(vhds.baothanhhoa.vn) - Phải sống chui lủi với nỗi lo công an truy quét, đau ốm không dám đi bệnh viện, bị đánh đập, quỵt tiền lương, không giấy tờ nên chưa thể về nhà... là những nỗi trái ngang mà những người đang lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc phải gánh chịu. Thậm chí không ít người bỏ mạng vì tai nạn lao động, ốm đau, hoặc chết mà không rõ lý do...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vượt biên sang Trung Quốc lao động ‘chui’ - Thực trạng và hệ lụy (Kì 2): Khổ nhục và rủi ro

Phải sống chui lủi với nỗi lo công an truy quét, đau ốm không dám đi bệnh viện, bị đánh đập, quỵt tiền lương, không giấy tờ nên chưa thể về nhà... là những nỗi trái ngang mà những người đang lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc phải gánh chịu. Thậm chí không ít người bỏ mạng vì tai nạn lao động, ốm đau, hoặc chết mà không rõ lý do...

Quá nhiều rủi ro

Nỗi ám ảnh lớn nhất của lao động Việt nói chung và lao động Thanh Hóa tại Trung Quốc nói riêng chính là cảnh sát. Cũng dễ hiểu, vì họ đến lao động bằng con đường vượt biên trái phép. Do vậy, sự lưu trú ở đây là bất hợp pháp, công việc cũng không được pháp luật nước sở tại bảo hộ và thừa nhận.

Anh Đồng Văn Thanh, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc vừa trở về từ Trung Quốc trước Tết Nguyên đán 2018. Năm 2014, theo chân nhiều người dân xã Hưng Lộc khác, anh Thanh đưa vợ và con gái xuất cảnh đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Sau 3 năm bôn ba nơi đất khách quê người, anh phải đưa vợ con trở về bởi gặp phải nhiều rủi ro tại nước bạn.

Anh Thanh nhớ lại kí ức kinh hoàng, đó là vào năm 2015, con gái anh đã bị một nhóm người bắt cóc và đòi một khoản tiền chuộc lớn. Vì thân phận cư trú trái phép, không được pháp luật Trung Quốc bảo vệ nên gia đình anh buộc phải trả cho nhóm người trên 200 triệu đồng để đón con gái về.

Sau biến cố đó, gia đình suy sụp, 2 vợ chồng nóng lòng muốn trở về quê hương. Tháng 12/2017, anh Thanh quyết định đưa vợ và con gái rời Trung Quốc về quê, từ bỏ hẳn ý định quay trở lại đây lao động "chui".

Tương tự, những ngày lao động "chui" tại Trung Quốc đối với anh Nguyễn Văn Cường (huyện Hậu Lộc) là những ngày tháng đằng đẵng kinh hoàng. Không được học hành tử tế, học hết cấp 3, nghe bạn bè rủ rê, ăn tết xong anh Cường bỏ ra 4 triệu đồng để đưa cho “cò” dẫn đường làm mọi thủ tục qua Trung Quốc. Khi đến cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) anh được đưa lên thuyền, sau đó đi ô tô khoảng hơn nửa ngày đường thì đến chỗ làm việc tại một cơ sở làm đồ điện tử tư nhân, cũng có nhiều người Việt Nam. Sau này anh mới biết đó là tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

“Lương thì họ trả từ tháng thứ 4. 3 tháng đầu họ giữ lại nhằm đề phòng mình bỏ trốn. Cứ ngỡ công việc trót lọt, đến tháng thứ 7 thì cơ sở bất ngờ bị Công an Trung Quốc ập đến truy quét, tôi cùng một số anh em chạy thoát được thân. Ít ngày sau chúng tôi kéo nhau lại hỏi nốt số tiền lương 3 tháng đầu thì bị họ gọi điện báo Công an đến bắt. Chúng tôi bị ném lên xe đưa về nơi tạm giam ở Đông Hưng (giáp Móng Cái). 6 tháng giam giữ với nhiều trận đòn oan. Cũng may tháng 11/2017, người của Đại sứ quán Việt Nam đến bảo lãnh mới được trở về Việt Nam. Về nhà kể lại chuyện, vợ tôi chỉ biết ngồi khóc và cấm tôi không bao giờ sang bên đó nữa” - anh Cường nhớ lại.

Trong khi chờ trao trả về nước, nhiều lao động Việt Nam vượt biên trái phép đang được Công an phía Trung Quốc cấp bữa ăn trong trại tạm giam ở tỉnh Quảng Tây ngày 25/2/2018. (Ảnh: Người lao động cung cấp)

Không được quyền lựa chọn

Chiều, những cơn mưa xuân mỗi lúc thêm nặng hạt, chúng tôi tìm đến gia đình chị Hoàng Thị L. (33 tuổi, ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) người may mắn trở về sau khi bị Công an Trung Quốc bắt giữ hơn 3 tháng. Trong ngôi nhà nhỏ xập xệ nằm nép mình bên dãy Linh Trường, chị L. cho biết: “Chồng mất sớm do đi biển, một mình chị nuôi con gái nhỏ. Khi cháu được gần 2 tuổi thì chị gửi qua bên nhà bà ngoại, còn chị theo bạn bè qua Trung Quốc làm ăn.”

Với chị L. những tháng ngày đi làm việc bên Trung Quốc là những tháng ngày ê chề, khổ nhục. Chị nhớ lại: Trong 3 tháng làm việc quần quật không kể ngày đêm, nắng mưa, cuộc sống như ở địa ngục trần gian. Nhiều người ở xưởng có ý định rủ nhau trốn thì bị ông chủ đe dọa sẽ đánh chết nên mọi người không dám trốn. Giữa năm 2016, khi đang làm việc tại xưởng thì bất ngờ Cảnh sát Trung Quốc đến kiểm tra nên toàn bộ công nhân Việt Nam bị bắt vì không có giấy tờ. Từ lúc bị bắt và nhốt tại trại giam bên Trung Quốc, sau gần 4 tháng mới được thả về".

“Ngày nào tôi và mọi người cũng phải làm việc từ 7 giờ - 12 giờ trưa. Ăn xong lại làm từ 13 giờ đến trời tối mới được nghỉ. Bữa cơm chỉ có rau, thi thoảng có thêm ít thịt và chủ yếu là thịt ôi thiu. Vất vả nhưng hàng tháng không được nhận đủ lương, cả 3 tháng ông chủ trả 3,5 triệu đồng. Biết bị lừa nhưng không biết tiếng, lại không thạo đường nên không trốn được về” - chị L. sụt sùi trong nước mắt.

Do không có giấy tờ hợp pháp, phần lớn phải sống chui lủi để trốn tránh sự truy bắt của công an nước Trung Quốc, nên khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn rủi ro, người lao động Việt Nam hầu như không được hưởng chế độ gì. Như trường hợp của chị T. (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc) đến Trung Quốc làm lao động chui, làm được vài ba ngày thì bị sốt cao, không dám đi khám bệnh, hay ra ngoài đường mua thuốc.

"Ai cũng biết là sang đó phải sống chui lủi không thể lộ diện nên trước khi đi đều phải chuẩn bị từng viên thuốc ho mang theo đề phòng bệnh tật. Có ốm cũng không dám đến bệnh viện hay ra đường mua thuốc. Nếu bị nặng, muốn về nước thì cũng không biết đường nào mà về. Khi đấy lại nhờ môi giới luồn lách đưa về. Trừ khi gặp những người chủ tốt, họ giúp đỡ mình đi mua thuốc, thuê bác sĩ đến nơi làm việc khám cho mình" - chị T. cho biết thêm.

Không chỉ bị bóc lột sức lao động, bỏ đói, không được quan tâm khi ốm đau, nhiều người lao động bất hợp pháp còn đối mặt với những nguy hiểm như: đánh đập, cưỡng hiếp, dọa giết...

Vẫn biết xuất cảnh lao động trái phép giống như trò đánh bạc, nhưng có rất nhiều người dân “chân lấm tay bùn” vẫn tin vào những lời đường mật “cò mồi” với bản “hợp đồng miệng” thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Nhưng đến đất khách quê người, tiền không kiếm được, bị đánh đập thậm chí có người bỏ mạng oan... Nỗi đau này còn kéo dài đến bao giờ?

Doãn Tài


Doãn Tài

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]