(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 04 - PV) chính là “đòn bẩy” trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04, đến nay nạn thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh từng bước được đẩy lùi, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng chọn mua các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về một nghị quyết bảo vệ giống nòi

Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 04 - PV) chính là “đòn bẩy” trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04, đến nay nạn thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh từng bước được đẩy lùi, người tiêu dùng ngày càng tin tưởng chọn mua các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.

Hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Những đổi thay tích cực trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa có lẽ là minh chứng chắc chắn nhất cho thành tựu trong công tác đảm bảo ATTP. Đến nay, Thanh Hóa đã xây dựng được 783 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 362.600 tấn sản phẩm thực phẩm các loại, trong đó có 2,2 triệu lít nước mắm, 7,5 triệu quả trứng gia cầm; diện tích trồng rau an toàn tăng... Hầu hết các mô hình trong nông nghiệp đều áp dụng tiến bộ khoa học, một số mô hình theo hình thức nông nghiệp công nghệ cao. Thanh Hóa cũng phát triển thành công nhiều nông sản đặc trưng vùng. Ngoài ra, đã xây dựng 1.502 mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo ATTP; 66 chợ được đánh giá, chứng nhận hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017; 305 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; 757 bếp ăn tập thể đáp ứng các quy định về ATTP, có 619 bếp ăn tập thể được công nhận đảm bảo ATTP... Bên cạnh đó, công tác xây dựng xã, phường ATTP được đẩy mạnh, với 63 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định công nhận. Trong đó, huyện Đông Sơn có 15/15 xã, huyện Vĩnh Lộc có 16/16 xã được công nhận đạt tiêu chí này.

Trong năm 2019, công tác quản lý, bảo đảm ATTP tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp phù hợp, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Đã triển khai mạnh mẽ cơ chế quản lý theo chuỗi, chuyển mạnh sang hậu kiểm, quản lý dựa trên phân tích nguy cơ. Trách nhiệm quản lý của ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương được phân định rõ ràng. Hoạt động thông tin, tuyên truyền về ATTP ngày càng đi vào nền nếp, được nhân dân quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, xử lý vi phạm nghiêm minh hơn. Trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm được đề cao. Hoạt động sản xuất sạch, phân phối sản phẩm thực phẩm sạch gắn với ứng dụng công nghệ, quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, truy xuất nguồn gốc tiếp tục phát triển mạnh.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thanh Hóa kiểm tra thực phẩm đồ uống.

Thực hiện Nghị quyết 04, nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo, phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, như huyện Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa... đều là những địa phương có xã đạt ATTP cao.

Để tăng cường công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, góp phần bảo đảm vệ sinh ATTP, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và Thủy sản Thanh Hóa đã thực hiện nhiều nội dung, trong đó trọng tâm là việc thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật ATTP. Hoạt động thanh tra ngày một chuẩn hoá, tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, buôn bán, kinh doanh nông lâm thủy sản. Việc thanh kiểm tra được phối hợp, thực hiện có hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong đó có thanh tra liên ngành, chuyên ngành. Nhờ đó, việc vi phạm các quy định về ATTP trên địa bàn tỉnh về nông lâm sản và thủy sản đã giảm dần theo từng năm.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra và lấy mẫu các loại nông, lâm, thủy sản được thực hiện thường xuyên và quyết liệt, xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố mất ATTP. Nhờ đó, công tác quản lý Nhà nước về ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức về đảm bảo ATTP của các ngành, các cấp và cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được nâng lên một bước. Phần lớn các mô hình sản suất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ vì vậy sản phẩm đạt ATTP chiếm tỷ lệ cao. Đồng thời, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc không sử dụng chất cấm, hạn chế sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm.

Thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Tham gia hoạt động nông nghiệp chưa lâu nhưng anh Trần Văn Tân, chủ Trang trại rau thủy canh Queen Farm tại xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, được nhiều người biết đến bởi sự trách nhiệm và mạo hiểm trong nông nghiệp. Anh là một trong những CEO tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đây là lĩnh vực mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên khi quyết tâm làm “người nông dân” thì phải là “người nông dân hiện đại trong thời đại 4.0”. Theo đó, anh Tân đi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là sự phối hợp, chuyển giao kỹ thuật với các chuyên gia Nhật Bản và Trung tâm chuyển giao công nghệ Tiền Giang. Anh Tân đầu tư xây dựng khu nhà lưới hiện đại trồng dưa Taki, rau thủy canh (2.500m2) và rau, củ, quả hữu cơ (4.500m2), cho lợi nhuận mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, anh Tân đang đầu tư thêm khoảng 3,7 ha nhà lưới tại huyện Nông Cống cũng để sản xuất rau, củ, quả. Đến nay, tất cả các sản phẩm nông nghiệp của Queen Farm sản xuất đều đã đạt chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc và được người tiêu dùng ưa chuộng, không những tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh, sản phẩm được phân phối đến thị trường Hà Nội, Ninh Bình... Queen Farm cũng đang tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu xây dựng thương hiệu GlobalGAP để xuất đi các thị trường nước ngoài khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc...

Trang trại rau thủy canh Queen Farm của anh Trần Văn Tân đang góp phần thay đổi nhận thức người tiêu dùng.

Anh Tân chia sẻ: “Cái quan trọng khi tôi muốn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao là thay đổi nhận thức của người tiêu dùng và cả người cung cấp. Thực phẩm an toàn không chỉ là sức khỏe mà là niềm hạnh phúc khi được tận hưởng niềm vui từ sự khỏe mạnh đó, và rau quả cũng giống như con người, cũng cần không khí sạch, nước sạch để sinh trưởng và phát triển tốt”.

“Theo thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, đến nay toàn tỉnh đã có 255.070 m2 nhà lưới, 9 dự án đầu tư vào chăn nuôi tập trung, bền vững có áp dụng công nghệ chuỗi khép kín, hơn 300 ha tôm thẻ chân trắng được sử dụng biện pháp thâm canh, ứng dụng công nghệ cao... Đây là động lực để tỉnh nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 32,7% và đến năm 2025 lên hơn 50% tổng giá trị sản”.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]