(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Do khó khăn về kinh tế, bất chấp quy định nghiêm cấm trong việc bảo vệ rừng đặc dụng nhiều hộ dân đã phải vào rừng hái măng, hái nấm, rồi đến chặt cây lấy gỗ, săn bắn thú rừng…phó mặc tính mạng cho rừng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Viết tiếp bài ‘Hàng trăm hộ dân "kiện" rừng’: Nghèo nên phải vào rừng

(VH&ĐS) Do khó khăn về kinh tế, bất chấp quy định nghiêm cấm trong việc bảo vệ rừng đặc dụng nhiều hộ dân đã phải vào rừng hái măng, hái nấm, rồi đến chặt cây lấy gỗ, săn bắn thú rừng…phó mặc tính mạng cho rừng.

Khó cho cả hai phía

Chúng tôi tìm đến nhà anh Vi Văn Hải - thôn Xuân Đàm, xã Hóa Quỳ (Như Xuân), nhà anh Hải có một cái ao nuôi cá được đào, đắp trước khi VQG Bến En được thành lập. Ao cá trở thành một công trình thủy lợi phục vụ tưới nước cho đồng lúa của người dân. Cách đây không lâu một trận mưa lớn làm tràn nước vỡ bờ ao, sau đó anh Hải ra đắp lại bờ, kiểm lâm không cho đắp bởi lí do ao cá nhà anh Hải nằm trong phần đất thuộc vùng lõi rừng đặc dụng nên không được làm thay đổi hiện trạng vốn có.

Anh Hải tỏ ra bức xúc: “Như thế thì làm giàu sao được, đủ ăn là may lắm rồi. Dân đói nên mới phải vào rừng để lấy măng, hái nấm, có khi lấy cả gỗ rồi trở thành lâm tặc. Lấy măng, lấy nấm cũng chỉ theo mùa vụ, hết mùa lại thôi chả có việc gì để làm”.

Một lán trại của người dân bị kiểm lâm phá bỏ.

Vợ anh Hải, chị Lê Thị Tranh cũng bức xúc không kém: “Ngoài trồng sắn ra cũng không có nhiều việc để làm bởi thủy lợi phục vụ tưới tiêu không có. Nếu cấm thì cấm hẳn đi, di dân ra khỏi đây, cho định cư ở một nơi khác, ở lại phải có kế sách sinh nhai để sống, nếu như hiện tại thì lấy gì mà sống”.

Anh Nguyễn Văn Luận có vườn keo đến kỳ cho khai thác thu hoạch, nhưng kiểm lâm vẫn không cho chặt với lí do đó là cây trong vùng lõi của rừng cấm quốc gia nên không được chặt, nếu chặt sẽ tịch thu phương tiện và phạt tiền. Anh Luận chia sẻ: “Trước kia kiểm lâm cho trồng keo, tôi đã khai thác lần 1 mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013 tôi trồng lứa keo thứ 2 đến nay đã đến thời kỳ khai thác nhưng kiểm lâm không cho chặt bởi vườn keo nhà tôi giờ đã là cây rừng của VQG, muốn khai thác phải được VQG đồng ý”.

Vườn cây keo trồng đến thời cho thu hoạch cũng không được chặt bán.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Trọng Đại - Trạm Trưởng trạm Kiểm lâm Xuân Đàm, cho hay: “Chúng tôi cho lấy măng mang về phục vụ nhu cầu trong gia đình, nghiêm cấm các hoạt động lấy măng, nấm theo hình thức kinh doanh buôn bán trên thị trường, điều này đã có thông báo đến từng thôn. Chúng tôi cũng nghiêm cấm việc đưa xe máy vào trong rừng để ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc lấy măng, rau củ để khai thác vận chuyển gỗ, thú rừng. Còn việc các hộ dân làm lều tạm bợ để che nắng che mưa, chúng tôi sẽ cho làm, nhưng nếu làm kiên cố, mang tính chất ở lâu dài, chúng tôi sẽ nghiêm cấm, bởi một hộ làm được, các hộ khác sẽ làm theo”.

Ông Phạm Văn Hùng - Phó Hạt trưởng hạt Kiểm lâm VQG Bến En cho rằng: “VQG không có thẩm quyền cho phép các hộ dân khai thác keo mà các hộ dân đã trồng trên đất vùnglõi của rừng đặc dụng. Nếu cho phép các hộ dân khai thác keo, chúng tôi lại vi phạm những quy định trong việc bảo vệ rừng đặc dụng. Việc phê duyệt cho phép khai thác keo thuộc thẩm quyền của lãnh đạo cấp trên”.

Được biết, Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng (ban hành năm 2013) sẽ hỗ trợ cho mỗi thôn vùng rừng đệm là 40 triệu đồng/năm. Ba năm qua các thôn trong vùng vẫn chưa nhận được đầy đủ số tiền hỗ trợ kể trên, như ông Phạm Văn Hùng - Phó Hạt trưởng hạt Kiểm lâm đã chia sẻ: “Chủ trương hỗ trợ 40 triệu đồng/năm cho các thôn vùng đệm là có nhưng vẫn chưa được thực hiện đầy đủ do thiếu kinh phí. Mỗi năm Nhà nước chỉ cấp kinh phí hỗ trợ cho 2 thôn, nên ba năm qua chúng tôi mới hỗ trợ được 6 thôn trong tổng số 34 thôn vùng rừng đệm của VQG”.

Cần có sự thay đổi

Gặp tại nhà riêng, ông Hà Văn Tiệp - Trưởng thôn Xuân Đàm đã phải thốt lên: “Làm gì cũng phải xin phép kiểm lâm. Tốt nhất là di dân đi chỗ khác, chứ ở lại bao nhiêu khổ bấy nhiêu, không có một thẩm quyền nào cả. Không cẩn thận là bị phạt. Đi ra khỏi nhà là bị kiểm lâm quản lý rồi”.

Người uy tín (Già làng) Lô Văn Thiệu, 65 tuổi thay lời cho các hộ dân vùng lõi rừng, mong muốn: “Cần nhanh chóng cấp quyền sử dụng đất lâu dài cho các hộ dân có được quyền tự quyết trên mảnh đất của mình để họ mở rộng các hình thức phát triển kinh tế, cứ như thế này thì khổ lắm. Chúng tôi cho dù được xã, huyện quan tâm, đã đầu tư cho chăn nuôi trâu, bò. Nhưng chăn nuôi cũng khó, bởi không có trang trại để chăn thả. Nếu trâu, bò không may chạy vào rừng sẽ bị bắt nhốt, phải mang tiền ra kiểm lâm nộp phạt chuộc về”.

Người uy tín (Già làng) Lô Văn Thiệu, 65 tuổi mong muốn Nhà nước cấp quyền sử dụng đất lâu dài cho các hộ dân.

Ông Nguyễn Trọng Đại - Trạm Trưởng trạm Kiểm lâm Xuân Đàm cho biết: “Quy định của rừng đặc dụng là không được chăn thả, nuôi trâu, bò, gia súc, gia cầm hay sinh vật ngoại lai trong đó, nên chúng tôi không thể làm sai. Luật bảo vệ rừng đặc dụng khá nghiêm ngặt, chúng tôi buộc phải chấp hành”.

Thiết nghĩ nguyện vọng của hàng trăm hộ dân sống trong vùng lõi rừng đặc dụng của VQG Bến En là chính đáng. Rất mong các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của các hộ dân, để các hộ dân có điều kiện để phát triển kinh tế bền vững, gắn liền với việc bảo vệ rừng.

Lô Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]