(vhds.baothanhhoa.vn) - Tháng 5 về trong những xúc cảm thật đặc biệt với người dân cả nước. Đó là khi, kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ - lãnh tụ - vị cha già vĩ đại của dân tộc đang đến thật gần. Với Thanh Hóa, sinh thời Người luôn dành tình cảm, sự quan tâm rất mực, bốn lần về thăm xứ Thanh là biết bao ân tình, kỳ vọng... Và những nơi Người từng đến giờ đây đã trở thành di tích in dấu. Trở về đền Cô Tiên (TP Sầm Sơn); di tích địa điểm lịch sử và danh thắng Rừng Thông (Đông Sơn); hay khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa)... ta lại lắng lòng tôn kính trong những câu chuyện kể về Người!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về nơi in dấu chân Người

Tháng 5 về trong những xúc cảm thật đặc biệt với người dân cả nước. Đó là khi, kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Bác Hồ - lãnh tụ - vị cha già vĩ đại của dân tộc đang đến thật gần. Với Thanh Hóa, sinh thời Người luôn dành tình cảm, sự quan tâm rất mực, bốn lần về thăm xứ Thanh là biết bao ân tình, kỳ vọng... Và những nơi Người từng đến giờ đây đã trở thành di tích in dấu. Trở về đền Cô Tiên (TP Sầm Sơn); di tích địa điểm lịch sử và danh thắng Rừng Thông (Đông Sơn); hay khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (TP Thanh Hóa)... ta lại lắng lòng tôn kính trong những câu chuyện kể về Người!

Rừng Thông in dấu chân Người

Cách TP Thanh Hóa khoảng hơn 5 km, Khu di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông nằm tĩnh lặng bên con đường 47 sầm uất. Có gì đó thật thân thương, bâng khuâng gợi nhắc kỷ niệm trong lòng kẻ hậu thế. Qua 252 bậc đá với sự đồng hành của người dẫn đường - chị Nguyễn Phương Thúy, nhân viên Trung tâm VHTT,TT&DL huyện Đông Sơn, câu chuyện về lần đầu tiên Bác về thăm Thanh Hóa và Bác chọn Rừng Thông được nhắc lại.

Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi phía Nam của Khu di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông.

Đông Sơn vốn là vùng đất cổ xưa với sự lắng đọng của lớp lớp trầm tích văn hóa, còn địa danh Rừng Thông thì mới hơn.Nơi đây xưa kia có tên là núi Viện Sơn (hay Phượng Lĩnh). Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho Tây đồn điền đến đây thầu trồng thông. Từ đó, nơi này được biết đến với tên gọi Rừng Thông.

Ngày 20/2/1947, chỉ hai tháng sau khi ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã quyết định về thăm Thanh Hóa. Và Rừng Thông đã được Người lựa chọn làm nơi gặp gỡ, làm việc với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa lúc bấy giờ. Tại đây, Bác nói về đạo đức người cán bộ cách mạng, đường lối cách mạng của Đảng, chủ trương kháng chiến của Đảng... Và tấm bia đá tại đài tưởng niệm Bác trên đỉnh núi còn khắc ghi: “Đối với nhân dân: phải nhớ, đoàn thể làm việc cho nhân dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lí của dân, học sáng kiến của dân, phải tôn kính dân. Phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục, phải được dân tin. Muốn cho dân tin, phải thanh khiết...”. Không đao to búa lớn, không răn dạy giáo điều. Chừng mực mà sâu sắc vô cùng. Đó là gì nếu không phải tâm, tầm của bậc lãnh tụ dốc lòng vì đất nước, nhân dân.

Việc Bác về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên khi cuộc kháng chiến toàn quốc vừa mới diễn ra cũng không phải sự ngẫu nhiên, đó thực sự là nhãn quan quân sự bậc thầy của Bác. Xứ Thanh đất rộng người đông, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi khởi phát của biết bao vương triều phong kiến trong lịch sử...đó chẳng phải là điều kiện lí tưởng để nếu cần, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành căn cứ cách mạng thứ hai. Nếu trong “Tuần lễ vàng” và “Quỹ độc lập”, toàn tỉnh Thanh Hóa đã ủng hộ 528 lạng vàng, 84 kg bạc, hàng chục tấn đồng thì trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, sức người, sức của mà hậu phương Thanh Hóa đóng góp cho tiền tuyến để làm nên một “Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giữa bạt ngàn thông reo của di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, lắng lại chút cảm xúc của lòng mình, ta như nghe được tiếng vọng của buổi nói chuyện lịch sử hơn 70 năm trước. Để một lần nữa, xin được tỏ lòng kính trọng và biết ơn với Bác Hồ, người đã dành trọn cuộc đời cho dân tộc Việt Nam!

Chuyện về Bác ở đền Cô Tiên

Năm 2020, tròn 60 năm Sầm Sơn đón Bác về thăm. Hôm nay, Sầm Sơn đã có biết bao đổi thay về diện mạo của một thành phố du lịch biển. Vậy nhưng, câu chuyện kể về Bác được những cư dân biển quây tụ dưới dãy núi Trường Lệ vẫn nhắc nhớ cho thế hệ hậu sinh.

Câu chuyện bắt đầu với lời kể của bác Phan Viết Quyển (67 tuổi): “Tôi được nghe bố mình là ông Phan Viết Dân (đã mất), Bí thư Chi bộ xóm Vinh Sơn xã Quảng Vinh khi ấy kể lại rằng, ông được lãnh đạo cấp trên thông báo có đoàn khách về thăm Sầm Sơn và nhờ mượn cho một nhà dân để ở. Người dân Sầm Sơn khi ấy, hoàn toàn không hề biết đã được đón Bác Hồ”.

Và trong lần thứ ba về với xứ Thanh, Bác Hồ cùng đồng chí cận vệ đã bí mật ra thăm đồng bào và nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn. Thay vì ở nhà khách Công đoàn, Người đã lên thẳng núi Trường Lệ, nơi có đền Cô Tiên và nghỉ ngơi tại đây. Trong bộ quần áo nâu giản dị, Bác sinh hoạt, ăn uống và làm việc với ngư dân như một người lao động bình thường. Bởi vậy, nào có ai biết, mình may mắn được gặp Bác Hồ.

Di tích đền Cô Tiên gắn với huyền tích về đôi vợ chồng nghèo được cụ già bí ẩn cứu giúp chữa bệnh từ nước lấy từ Vụng Tiên (phía dưới chân đền). Sau đó, trước khi rời đi, cụ già không chỉ dạy họ cách hái thuốc cứu người mà còn tặng cho chiếc tay nải che mưa và giỏ mây đựng thuốc. Vào một đêm mưa gió, hai vợ chồng lấy tay nải che mưa rồi ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy, họ thấy mình ở trong ngôi nhà khang trang lộng lẫy bên bờ biển. Về sau, người dân thấy đôi vợ chồng cùng dắt nhau lên đỉnh núi mà không trở về. Để tỏ lòng biết ơn, từ đấy, căn nhà gỗ trên hòn Đầu Voi được gọi tên là đền Cô Tiên. Hàng trăm năm qua, về cơ bản, đền vẫn giữ nguyên được kiến trúc vốn có. Không gian bên trong đền dù không khang trang, tiện lợi nhưng trong lần thứ ba về thăm Thanh Hóa, chắc hẳn Bác Hồ có lí do cho việc chọn đền Cô Tiên làm nơi nghỉ ngơi cho mình.

Đền Cô Tiên nơi Bác Hồ nghỉ ngơi trong lần thứ ba Bác về thăm Thanh Hóa.

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng di tích, bác Vũ Tiến Khả, người làm công tác thủ từ tại đền Cô Tiên suốt 20 năm qua chia sẻ ý kiến: Vua Bảo Đại nhà Nguyễn và chính quyền thực dân Pháp dù hơn 100 năm trước đã xem Sầm Sơn là địa điểm nghỉ dưỡng lí tưởng. Tuy nhiên, hệ thống di tích tại đây không được quan tâm đến nhiều. Vậy nhưng, vì sao khi Bác Hồ về với Sầm Sơn, Người lại chọn đền Cô Tiên - một địa điểm khá hoang vắng so với các vị trí khác tại Sầm Sơn làm chốn nghỉ chân? Bác nghỉ ngơi, tắm biển, kéo lưới, vào chơi với ngư dân mà không một ai biết. Có phải, dù là lãnh tụ, nhưng Bác luôn quan tâm, trăn trở đối với đời sống nhân dân!

Nói rồi vị thủ từ già dẫn chúng tôi xuống thăm khu vực bãi biển Vinh Sơn (nay thuộc phường Trường Sơn), nơi Bác Hồ kéo lưới với ngư dân xưa kia. Biển vẫn vậy, cứ ồn ào sóng vỗ như tự thuở hồng hoang. Ở đó, bên bờ biển lộng gió, có tấm bia đá khắc ghi địa điểm Bác Hồ về với Sầm Sơn trong những tháng năm lịch sử.

Và những di vật của Bác giữa lòng xứ Thanh

Bác đã đi xa, nhưng cuộc đời, nhân cách của Người với đất nước, nhân dân và dân tộc Việt Nam thì vẫn mãi được nhắc nhớ. Hậu thế hôm nay, mai sau vẫn luôn biết ơn Người. Với xứ Thanh, dù là địa điểm nơi Bác từng đến, bài báo Bác viết, kỷ vật Bác tặng, tất cả đều được giữ gìn nguyên vẹn. Một không gian văn hóa tâm linh Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng TP Thanh Hóa vẫn là nơi ghé thăm của đông đảo người dân Thanh Hóa mỗi khi nhớ Người.

Nằm trên tuyến phố sầm uất bậc nhất của đô thị TP Thanh Hóa, vậy nhưng chỉ bước qua cánh cửa Khu văn hóa tưởng niệm, cảm xúc đã khác. Tĩnh lặng, bình yên và linh thiêng. Giữa những ngày nắng hạ, chẳng ai bảo ai, vậy nhưng trên tay mỗi người dân khi “về với Bác” đều không thể thiếu những đóa sen hồng dâng Người. Chị Trịnh Thị Dung, nhân viên tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ cảm xúc: “Được “phụng sự” bên cạnh Bác thực sự là niềm vinh hạnh của những người trẻ như mình”.

Qua khuôn viên rộng lớn, bên trong nhà tưởng niệm là hơn 400 hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ và Thanh Hóa. Trong đó, đặc biệt nhất có lẽ là khi đứng trước những hiện vật mộc mạc, dung vị về cuộc đời Bác khiến lòng ta trào dâng niềm xúc động. Là đôi dép cao su, chiếc máy đánh chữ, chiếc gậy ba toong; chiếc bát ăn, chiếc đĩa, đôi đũa ăn cơm và bộ quần áo ngả màu giản dị... được sưu tầm từ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cuộc đời Người, cả một đời cống hiến, chẳng màng vinh hoa phú quý cho riêng mình, đến cả tình yêu bao la Bác cũng để lại cho nhân dân.

Trong bốn lần Bác về thăm Thanh Hóa, đã có 24 di tích và địa điểm di tích in dấu chân Người. Là đình Gia Miêu (xã Hà Long); khu di tích Lam Kinh; HTX Yên Trường; sân vận động tỉnh... ở những nơi đấy, đâu chỉ có niềm tự hào. Còn cả những câu chuyện kể về Bác cứ tiếp nối được kể lại, nhắc nhớ cho những thế hệ về cuộc đời cách mạng của lãnh tụ dân tộc. Và với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, dù là thời chiến hay thời bình vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác. Không ngừng nỗ lực, cố gắng để sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu theo lời dạy của Người trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]