(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định Thanh Hóa phải là một trong những địa phương đi đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là nhiệm vụ, còn là tình cảm và sự trân trọng đối với Bác, là sự phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời căn dặn của Người...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định Thanh Hóa phải là một trong những địa phương đi đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó không chỉ là nhiệm vụ, còn là tình cảm và sự trân trọng đối với Bác, là sự phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời căn dặn của Người...

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, gắn với thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Thực hiện hiệu quả 6 nội dung chủ yếu của Chỉ thị

Với 6 nội dung chủ yếu của Chỉ thị đó là: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc nổi cộm ở địa phương; gắn với xây dựng tập thể, cá nhân kiểu mẫu; gắn với đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống..., Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa hàng năm đã lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và có chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt các biện pháp để kiểm soát tốt tình hình, kiên quyết không để dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Học và làm theo Bác, các cấp, các ngành, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, lộ trình xây dựng tập thể, cá nhân kiểu mẫu. Nhiều cấp ủy, chính quyền đã gắn xây dựng địa phương, đơn vị kiểu mẫu với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phong trào xây dựng công dân, gia đình, thôn, tổ dân phố, cơ quan kiểu mẫu được triển khai sâu rộng. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 253 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, 367 thôn, bản, gia đình và 24.744 công dân được công nhận danh hiệu “kiểu mẫu”, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất và con người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện Quyết định 1089-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TU về quản lý cán bộ, đảng viên và Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh, chống âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Hằng năm, đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình việc thực hiệnchức trách, nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân. Chỉ đạo UBND tỉnh rà soát, xây dựng, bổ sung các chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã tổ chức vinh danh 17 cá nhân đạt danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa”, biểu dương 108 tập thể, công dân kiểu mẫu tiêu biểu và 130 tập thể, cá nhân tiêu biểu điển hình trong học tập và làm theo Bác. Tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định: Trong 4 năm qua, đã xuất hiện hàng nghìn tấm gương điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được các cấp, các ngành và toàn xã hội ghi nhận, tôn vinh. Gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo Bác ở đâu cũng có, từ miền núi cao biên giới đến vùng ven biển, hải đảo, từ thành thị đến nông thôn, trên tất cả phương diện của đời sống xã hội. Đó là những bông hoa đẹp kết thành đài hoa ngát hương của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa dâng lên Người.

Những điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm sáng tạo

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, trên đất Thanh, nơi đâu cũng có những điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt. Đó là những cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang dũng cảm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong các đợt mưa lũ và sạt lở đất. Đó là các bác sĩ, nhân viên y tế, những “chiến binh áo trắng” kiên cường trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đó là tinh thần nêu gương của đảng viên Tô Thị Tuất, thuộc Đảng bộ xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa, với 90 tuổi đời và 64 năm tuổi Đảng đã gương mẫu hiến 570m2 đất xây dựng nhà văn hóa thôn và tiết kiệm lương hưu trí trao thưởng các cháu đỗ đại học. Là Trung úy Hà Văn Đức, Công an huyện Quan Hóa đã tham mưu và trực tiếp tham gia đấu tranh, triệt phá 139 vụ, bắt 187 đối tượng phạm tội về ma túy... Những tấm gương, những điển hình đã tạo sức mạnh, tạo niềm tin và có tác dụng rõ nét trong đấu tranh, ngăn chặn biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống...

Bên cạnh đó, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo cũng đã ra đời trên tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Trường THPT Triệu Sơn II (Triệu Sơn), một ngôi trường đã có 50 năm xây dựng và trưởng thành, với bề dày thành tích đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, mới đây cũng đã vinh dự được tôn vinh tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05 của tỉnh. Từ năm 2016-2019, Chi bộ nhà trường đã tổ chức được 4 lớp về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tham gia các lớp học này và viết bài thu hoạch. Chi bộ tổ chức chấm, kiểm tra, đánh giá, nhận xét, coi đây là tiêu chí quan trọng trong đánh giá thi đua cuối năm.

Đoàn viên thanh niên Trường THPT Triệu Sơn II tham gia hoạt động phát khẩu trang miễn phí giúp phòng, chống dịch Covid-19.

Trong 4 năm thực hiện chỉ thị, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn giáo dục công dân, ngữ văn và lịch sử tích hợp nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua những câu chuyện về đạo đức của Bác Hồ vào các bài giảng với tổng số hơn 400 tiết học. Ngoài ra là hàng nghìn buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ sử dụng tài liệu về Bác Hồ với hơn 4 nghìn bài thu hoạch của học sinh. Chia sẻ của Hiệu trưởng Hoàng Công Thịnh:Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đừng nghĩ đó là cái gì quá lớn lao mà hãy nghĩ thật gần gũi, đơn giản bởi ở con người Bác lúc nào cũng toát lên sự giản dị nhưng chính cái giản dị của Bác là điều mà chúng ta phải học tập, trong từng nết ăn, suy nghĩ, việc làm... Trong quá trình chỉ đạo, chúng tôi đã biến thành những việc làm cụ thể. Hàng năm, cho cán bộ giáo viên và học sinh, các tổ chức đoàn thể đăng ký những việc làm cụ thể, như đăng ký xây dựng lề lối lên lớp, thay đổi công tác tiếp dân, đăng ký tham gia xây dựng lớp học, chăm sóc các công trình thanh niên. Thực tế, những năm vừa qua, phong trào đã có sức lan tỏa rộng lớn, góp phần xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đó còn là câu chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ phường Tân Sơn (TP Thanh Hóa) khi mà tại đây, sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 05, phường đã cho ra đời nhiều điểm sángnhư “Tuổi trẻ phường Tân Sơn làm theo lời Bác”, “Hội Cựu chiến binh phường giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, tổ dân phố với phong trào “Xây dựng đô thị văn minh, công dân thân thiện”... Hằng tháng, Đảng ủy lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các chi bộ trực thuộc căn cứ chương trình làm việc của Đảng ủy để xác định nội dung trọng tâm. Lựa chọn các khâu đột phá gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân... Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Tân Sơn Lê Văn Mão cho biết:Do làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Đảng bộ phường nhiều năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Việc học tập và làm theo Bác thấm sâu vào trong đời sống cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

Phát huy kết quả và những bài học kinh nghiệm sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa quyết tâm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đặc biệt, tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, ngày càng đi vào chiều sâu và có tác dụng rõ nét trong đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống... Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa, các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục triển khai sâu rộng, đồng bộ chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Bác, qua đó thúc đẩy tinh thần tự giác, trách nhiệm, nêu gương trong học tập và làm theo Bác ở các địa phương, cơ quan, đơn vị...

Hoàng Việt Anh

Cô giáo Sùng Thị Tông, tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác

Sinh ra và lớn lên tại bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, nơi cách trung tâm xã 27km và cách trung tâm huyện 67km, với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Sùng Thị Tông, giáo viên Trường Mầm non Sơn Thủy (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn), đã cụ thể hóa tình yêu nghề bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhờ “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, là điển hình tiên tiến của ngành GD&ĐT Thanh Hóa.

Cô giáo Sùng Thị Tông, giáo viên Trường Mầm non Sơn Thủy chia sẻ kinh nghiệm cùng đồng nghiệp tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành GD&ĐT giai đoạn 2015 - 2020.

Cô giáo Sùng Thị Tông, giáo viên Trường Mầm non Sơn Thủy chia sẻ kinh nghiệm cùng đồng nghiệp tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành GD&ĐT giai đoạn 2015 - 2020.

Điểm trường Mùa Xuân, nơi cô giáo Sùng Thị Tông đang ngày ngày đến lớp thuộc bản vùng biên nghèo với 100% đồng bào Mông sinh sống. Trận lũ lịch sử tháng 3/2019 quét qua khiến cho bản làng vốn đã nghèo khó lại càng trở nên khó khăn hơn.

Tận mắt chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của điểm trường: phòng học xuống cấp, đồ dùng học tập, trang thiết bị, đồ chơi bị mưa lũ cuốn trôi và hư hỏng... cô giáo Sùng Thị Tông trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để các em học sinh có đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị cần thiết để học tập, vui chơi, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi? Chính lòng yêu nghề, mến trẻ và trách nhiệm của một người giáo viên, cô giáo Tông đã tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường tìm cách kết nối với các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm để huy động nguồn lực hỗ trợ về đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế cho trẻ. Sau hơn 1 tháng nỗ lực kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ, điểm trường Mùa Xuân đã có đầy đủ bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi cho các em học sinh. Khi cơ sở vật chất đã có đủ, cô giáo Sùng Thị Tông lại đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để những đứa trẻ nơi đây đều được đến trường học tập, vui chơi cùng bạn bè? Sau mỗi buổi lên lớp, cô giáo Tông lại đến từng nhà để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, động viên, tuyên truyền để phụ huynh đưa trẻ ra lớp...

Cô giáo Sùng Thị Tông chia sẻ: "Tôi chỉ có ước muốn bình dị là mang đến cho các con những tiếng cười trẻ thơ trong ngôi trường nhỏ với đầy đủ đồ chơi, trang thiết bị cần thiết. Ở đó, các con được chăm từng bữa ăn, giấc ngủ thật an toàn. Dù con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng tôi cùng với tập thể nhà trường sẽ tiếp tục mang sức trẻ, sự tâm huyết của mình đưa đến cho trẻ em điểm trường Mùa Xuân những hy vọng mới, luồng ánh sáng mới, góp phần hình thành cho trẻ một nhân cách tốt, được phát triển toàn diện, phù hợp với lứa tuổi của các em".

Linh Hương

Nữ VĐV Cầu mây học và làm theo Bác từ những việc làm nhỏ

Gương mẫu, nỗ lực và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là nhận xét của lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Thanh Hóa dành cho nữ vận động viên (VĐV) Cầu mây Hoàng Thị Hoà.

VĐV Hoàng Thị Hoà với 2 tấm huy chương (1 HCB, 1 HCĐ) tại Đại hội Thể thao Châu Á năm 20018 diễn ra tại Indonesia.

VĐV Hoàng Thị Hoà với 2 tấm huy chương (1 HCB, 1 HCĐ) tại Đại hội Thể thao Châu Á năm 20018 diễn ra tại Indonesia.

Với Hoàng Thị Hoà (sinh năm 1996), được học tập, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, người VĐV Cầu mây là một phần quan trọng trong cuộc đời, không chỉ giúp bản thân nâng cao sức khoẻ, mà còn là cơ hội để mở rộng quan hệ giao lưu, ngoại giao và có sự tác động lớn đến đoàn kết, hữu nghị và hoà bình của nhân dân và thế giới. Chính vì thế mà từ khi bước vào nghề, Hoà đã đặt cho mình mục tiêu phải luôn phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân trở thành một VĐV giỏi, gặt hái được nhiều thành tích, huy chương vàng ở các giải đấu quốc gia, khu vực, châu lục và trên toàn thế giới, mang vinh quang về cho Tổ quốc cũng như tỉnh Thanh Hóa.

Từ tháng 3/2011, Hoà được tuyển chọn vào tập luyện môn Cầu mây tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thanh Hoá. Ngay từ đầu, bản thân Hoà đã vạch ra cho mình những giải pháp cụ thể để phấn đấu trở thành VĐV tiêu biểu. Trước hết là việc không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Thực hiện tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như nội quy, quy chế của cơ quan và bộ môn đề ra. Bước vào nghề khi tuổi đời còn khá trẻ, tuy nhiên VĐV Hoàng Thị Hoà luôn biết cách bố trí thời gian học tập văn hoá và tập luyện chuyên môn một cách khoa học, hợp lý. Ngoài giờ học, giờ tập, bản thân Hoà luôn tham khảo tài liệu, xem băng ghi hình thi đấu chuyên môn, từ đó nghiên cứu đúc kết kinh nghiệm của những người đi trước làm nền tảng phấn đấu cho mình.

Theo các huấn luyện viên, điều đáng ghi nhận ở nữ VĐV này đó là, trong quá trình thi đấu các giải, Hoà luôn xác định tư tưởng “thắng không kiêu, bại không nản”, phải kiên cường bất khuất vì màu cờ sắc áo của quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong cuộc sống hàng ngày, bản thân Hoà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính ý thức tổ chức kỷ luật cao, sẵn sàng giúp đỡ các VĐV khác để cùng nhau tiến bộ.

Với những mục tiêu cụ thể bản thân đã đề ra, trong suốt 9 năm tập luyện, Hoà đã gặt hái được nhiều huy chương ở các giải vô địch cầu mây Đại hội TDTT Quốc gia, vô địch thế giới, các giải Sea Games. Với những thành tích nổi bật, đáng trân trọng, VĐV Hoàng Thị Hoà đã ghi danh vào bảng vàng thể thao Thanh Hoá. Năm 2018, VĐV Hoàng Thị Hoà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen khi mang về 2 tấm huy chương tại Đại hội Thể thao Châu Á diễn ra tại Indonesia. Cùng với đó là nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa vì có nhiều thành tích xuất sắc trong các giải đấu thể thao trong nước và quốc tế.

Với ước mơ cháy bỏng trở thành huấn luyện viên trong tương lai, có thể trực tiếp huấn luyện đội trẻ của Thanh Hoá, VĐV Hoàng Thị Hoà quyết tâm phấn đấu, không ngừng học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, đóng góp nhiều hơn nữa vào bảng vàng thể thao của Tổ quốc và tỉnh nhà.

Hoài Anh

Người “vác tù và hàng tổng” ở Cán Khê

Là điển hình trong việc vận động người dân hiến đất, mở rộng đường giao thông, vận động người dân mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế... sớm đưa thôn mình về đích nông thôn mới (NTM) đầu tiên của xã, ông đã luôn được bà con trong thôn, xã tin tưởng và tín nhiệm. Ông là Lê Viết Huệ - Bí thư Chi bộ thôn 4, Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp xã Cán Khê, huyện Như Thanh.

Ông Lê Viết Huệ là người có uy tín không chỉ với bà con thôn 4 mà còn với bà con nhân dân ở xã Cán Khê (Như Thanh).

Những năm qua, ông Lê Viết Huệ thường xuyên tuyên truyền, vận động gia đình, dòng họ, nhân dân trong thôn thực hiện có hiệu quả những chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, ông đã vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất bằng phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM đến nay, ông Huệ đã vận động bà con trong thôn đóng góp 4,3 tỷ để xây dựng các công trình, làm đường giao thông, lắp đặt 181 cây cột đèn chiếu sáng khắp các đường làng ngõ xóm. Cũng trong suốt những năm qua, ông đã vận động hàng chục hộ gia đình hiến hơn 1.000m2 đất vườn, hàng trăm m2 đất ở, cùng với công sức lao động của người dân để mở rộng đường làng, ngõ xóm, tạo nên những con đường bê tông dài đầu xóm đến cuối ngõ. Cũng nhờ sự đồng lòng chung sức của bà con trong thôn nên năm 2016, thôn 4 là thôn NTM đầu tiên của xã Cán Khê. Năm 2021 thôn đang phấn đấu sẽ trở thành thôn kiểu mẫu.

Nhiều năm được mệnh danh là “người vác tù và hàng tổng”, chia sẻ với chúng tôi, điều mà ông Huệ cảm thấy vui nhất là tạo được lòng yêu mến, tin tưởng của người dân trong thôn và sự tín nhiệm của chính quyền địa phương.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]