(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, trong đó số đơn vị giảm do sắp xếp nhiều hơn tổng số đơn vị hành chính cấp xã của một số địa phương. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, bằng sự quyết tâm, chủ động, bài bản, linh hoạt trong cách làm, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành và là địa phương đi đầu trong cả nước. Nhân dịp năm mới 2020, phóng viên Báo VH&ĐS đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Sở Nội vụ (ảnh dưới) xung quanh vấn đề này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển KT-XH các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp

Thanh Hóa là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong toàn quốc, trong đó số đơn vị giảm do sắp xếp nhiều hơn tổng số đơn vị hành chính cấp xã của một số địa phương. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, bằng sự quyết tâm, chủ động, bài bản, linh hoạt trong cách làm, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành và là địa phương đi đầu trong cả nước. Nhân dịp năm mới 2020, phóng viên Báo VH&ĐS đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thủy - Giám đốc Sở Nội vụ (ảnh dưới) xung quanh vấn đề này.

PV: Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong toàn quốc hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Xin ông cho biết những kết quả cụ thể?

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Trước khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh có 635 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, gồm 573 xã, 34 phường, 28 thị trấn; trong đó, có tới 69 đơn vị (chiếm 10,87%) chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn phải sắp xếp theo Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Hội nghị thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị. Đồng thời, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra: "Đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 35%"; tỉnh cũng sẽ sắp xếp, mở rộng các đơn vị hành chính đô thị (phường và thị trấn) để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển và tốc độ đô thị hóa tại các địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20 ngày 15/3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58 ngày 13/3/2019 để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện. Sau thời gian tổ chức, triển khai thực hiện, các nội dung công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được tỉnh Thanh Hóa hoàn thành xong và sớm hơn so với quy định của Trung ương.

Đến ngày 16/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 786 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 786, ngày 15/11/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 234 tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay đã đạt được những kết quả như sau: Cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và các ngành liên quan đã tập trung lãnh đạo, quán triệt, triển khai đầy đủ nội dung nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương; ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch của UBND tỉnh. Đến ngày 1/12/2019, các huyện, thị xã, thành phố (trừ thành phố Sầm Sơn) đã hoàn thành công tác quán triệt, triển khai theo thời gian quy định. Một số xã, phường, thị trấn đã kết hợp hội nghị quán triệt, triển khai để tổ chức công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công bố các quyết định về kiện toàn công tác nhân sự của đảng ủy, đoàn thể chính trị - xã hội, chính quyền...; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn và các xã, phường, thị trấn tăng cường thông tin, tuyên truyền về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Sở Nội vụ đã phân công các đồng chí lãnh đạo sở trực tiếp chỉ đạo, triển khai, làm việc, nắm tình hình tại các huyện, thị xã, thành phố; kịp thời hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực chính quyền địa phương cho 635 xã, phường, thị trấn. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đã được kiện toàn, sắp xếp theo đơn vị hành chính mới. Các tổ chức chính trị - xã hội được kiện toàn và ra mắt từ ngày 1/12/2019 theo hướng dẫn của cơ quan ngành dọc cấp trên.

Cũng trong ngày 1/12/2019, tất cả các đơn vị hành chính cấp xã mới đã hoàn thành việc tổ chức Kỳ họp thứ nhất HĐND để bầu các chức danh của HĐND và UBND cấp xã theo đúng quy định của pháp luật. 100% nhân sự ứng cử các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND theo giới thiệu của Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy đều trúng cử với số phiếu cao. HĐND và UBND của các đơn vị hành chính mới chính thức hoạt động ngày 1/12/2019, đảm bảo sự thông suốt, liên tục trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của chính quyền cơ sở.

Công tác thống kê, kiểm kê, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác bàn giao, tiếp nhận được các địa phương chủ động thực hiện kịp thời. Căn cứ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các địa phương đã báo cáo Công an tỉnh khắc, đăng ký các loại con dấu mới; tổ chức thu hồi các con dấu cũ, cấp con dấu mới cho các cơ quan, đơn vị ở đơn vị hành chính mới. Từ ngày 1/12/2019, con dấu mới được chính thức sử dụng để phục vụ cho lãnh đạo, điều hành, quản lý ở địa phương.

PV: Bên cạnh những thuận lợi, kết quả tích cực đã đạt được thì công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng có những tồn tại, khó khăn nhất định, đâu là những khó khăn chủ yếu và hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Số đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp lên tới 143 đơn vị, chiếm 22,5% tổng số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh nên tác động lớn đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cơ sở, đơn vị sự nghiệp, khó khăn trong bố trí chức danh lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài số 1.308 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính (1.308), toàn tỉnh có 1.270 người cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do giảm số lượng theo quy định tại Nghị định số 34 của Chính phủ, 601 công chức là trưởng công an cấp xã dôi dư do bố trí công an chính quy. Như vậy, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư của tỉnh Thanh Hóa cần phải bố trí, sắp xếp trong thời gian tới lên đến 3.179 trường hợp. Bên cạnh đó một số đơn vị có trụ sở mới được đầu tư xây dựng nay nhập lại; công sở không ở trung tâm nên khó khăn cho đi lại, giao dịch hành chính của công dân...

Trong thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, từ đó tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cụ thể: Đối với việc sử dụng hợp lý hệ thống công sở, nhà văn hóa sau khi nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương không đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công sở, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp; đối với các công trình đã triển khai thực hiện hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống người dân thì vẫn tiếp tục đầu tư. UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định sử dụng tài sản công sau khi tham khảo ý kiến của UBND cấp xã, đảm bảo sử dụng tất cả cơ sở vật chất phục vụ công việc của địa phương, tạo thuận lợi cho giao dịch hành chính của nhân dân.

Đối với giải pháp sắp xếp đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức dôi dư trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ bố trí, sắp xếp đến các đơn vị cấp xã còn thiếu: 555 người; tiếp nhận, bố trí làm công chức cấp xã: 108 người; tuyển dụng làm công chức cấp huyện: 39 người; tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị sự nghiệp: 10 người; nghỉ hưu theo quy định: 332 người; thực hiện tinh giản: 264 người; 1.199 người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sẽ nghỉ việc và hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.

Đồng thời, để hỗ trợ đối với những trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 181 ngày 10/7/2019 về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, viên chức trạm y tế cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

PV: Xin ông cho biết những nhiệm vụ đặt ra sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã?

Ông Nguyễn Xuân Thủy: Trong thời gian tới, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau: Cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nội dung công việc liên quan đến công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức...; giải quyết dôi dư tại các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau khi sắp xếp.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư, phát triển KT-XH các đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau khi sắp xếp; lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị phù hợp với kết quả sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật để nâng cao chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn đô thị theo quy định.

Quan tâm đến an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp; nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách hỗ trợ cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo... bị tác động khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; chính sách riêng hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với các đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn: Trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính; phê duyệt quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp; tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng phương án, phấn đấu hoàn thành xong công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã chưa đảm bảo tiêu chuẩn trong giai đoạn 2021 - 2030.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Thủy


Thu Thủy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]