(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nói đến Hoằng Quý (Hoằng Hóa) người ta lại nhớ đến một vùng quê với truyền thống hiếu học và bề dày lịch sử nghìn năm. Và vùng quê ấy, đang chuyển mình đầy khởi sắc trên chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Hoằng Quý: Vùng quê giàu truyền thống

(VH&ĐS) Nói đến Hoằng Quý (Hoằng Hóa) người ta lại nhớ đến một vùng quê với truyền thống hiếu học và bề dày lịch sử nghìn năm. Và vùng quê ấy, đang chuyển mình đầy khởi sắc trên chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM).

Từ vùng quê giàu truyền thống văn hóa

Nằm bên Quốc lộ 1A dẫu ồn ã, nhưng bước qua cánh cổng làng Phú Khê (Hoằng Quý), một cảm giác thật khác lạ. Vẫn nhịp sôi động của cuộc sống hiện đại nhưng phảng phất ở đó là yên ả khiến con người có cảm giác thật bình yên. Mảnh đất này, xưa kia vẫn nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa cử khắp một vùng tây bắc huyện Hoằng Hóa. Truyền thống ấy, ăn sâu vào cách nghĩ, nếp sống, trở thành nét văn hóa dung dưỡng những con người được sinh ra từ làng.

Không chỉ đến khi bắt tay vào xây dựng NTM, ngay từ trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Quý đã luôn coi trọng giáo dục, xem giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”. Bởi vậy, việc chăm lo đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo việc dạy và học của các nhà trường luôn được chú trọng. Đến nay cơ sở vật chất của các nhà trường về cơ bản đã được hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu dạy và học. 100% trường học các cấp trên địa bàn xã có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, trong đó trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn mức độ 2. Vì thế, giáo dục các cấp xã Hoằng Quý luôn khẳng định được vị trí tốp đầu trong giáo dục huyện nhà. Đặc biệt hàng năm, giáo dục mũi nhọn của xã luôn đóng góp đáng kể vào thành tích của ngành Giáo dục huyện Hoằng Hóa. Tỉ lệ học sinh theo học THPT, bổ túc và học nghề hàng năm luôn được duy trì trên 95%. Từ đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo của xã luôn được đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu của công việc các ngành nghề.

Về Hoằng Quý, du khách được đắm mình trong không gian văn hóa truyền thống. Đó là ngôi chùa Bảo Phúc linh thiêng, cổ kính có lịch sử nghìn năm tuổi. Tương truyền, chùa Bảo Phúc có tự bao giờ chẳng ai biết chắc, nhưng sự linh thiêng của di tích vang khắp chốn. Một người họ Chu vốn người phương Bắc đến lập nghiệp ở đất Nam, lập gia đình mà mãi chưa có con. Như một phép nhiệm mầu, sau khi đến chùa Bảo Phúc trở về ít lâu thì vợ ông mang song thai và sinh ra hai người con trai. Khi hai con khôn lớn, người họ Chu xuôi theo dòng nước, đưa con về lại Bảo Phúc tự bái tạ. Tuy nhiên, giữa đường đi, cơn cuồng phong thịnh nộ đã nhấn chìm chiếc thuyền chở 3 cha con, chỉ còn người cha may mắn thoát nạn, hai người con theo con nước trôi về trước chùa Bảo Phúc thì dừng lại. Cảm thương hai chàng trai trẻ, nhân dân trong làng chung sức chôn cất, xây mộ tử tế ngay cạnh chùa.

Vào thời nhà Lý, đích thân nhà vua ra trận dẹp giặc Ai Lao. Lần ấy qua đất Phú Khê, trước khí thế giặc mạnh vô cùng, nhà vua loay hoay chưa thể tiến thoái thì đêm đến bỗng được hai người con trai mặt mũi giống thiên thần báo mộng sẽ nguyện giúp nhà vua “âm phù linh trợ” diệt giặc. Ngay ngày hôm sau trong lúc xung trận, giữa khí thế giặc như chẻ tre thì bỗng đâu mây đen giăng kín bầu trời tạo cơn cuồng phong dữ dội khiến quân giặc hoảng loạn bỏ chạy. Thừa thế xông lên, vua Lý cho quân truy quét giặc khỏi nước Nam.

Nhớ ơn hai vị thần hiển linh giúp đỡ, khi trở về nhà vua cho xây lăng hai vị thần cẩn thận, đồng thời ban bổ tiền để người dân quanh năm hương khói, phụng thờ.

Dẫu thời gian biến đổi cùng thăng trầm lịch sử hàng nghìn năm, đến nay chùa Bảo Phúc vẫn được người dân giữ gìn cẩn thận, chăm lo thờ tự. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa hiện nay, vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn lăng mộ hai vị thần phù trợ giúp vua Lý cùng một số sắc phong, chứng tích quý giá, là bảo vật vô giá được người dân trân quý.

Cổng làng Phú Khê (Hoằng Quý).

Đến những đổi thay trên đường xây dựng NTM

Phát huy truyền thống của vùng quê hiếu học, giàu truyền thống văn hóa. Trên con đường xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hoằng Quý luôn xác định NTM là sự nghiệp của sự chung sức, đồng lòng cùng một ý chí. Sự nghiệp ấy chỉ có thể đạt kết quả khi thống nhất ý chí của một tập thể vững mạnh cùng sự quyết tâm hướng đến những đổi thay để từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, làm nên diện mạo khang trang của một vùng quê vốn thuần nông.

Với phương châm cái dễ làm trước, khó làm sau. Tiêu chí nào thực hiện đem đến lợi ích ngay cho người dân thì được ưu tiên làm trước để từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với đó, trong quá trình xây dựng NTM, “dân chủ” được xác định là nguyên tắc số 1 trong mọi vấn đề ở Hoằng Quý, bởi vậy trên mọi bình diện, tiêu chí dù khó khăn vẫn luôn được người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Dù là xã thuần nông song với lợi thế có đường quốc lộ 1A chạy qua cùng vị trí trung tâm của xã khu vực tây bắc huyện Hoằng Hóa, trong quá trình xây dựng NTM xã Hoằng Quý đã nhanh chóng tận dụng lợi thế sẵn có để từng bước chuyển dịch cơ cấu ngành nghề theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỉ trọng của nông nghiệp. Nhờ làm tốt việc chuyển dịch cơ cấu ngành, đến nay thương mại, dịch vụ của địa phương đã chiếm 35%; cùng với đó công nghiệp, tiểu thủ, xây dựng cơ bản tăng lên 43% và nông nghiệp chỉ còn 22%.Nếu năm 2014, thu nhập bình quân đầu người trong xã mới đạt 19,5 triệu đồng/ người/ năm thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên bình quân 31,3 triệu đồng/ người/ năm. Từ kết quả đó, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã cũng giảm xuống nhanh chóng, đến nay tỉ lệ hộ nghèo đa chiều trong toàn xã chỉ còn 62/1.266 hộ, chiếm tỉ lệ 4,9%.

Trên cơ sở tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, các tiêu chí về cơ sở vật chất nhà ở, giao thông đi lại cũng từ đó mà thay đổi. Đến nay, hệ thống đường giao thông trong toàn xã đã 100% được bê tông hóa phong quang, sạch sẽ. Tất cả các hộ gia đình đều có nhà ở, trong đó nhà tạm, nhà dột đã hoàn toàn xóa sổ.

Sau 5 năm chính thức bắt tay vào xây dựng NTM, những kết quả hiện hữu trên chặng đường xây dựng NTM là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của một tập thể vững mạnh. Dẫu vậy, chưa bao giờ tự bằng lòng với kết quả đạt được. Bởi địa phương luôn xác định, NTM không phải là đích đến mà đó là chặng đường dài để phấn đấu, lao động học tập không ngừng nghỉ và mục đích cuối cùng phải là sự no đủ, hạnh phúc của đời sống nhân dân.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]