(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với dân số đông, nhu cầu nước sạch là rất lớn, thế nhưng hiện số hộ gia đình số sử dụng nước sạch ở Thanh Hóa mới đạt khoảng hơn 30%. Đây là bài toán cần sớm có lời giải.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nước sạch nông thôn: Bài toán cần sớm có lời giải

(VH&ĐS) Với dân số đông, nhu cầu nước sạch là rất lớn, thế nhưng hiện số hộ gia đình số sử dụng nước sạch ở Thanh Hóa mới đạt khoảng hơn 30%. Đây là bài toán cần sớm có lời giải.

Từ thực trạng

Theo bà Nguyễn Thị Oanh - Trưởng phòng Vật tư, Công ty CP cấp nước Thanh Hóa thì Thanh Hóa hiện có các chi nhánh cấp nước sạch do công ty phụ trách: TP Thanh Hóa, TX Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn, huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành.

Đây là những con khá khiêm tốn so với của 27 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Điều đáng nói đối với những huyện có chi nhánh là nước sạch cũng chỉ dừng lại ở vùng trung tâm huyện, thị và một số xã lân cận.

Được biết, TP Thanh Hóa dân số vùng ngoại thị sử dụng nước sạch mới đạt hơn 60%. Một số xã mới về thành phố cũng chưa có nước sạch. Hoằng Hóa ngay sát thành phố nhưng nước sạch mới có thị trấn Bút Sơn, xã Hoằng Đức, Hoằng Vinh, Hoằng Đồng và một số xã ven biển Hải Tiến. Hơn 3/4 số xã trên địa bàn vẫn chưa được sử dụng nước sạch.

Niềm vui của người dân khi được sử dụng nước sạch.

Có nước sạch, bà Nguyễn Thị Hà, ở xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) phấn khởi cho biết: Trước đây không chỉ có gia đình tôi mà gần như cả xã, nhà nào cũng có giếng khoan, bể nước mưa. Khi bơm nước lên đều có mùi tanh. Vì thế gia đình còn phải xây thêm bể cát lọc nước mới đỡ mùi. Nước mưa phải để dành dùng quanh năm.

Theo thống kê từ Công ty CP cấp nước Thanh Hóa, thì công ty đang thực hiện cấp nước sạch 108.000 m3/ngày/đêm trên địa bàn tỉnh. Riêng TP Thanh Hóa 85.000 m3/ngày/đêm. Nguồn nước được lấy từ Kênh Bắc thủy nông sông Chu. Những nămqua, công ty không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, nâng công suất nguồn tại các nhà máy và đầu tư mở rộng cấp nước tới các vùng ngoại ô nông thôn. Thực hiện hợp phần 2 dự án phát triển toàn diện thành phố, đã cải tạo 13km đường ống nội đô TP Thanh Hóa và xây dựng 13km vùng vành đai nên đã đáp ứng được yêu cầu nước sạch của nhân dân. Nhưng nước sạch cho nông thôn vẫn là vấn đề nan giải.

Mặc dù những năm qua, Thanh Hóa có nhiều chương trình nước sạch nông thôn từ nhiều dự án, nguồn vốn vay khác nhau. Bên cạnh đó còn có sự đóng góp của các nhà tài trợ, nhưng so với nhu cầu của người dân, chuyện nước sạch vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tế người dân đang khát nước sạch, vì sao?

Đi tìm nguyên nhân

Mơ ước có nước sạch là điều chính đáng của người dân. Thế nhưng hầu hết các người dân ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đang khát nước sạch, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Thanh Hóa là tỉnh đông dân với dân số 3,5 triệu người (đứng thứ 3 cả nước). Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt hơn 11% (theo cách tính cữ). Theo đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được cải thiện, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức trong mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Hệ lụy từ việc hình thành các khu công nghiệp, làng nghề, trang trại chăn nuôi, rác thải nông thôn đang là thách thức lớn đặt ra đòi hỏi cấp ủy, chính quyền phải nỗ lực, có nhiều giải pháp hữu hiệu mới giáp quyết được vấn đề này.

Nguồn nước đang bị ô nhiễm từ không khí, rác thải, nước thải. Thói quen dùng nước giếng khoan, nước ngầm chưa qua xử lý để phục vụ nhu cầu ăn uống sinh hoạt… đã và đang ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe trước mắt và lâu dài của người sử dụng. Theo các chuyên gia, người sử dụng thường xuyên nước giếng tự khoan chưa qua xử lý sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe vì các chất độc tồn tại trong giếng nước ở mức độ nhẹ có thể gây dị ứng da, nhiễm trùng đường ruột, bệnh tiêu chảy. Nếu tích tụ lâu dài có thể là những tác nhân gây ung thư thậm chí dẫn đến tử vong.

Còn nguồn nước ngầm chưa qua xử lý nếu bị nhiễm độc thạch tín ở mức thấp, sử dụng trong thời gian dài sẽ mắc các bệnh mệt mỏi, giảm trí nhớ, thiếu máu cục bộ, co tim và não. Ngoài ra còn có thể gây các bệnh ngoài da. Vì thế, người dân cần nhận thức rõ những tác hại nguy hiểm trên để có thói quen sử dụng nước sạch.

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nước sạch chưa đến được nhiều với vùng nông thôn vì đây là chính sách an sinh xã hội, cần đầu tư lớn. Song thực tế nguồn ngân sách dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng nước sạch còn rất ít.

Bên cạnh đó nguồn ngân sách có hạn, công tác xã hội hóa còn hạn chế. 6 năm qua, thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa đã có gần 200 xã đạt chuẩn. Tiêu chí môi trường đối với các xã này lấy tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia để xét, còn thực tế sử dụng nước sạch là rất ít.

Ngoài ra, người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch. Do mưu cầu cuộc sống hằng ngày, lo cái ăn, cái mặc là chủ yếu, còn nước dùng thế nào cũng được. Nhiều khi nước sạch mà vẫn không dùng hoặc chỉ dùng một phần rất nhỏ để nấu cơm, còn tắm giặt thì dùng nước giếng khoan. Không sử dụng nước sạch trong cuộc sống hằng ngày là những nguy cơ dẫn đến phát sinh bệnh tật, hậu quả khó lường. Bên cạnh đó các cấp ủy, đảng, chính quyền cũng chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho nước sạch nông thôn. Công tác quảng bá, tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ về những tác hại của việc sử dụng nước ngầm, nước mưa, nước giếng khoan còn hạn chế…

Và giải pháp

Tầm quang trọng của nước sạch đối với cuộc sống là không thể phủ nhận. Vì thế, cấp ủy, chính quyền, người dân phải nhận thức rõ về vấn đề này. Từ đó tích cực bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguồn nước ô nhiễm, đầu tư cho nước sạch. Năm 2016, sẽ có thêm nhà máy cấp nước sạch cho KKT Nghi Sơn. Đồng nghĩa người dân sẽ được sử dụng nguồn nước sạch.

Là tỉnh đông dân, địa bàn rộng, cuộc sống người dân còn nghèo, Thanh Hóa lại có 7 huyện miền núi đang thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ nên nguồn lực cho việc đầu tư nước sạch về nông thôn là rất khó khăn.

Để đạt mục tiêu về nước sạch và môi trường nông thôn trong giai đoạn tiếp theo, Thanh Hóa cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển nguồn nước sạch, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác nước ngầm, tích cực bảo vệ nguồn nước.

Theo đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về ý nghĩa, lợi ích của việc dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh, từ đó không dùng nước ô nhiễm. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiểu dự án nước sạch ở các huyện, vùng ven biển; kêu gọi các nguồn tài trợ từ nhiều phía, chú trọng công tác xã hội hóa tạo ra các nguồn lực, chung tay hướng về vùng nông thôn thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Thúy Hòa


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]