(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển, tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng tăng cường các hoạt động đối ngoại. Không chỉ mang tính chính trị đơn thuần hay nhằm mục tiêu xúc tiến đầu tư, lịch sử đã ghi nhận những mối quan hệ thắm đượm nghĩa tình giữa xứ Thanh - xứ Quảng hay với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa nghĩa tình...

Trong suốt chiều dài xây dựng và phát triển, tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng tăng cường các hoạt động đối ngoại. Không chỉ mang tính chính trị đơn thuần hay nhằm mục tiêu xúc tiến đầu tư, lịch sử đã ghi nhận những mối quan hệ thắm đượm nghĩa tình giữa xứ Thanh - xứ Quảng hay với tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Vun đắp mối quan hệ “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”

Hòa chung với dòng chảy hữu nghị 2 nước Việt - Lào, 2 tỉnh láng giềng Thanh Hóa - Hủa Phăn cũng từng bước xây dựng mối quan hệ thân thiết, gần gũi. Kề vai, sát cánh từ trong “mưa bom, bão đạn”, cho đến nay các thế hệ cán bộ, nhân dân 2 tỉnh vẫn luôn chung tay vun đắp để mối quan hệ “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Cùng chung nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ngay từ những năm đầu cách mạng, nhiều chiến sỹ cộng sản người Thanh Hóa đã sang Lào tham gia xây dựng Đảng bộ Ai Lao và tổ chức phong trào cách mạng, phát động khởi nghĩa, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến ở Lào. 2 nước, 2 tỉnh chung 1 chiến hào đánh Pháp, đánh Mỹ. Thanh Hóa đã chi viện lực lượng hàng nghìn bộ đội, công an để phối hợp với quân giải phóng Pha Thét Lào xây dựng, chiến đấu bảo vệ thủ đô kháng chiến của Lào tại Viêng Xay. Nhiều chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam trong đó có cả những người con Thanh Hóa đã anh dũng hy sinh hiện còn nằm lại trên xứ sở hoa Chăm Pa. Thanh Hóa cũng chính là hậu phương chi viện lương thực thực phẩm, công cụ lao động sản xuất cho tỉnh bạn; huy động hơn 1 vạn lượt TNXP giúp Hủa Phăn xây dựng hệ thống cầu, cống và các tuyến đường huyết mạch, góp phần vào chiến thắng của tỉnh Hủa Phăn trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Phối hợp tuần tra biên giới giữa BĐBP Tén Tằn và Sốp Bâu.

Sau chiến tranh, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn giành cho tỉnh bạn Hủa Phăn nhiều sự giúp đỡ chí nghĩa chí tình. Thông qua các chương trình hợp tác về nông nghiệp và các lĩnh vực khác đã tạo điều kiện thuận lợi để Hủa Phăn phát triển KT-XH. Thanh Hóa hiện có nhiều doanh nghiệp đang xuất nhập khẩu hàng hóa và sản xuất, kinh doanh trên đất Hủa Phăn, tạo điều kiện để kim ngạch thương mại 2 chiều liên tục tăng trưởng. Đồng thời, Thanh Hóa cũng quan tâm viện trợ cho tỉnh bạn nhiều tỷ đồng để nâng cấp kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... qua đó thắt chặt mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, 2 tỉnh vẫn luân phiên tổ chức các cuộc gặp mặt chính thức cấp cao hằng năm giữa 2 bên.

Để vun đắp thêm tình anh em hữu nghị, hiện nay 2 tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đặc biệt là trong thế hệ trẻ để nâng lên nhận thức về mối quan hệ lâu đời giữa nước Việt Lào, 2 tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn. Đặc biệt, công tác phối hợp bảo vệ biên giới, ngăn chặn, triệt phá hoạt động buôn lậu; tăng dày và tôn tạo mốc giới; tìm kiếm; quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào... cũng được 2 bên phối hợp ăn ý. Hoạt động giúp đỡ, nghĩa tình của 2 tỉnh dành cho nhau cũng góp phần tạo nên sự ổn định về chính trị, tạo đà cho KT-XH cùng phát triển.

58 năm nghĩa tình

Ngày 12/2/1961, lễ kết nghĩa giữa thị xã Thanh Hóa và Hội An được tổ chức trọng thể tại thị xã Thanh Hóa. Kể từ đây “chia lửa chiến trường cùng thắng Mỹ, chung xây giàu đẹp đất anh hùng”, 2 địa phương cùng sát cánh trong quá trình phát triển.

Tuần lễ văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An được tổ chức vào mùa xuân hằng năm.

Từ lời kể của những nguyên lãnh đạo TP Thanh Hóa thời bấy giờ chúng tôi được biết đến chi tiết về những lá thư của đảng bộ và nhân dân 2 thị xã gửi cho nhau. Họ thông tin cho nhau về những chiến công oanh liệt, những thành tựu trong phát triển KT-XH đồng thời chia sẻ với nhau những đau thương mất mát trong chiến tranh, động viên nhau chiến đấu, lao động và sản xuất. Lá thư thị xã Thanh Hóa ngày 8/9/1967 viết: “Thật đúng là miền Bắc gọi - miền Nam trả lời. Hội An cần - Thanh Hóa có”. Trong số những người con xứ Thanh tình nguyện lên đường chiến đấu trên chiến trường miền Nam, có nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất Hội An...

Hòa bình lập lại, 2 địa phương với hướng đi riêng song tình kết nghĩa anh em vẫn là sợi dây liên kết để 2 bên tăng cường các hoạt động trao đổi, giao lưu, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trong phát triển toàn diện KT-XH. Đến nay, cả 2 địa phương đều đã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. TP Thanh Hóa trở thành đô thị loại I. Trong vô số những công trình mới, hiện đại, trên mảnh đất Thanh Hóa có nhiều công trình được lấy tên Hội An, tiêu biểu đến nay chính là Công viên Hội An - công trình kỷ niệm cho mối quan hệ kết nghĩa này.

Hằng năm, Tuần lễ văn hóa TP Thanh Hóa - TP Hội An được tổ chức tại đây thu hút hàng ngàn lượt du khách chủ yếu là người Thanh Hóa tham gia, tìm hiểu. TP Hội An được phát triển mạnh mẽ, đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Cù Lao Chàm được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới; Hội An được xây dựng là trung tâm văn hóa du lịch của Quảng Nam và khu vực miền Trung, vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Thành tựu của 2 thành phố nói riêng, và 2 tỉnh nói chung chính là kết quả tốt đẹp, là nền tảng vững chắc để bồi đắp thêm mối quan hệ lâu đời Thanh Hóa - Hội An.

Cùng với những mối quan hệ đối nội, đối ngoại khác, những sự giúp đỡ, nghĩa tình trong quá khứ, những sự hợp tác ở hiện tại sẽ là động lực to lớn để tỉnh Thanh Hóa tiếp xây dựng hình ảnh đất và người Thanh Hóa tốt đẹp trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần vào sự hợp tác phát triển KT-XH của tỉnh.

Mai Phương


Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]