(vhds.baothanhhoa.vn) - Với sức trẻ cùng quyết tâm vượt khó, nhiều thanh niên huyện Quan Sơn đã tạo ra những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới xứ Thanh.

Sức trẻ vùng biên Quan Sơn

Với sức trẻ cùng quyết tâm vượt khó, nhiều thanh niên huyện Quan Sơn đã tạo ra những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng biên giới xứ Thanh.

Sức trẻ vùng biên Quan SơnAnh Ngân Văn Học, bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy - tấm gương thanh niên vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế.

Bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy nằm cách Quốc lộ 217 chừng 8km, là nơi sinh sống của chàng trai người Thái giàu nghị lực Ngân Văn Học. Là con thứ 2 trong gia đình nghèo có 4 người con, bố mất sớm, cuộc sống nhiều khó khăn, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, anh Học đã tạm gác việc học hành, ở nhà giúp mẹ làm đồi, làm ruộng. Khi mùa vụ xong, Học đi chặt luồng, chặt vầu thuê cho các hộ dân trong xã để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhưng cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn. Với mong muốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, năm 2015, anh đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn, cùng với khoản tiền tiết kiệm của gia đình, đầu tư xây dựng mô hình trồng dưa lưới, rau, quả tổng hợp.

Anh Học cho biết: “Tôi đã mạnh dạn cải tạo 4 sào đất trồng luồng kém hiệu quả sang trồng dưa lưới và trồng rau màu chính vụ, trái vụ và bước đầu cho thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 90 triệu đồng”.

Trên đà thành công, anh Học tiếp tục đầu tư mua đất của các hộ dân xung quanh, cải tạo, mở rộng diện tích sản xuất. Đến cuối năm 2020, anh đầu tư xây dựng hệ thống nhà trồng dưa lưới, rau sạch áp dụng công nghệ tưới phun tự động. Hiện nay, mô hình này mang lại thu nhập cho gia đình anh Học 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lữ Anh Hướng, Bí thư Đoàn xã Sơn Thủy, cho biết: “Anh Ngân Văn Học là thanh niên có nghị lực, vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế gia đình. Quá trình lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế hầu như tự thân vận động. Trong cuộc sống, anh Học là người có đức tính khiêm tốn, thật thà, sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong bản. Anh trở thành tấm gương sáng cho thanh niên xã Sơn Thủy noi theo”.

Ở bản Din, xã Trung Hạ, nhiều người nhắc đến Hà Văn Thương với cách gọi dí dỏm “kỹ sư nông nghiệp nuôi gà”. Với ý chí của tuổi trẻ, sẵn có kiến thức đã học ở trường đại học và được sự động viên giúp đỡ của gia đình, Thương đã xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp như vịt, lợn, gà, dê, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh cho biết: “Làm cái nghề chăn nuôi gà rất bận rộn, không khi nào hết việc, đòi hỏi phải có niềm đam mê mới mong thành công. Khi đang học phổ thông, thấy người ta chăn nuôi, tôi mê lắm. Nhưng muốn thành công, mình phải có kiến thức, học hết lớp 12, tôi đăng ký dự thi và trúng tuyển Trường Đại học Tây Bắc. Sau khi ra trường tôi về quê lập nghiệp và tham gia nhiều hoạt động xã hội của xã”.

Thành công bước đầu đã tạo động lực cho Thương hăng say với công việc. Năm 2019, anh đầu tư 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Do được đầu tư thức ăn công nghiệp phù hợp, kết hợp với tiêm vắc-xin phòng bệnh kịp thời, nên đàn vật nuôi phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ mô hình chăn nuôi tổng hợp đã mang lại thu nhập cho gia đình anh Thương trên 250 triệu đồng/năm.

Ngoài mô hình trồng dưa lưới, rau quả tổng hợp của anh Ngân Văn Học, xã Sơn Thủy; chăn nuôi tổng hợp của Hà Văn Thương, xã Trung Hạ, trên địa bàn huyện Quan Sơn còn có hơn 50 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, cho thu nhập ổn định như, nuôi cá tầm, bò, chim bồ câu, lợn, trồng cây dược liệu... Trong đó 22 mô hình có thu nhập từ 50 triệu đến trên 250 triệu đồng/năm.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Đức Lương, Bí thư Huyện đoàn Quan Sơn, cho biết: Những mô hình thành công, ngoài nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân đoàn viên thanh niên, còn có chủ trương, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế của các cấp bộ đoàn, sự quan tâm, tạo điều kiện giao đất, giao rừng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hiện nay, thông qua tổ chức đoàn có 613 hộ gia đình là đoàn viên, thanh niên được vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quan Sơn với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng. Từ nguồn vốn được vay, đoàn viên thanh niên đã xây dựng nhiều mô mình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, giải quyết việc làm cho hàng trăm thanh niên địa phương.

Cũng theo anh Phạm Đức Lương, thời gian tới Huyện đoàn Quan Sơn tiếp tục vận động thanh niên tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình phù hợp, hiệu quả kinh tế. Tích cực phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi, đưa thanh niên đi học tập thực tế các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện, nhằm khuyến khích, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Tổ chức đoàn cũng đứng ra kết nối, phối hợp với các ban, ngành, hội, hỗ trợ thanh niên đủ điều kiện và có nhu cầu được vay vốn để phát triển kinh tế.

Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí quyết tâm và sức trẻ, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng biên Quan Sơn đã và đang đổi mới trong tư duy, tự lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Xuân Nguyễn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]