(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng nông thôn TP Thanh Hóa đã thay đổi nhanh chóng, toàn diện, tạo tiền đề cho khu vực nông nghiệp, nông thôn ở TP Thanh Hóa phát triển về mọi mặt, rút gắn khoảng cách giữa đô thị với nông thôn, góp phần đưa TP Thanh Hóa hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2019, sớm trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Tin liên quan

Đọc nhiều

TP Thanh Hóa: Những bước chuyển tự hào

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng nông thôn TP Thanh Hóa đã thay đổi nhanh chóng, toàn diện, tạo tiền đề cho khu vực nông nghiệp, nông thôn ở TP Thanh Hóa phát triển về mọi mặt, rút gắn khoảng cách giữa đô thị với nông thôn, góp phần đưa TP Thanh Hóa hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2019, sớm trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trung tâm hành chính mới của TP Thanh Hóa vừa đi vào hoạt động.

Vượt khó

Năm 2012, ngay sau khi thực hiện sáp nhập 19 đơn vị xã, thị trấn từ các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Đông Sơn và Quảng Xương, TP Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM với số lượng là 17 xã ngoại thành.

Thành phố Thanh Hóa có lợi thế về phát triển KT-XH với không gian giao lưu thuận lợi của nhiều vùng miền trong, ngoài tỉnh, là đầu mối kết nối nhiều tuyến giao thông quốc gia, là đô thị trung tâm tỉnh lị... Tuy nhiên, cái khó trong xây dựng NTM ở TP Thanh Hóa đó chính là việc tiếp cận Chương trình MTQG xây dựng NTM không phải ngay từ đầu mà triển khai nối tiếp trên cơ sở của các xã sáp nhập về thành phố nên bước đầu triển khai còn nhiều lúng túng, vướng mắc. Cụ thể là quy hoạch xây dựng nông thôn được lập tại các huyện và do UBND các huyện phê duyệt chưa phù hợp với điều kiện chung về phát triển KT-XH của TP Thanh Hóa. Hơn nữa, xuất phát điểm của các xã còn thấp với chuyển dịch cơ cấu sản xuất còn chậm, tốc độ tăng trưởng chưa cao, thu nhập của người dân nông thôn thiếu ổn định, khoảng cách thu nhập giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn...

Nhận thức rõ được vai trò, ý nghĩa của Chương trình MTQG về xây dựng NTM, là cuộc vận động xã hội sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, sau khi tiếp thu các văn bản của Trung ương, của tỉnh; Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức triển khai từ thành phố đến cơ sở với quyết tâm cao nhất, tổ chức tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ngành Trung ương, của UBND tỉnh về xây dựng NTM.

Ngay từ những ngày đầu, TP Thanh Hóa đã kết hợp xây dựng NTM với từng bước đô thị hóa các xã ngoại thành; huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án xây dựng các xã NTM, với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, đủ tiêu chí lên phường, tránh lãng phí trong đầu tư. Nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu gắn với sắp xếp, tổ chức lại các khu chức năng cấp xã. Hình thành các khu dân cư nông thôn theo hướng đô thị dưới các hình thức: Phố làng, thị tứ, khu dân cư làng nghề, khu dân cư nông thôn phi nông nghiệp...

Từ những cách làm năng động, sáng tạo, chương trình xây dựng NTM ở TP Thanh Hóa đã về đích thành công. Đó được xem là một cuộc hành trình gian khó nhưng TP Thanh Hóa đã vượt khó để làm nên những thắng lợi, tự hào: 17/17 xã đã đạt chuẩn NTM.

Mô hình trồng sen lấy hạt xuất khẩu ở xã Hoằng Long.

Thành tích

Sau 7 năm với chương trình xây dựng NTM, kinh tế TP Thanh Hóa phát triển tích cực, cơ cấu giá trị sản xuất của thành phố chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản, tăng nhanh ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn thành phố thời kỳ 2012 - 2019 đạt 14,4%.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, liên kết sản xuất hàng hóa, từng bước ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo an toàn thực phẩm; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đặc biệt, người nông dân đã bước đầu hình thành tư duy sản xuất hàng hóa. Theo đó, trong trồng trọt, thành phố đã chỉ đạo các xã tích cực đổi mới giống, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hoá, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp. UBND thành phố chỉ đạo các xã tập trung phát triển các loại cây rau màu, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao: Ớt xuất khẩu, dưa bao tử, cà chua, khoai tây, chuối lá ở Quảng Phú, Đông Vinh, chanh không hạt ở Thiệu Khánh...

Hiện nay, trên địa bàn các xã có 94 trang trại, gia trại; trong đó, có 9 trang trại chăn nuôi, còn lại là trang trại, gia trại tổng hợp; một số trang trại đã đầu tư chăn nuôi lớn như trang trại gà ở Hoằng Đại, Hoằng Quang, Quảng Thành quy mô từ 15.000 - 20.000 gà sinh sản. Sản xuất thủy sản tăng trưởng ổn định, tổng diện tích nuôi trồng 395 ha, trong đó có gần 100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ.

Những năm gần đây, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được thành phốtập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2012 - 2019 tăng 13,4%. Đối với các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện nay đang phát triển tốt: Sản phẩm gạch không nung, gạch ốp lát, bia, thức ăn chăn nuôi, nước nắm, may mặc, giày da, sản phẩm bánh đa nem các loại... Ngành dịch vụ - thương mại phát triển nhanh cả về quy mô, loại hình. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 150 khách sạn và nhà nghỉ với tổng số 1.530 phòng (có 45 cơ sở đã được xếp hạng), cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Giai đoạn 2016 - 2018, đã đón 4.750 nghìn lượt khách quốc tế và nội địa.

Kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người 17 xã xây dựng NTM đạt 43,6 triệu đồng/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2012, cao hơn 1,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người khu nông thôn của tỉnh Thanh Hóa (đạt 37,6 triệu đồng/năm). Về tỷ lệ hộ nghèo, năm 2012, sau khi sáp nhập các xã của 4 huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Thiệu Hóa, hộ nghèo của thành phố tăng lên 4.611 hộ (tương đương tỉ lệ 5,3%). Đến 30/6/2019, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn thành phố là 0,9% (900 hộ) giảm 4,4% so với năm 2012, giảm 1,93% so với đầu năm 2016, đứng đầu toàn tỉnh về công tác giảm nghèo.

7 năm xây dựng NTM, quy mô, chất lượng giáo dục - đào tạo của TP Thanh Hóa không ngừng được nâng cao; chất lượng giáo dục luôn nằm trong tốp đầu của toàn tỉnh. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ theo quy mô lên phường và ngày càng hoàn thiện; giao thông, thủy lợi đáp ứng yêu cầu đi lại thuận tiện và thuận lợi cho sản xuất. Khi triển khai thực hiện xây dựng NTM, hệ thống giao thông nông thôn của thành phố chưa đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất, dân sinh cũng như tiêu chí NTM; tỷ lệ đường giao thông thôn xóm được kiên cố hóa (bê tông hóa) đạt tỷ lệ thấp chủ yếu là đường đất, đá cấp phối, nhiều tuyến đường bị ngập úng vào mùa mưa; đường trục nội đồng chủ yếu là đường đất; nền và mặt đường nhỏ, hẹp. Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã cơ bản đã được kiên cố hóa đảm bảo theo tiêu chí NTM; cụ thể 85,6km/85,6km đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn; đảm bảo ô tô đi lại quanh năm; đạt 100%; 106,4km/111km đường thôn, trục thôn được bê tông hóa đạt chuẩn...

Trong những năm qua, các hoạt động văn hóa, thông tin và tuyên truyền có nhiều đổi mới, đa dạng về hình thức, chất lượng không ngừng được nâng cao. Đến nay, 17/17 xã đã được công nhận “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; 100% các thôn thực hiện tốt hương ước, quy ước, 83,09% hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”.

Công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm đẩy mạnh. Trên địa bàn thành phố hiện có 94 di tích lịch sử văn hóa. Thời gian qua, TP Thanh Hóa đã trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp 27 di tích với tổng kinh phí 96,386 tỷ đồng.

Những năm qua, TP Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp, các ngành, đáp ứng yêu cầu thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ. Đến hết năm 2018, ở 17 xã thực hiện xây dựng NTM có 350 cán bộ, công chức đảm bảo đầy đủ trình độ chuyên môn và lý luận chính trị phục vụ công tác, 100% đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ.

Đối với tình hình ANTT trên địa bàn 17 xã nói riêng và thành phố nói chung luôn được giữ vững ổn định, không có điểm nóng, không xảy ra đột xuất, bất ngờ, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ xã, thôn, xóm, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT ngày càng cao (năm 2018: 112/119 thôn, đạt 94,1%; 102/107 cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, đạt 95,3%; 17/17 xã, đạt 100% tiêu chuẩn an toàn về ANTT).

“Mục tiêu đến năm 2020 và những năm tiếp theo, TP Thanh Hóa phấn đấu có 13/17 xã lên phường, có 1 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng caovào năm 2020; 3 xã hoàn thành NTM nâng cao vào năm 2022. Từng bước nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân, phấn đấu đến hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 115 triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người ở các xã là: 49,3 triệu đồng/người/năm”, ông Lê Anh Xuân, Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cho biết.

Hương Anh


Hương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]