(vhds.baothanhhoa.vn) - Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Triệu Sơn: Nhìn lại 10 năm thực hiện đào tạo nghề lao động nông thôn

Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt so với mục tiêu kế hoạch, chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần giúp cho hàng ngàn lao động được chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề...

Đào tạo nghề may cho lao động nông thôn tại Trung tâm GDNN-GDTX Triệu Sơn.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã và đang trở thành một nhiệm vụ hết sức quan trọng, không những trước mắt mà còn cả về lâu dài. Nhiệm vụ này cũng đã được xác định trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng bộ huyện. Từ đó nhiều địa phương trong huyện đã tập trung triển khai, nỗ lực thực hiện bằng mọi nguồn lực để công tác này đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Việc đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên về cơ bản đã đi vào nền nếp, có hiệu quả.

Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, thu nhập cao. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Triệu Sơn cho biết: Kết quả đào tạo nghề hàng năm đều vượt so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Có tới 80% các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, thị trấn cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người học. Dạy nghề đã bước đầu gắn kết với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp như nghề may công nghiệp, điện dân dụng, xây dựng, trồng rau sạch, nghề tiểu thủ công nghiệp. Nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện.

Đến nay, tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề trên địa bàn huyện Triệu Sơn là gần 33 nghìn người; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo khoảng 85%; số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg đã học xong 2.775 lao động, có việc làm sau học nghề là 2.633 người.

Thực tế, với những kết quả này đã góp phần tích cực trong thực hiện tiêu chí số 14.3 về “Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo” trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, trên địa bàn huyện đã có 100% số xã đạt tiêu chí này. Hiện trên địa bàn huyện Triệu Sơn có hơn 120 doanh nghiệp, trong đó có 6 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may mặc, giày da, đào tạo và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 nghìn lao động. Các nghề, làng nghề truyền thống cũng đã dạy nghề và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động như làng nghề nón lá, tăm hương... Từ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Những kết quả này là một bài toán so sánh có giá trị khi từ năm 2017 trở về trước, trên đất Triệu Sơn, việc đào tạo nghề dường như không có nhiều thành công, thường cho hiệu quả thấp. Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội: Lúc bấy giờ, việc học nghề chỉ chọn đối tượng, giới thiệu đối tượng để cho đi học nên không đạt hiệu quả. Trong khi đó, tất cả các sản phẩm làm ra đều phụ thuộc vào doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không quay về thu mua sản phẩm thì hàng sẽ không xuất được và như vậy người lao động sẽ không có lương. Trong những năm gần đây, nhu cầu đào tạo nghề ở địa phương phải căn cứ vào nhu cầu nghề của thị trường, cần thì mới đào tạo và đào tạo đến đâu giải quyết việc làm đến đó. Đây chính là yếu tố tạo nên thành công trong đào tạo nghề ở Triệu Sơn.

Qua thực tiễn cho thấy, địa phương nào mà cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân hiểu rõ vai trò của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập thì công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở địa phương đó được thực hiện tốt và ngược lại.

Ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết: Muốn thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân thì mỗi UBND xã phải là trung tâm, điều tra và khảo sát đúng nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo. Qua 10 năm thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Triệu Sơn ngày càng được nâng cao. Huyện tiếp tục tạo điều kiện cho người lao động được tiếp cận, lựa chọn ngành nghề và tham gia học nghề theo nhu cầu của người học, nhu cầu thị trường lao động, phấn đấu trong năm 2020 nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 75%. Hiện nay nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện là rất lớn, vì vậy huyện cũng đề nghị tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội của huyện Triệu Sơn.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]