến việc mua thùng rác để ở ngoài đường cũng rất là khó. Nhưng hiện nay, mỗi hộ gia đình đã có 3 thùng rác: một thùng rác xanh để ngoài, tới 2 thùng rác trong nhà đựng rác tái chế, rác hữu cơ và rác vô cơ. Riêng với rác hữu cơ, cán bộ phụ nữ hướng dẫn các gia đình có thể mua men vi sinh, hoặc tự làm để xử lý.

“Kết quả thì nhìn thấy ngay, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của mọi người đã hoàn toàn thay đổi. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn ở Đông Sơn đã thực hiện tốt mô hình “Nhà sạch, vườn mẫu”, “Nhà sạch, vườn đẹp, tường rào xanh”. Qua các phong trào đã khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ nói riêng và Nhân dân huyện Đông Sơn nói chung trong lao động, sản xuất, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Cụ thể là đến năm 2020, Đông Sơn chỉ có 0,64% hộ nghèo bảo trợ, không có hộ nghèo”, bà Vui cho biết.

Phải khẳng định, nhờ vai trò của bà Lê Thị Vui mà Hội LHPN huyện Đông Sơn luôn đi trước, dẫn đầu các phong trào. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các đơn vị khảo sát, rà soát hộ nghèo, xây dựng kế hoạch giúp các hội viên phụ nữ thoát nghèo bằng các hình thức, như: hỗ trợ cho vay vốn, tập huấn khoa học - kỹ thuật, dạy nghề, trao con giống, hỗ trợ ngày công... Đáng chú ý là đến nay đã có 11 câu lạc bộ “Nữ tiểu thương” với 715 thành viên; 4 HTX trồng và chế biến cây dược liệu, 5 mô hình tổ hợp tác với 172 thành viên. Hằng năm, hội phối hợp tổ chức từ 10-12 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng bán hàng... Riêng trong thời gian TP Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng tiêu cực đến đầu ra của hàng nông sản trên địa bàn, Hội LHPN huyện đã kêu gọi hội viên ủng hộ mua các sản phẩm: dưa chuột, dưa kim hoàng hậu, rau... cho người nông dân.

Để làm được những điều đó, vấn đề khó khăn nhất ở các cấp hội là nguồn kinh phí. Nhưng nếu không có sự tâm huyết, không có nhiệt tình, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu thì có lẽ chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chỉ là để hoàn thành nhiệm vụ.

“Tôi muốn làm nhiều thứ lắm, đặc biệt là muốn tập huấn, hướng dẫn tạo động lực cho chị em phụ nữ từ huyện đến cơ sở năng động chuyển đổi ngành nghề. Chúng ta quá biết, đất ruộng ngày càng bị thu hẹp, nếu có việc làm tại chỗ, chị em sẽ không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái... Đơn giản như hiện nay ở xã Đông Minh, nhờ có nghề làm tóc giả mà rất nhiều chị em vừa đảm bảo thu nhập tốt, vừa chu toàn việc gia đình. Hoặc việc thay đổi nhận thức giúp cuộc sống của mỗi người và xã hội thay đổi. Tôi vẫn nói với chị em thay vì sử dụng phân bón hóa học với giá thành tăng cao như hiện nay, thì hãy sử dụng rác thải làm phân bón vi sinh. Tiết kiệm đầu vào, gia tăng đầu ra để khoảng cách giàu nghèo bớt xa đi”.

Phụ nữ là trụ cột lớn của gia đình và xã hội, suy nghĩ đó khiến bà Vui luôn vui vẻ thực hiện nhiệm vụ được giao, tận tâm giúp đỡ những người phụ nữ khó khăn hơn mình. Chính sự nhiệt tình của bà đã lan tỏa đến nhiều chị em phụ nữ khác, giúp họ yêu mình và yêu cuộc sống, muốn lao động và cống hiến. Đó là niềm vui, hạnh phúc hơn cả nhiều bằng khen, giấy khen mà bà đã được nhận.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]