(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước khi tôi quyết định ngược ngàn lên với mảnh đất vùng biên, vùng lũ huyện Mường Lát, Quan Hóa... những ngày chạm Tết Nguyên đán 2019. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Tôi mong, những gì đau thương, mất mát mà bà con dân bản đã phải hứng chịu hồi cuối tháng 8 vừa qua, sớm nguôi ngoai. Mong cho những căn nhà đổ sập được thay thế mới. Hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng đã được tu sửa dẫn nước vào đồng ruộng cho bà con sản xuất... Và cuối cùng, tôi mong tết này bà con không ai phải mất tết. Họ vẫn vang vui bên những điệu nhạc, tiếng khèn!...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuân trên vùng đất lũ!

Trước khi tôi quyết định ngược ngàn lên với mảnh đất vùng biên, vùng lũ huyện Mường Lát, Quan Hóa... những ngày chạm Tết Nguyên đán 2019. Tôi đã cầu nguyện rất nhiều. Tôi mong, những gì đau thương, mất mát mà bà con dân bản đã phải hứng chịu hồi cuối tháng 8 vừa qua, sớm nguôi ngoai. Mong cho những căn nhà đổ sập được thay thế mới. Hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng đã được tu sửa dẫn nước vào đồng ruộng cho bà con sản xuất... Và cuối cùng, tôi mong tết này bà con không ai phải mất tết. Họ vẫn vang vui bên những điệu nhạc, tiếng khèn!...

Mờ sáng vùng biên, trong cái lạnh se sắt, sương sớm đổ bạc mái đầu, tôi cùng đồng nghiệp trên chiếc xe Win ngược đèo lên các điểm tái định cư (TĐC) mới tại bản Pọong (xã Tam Chung), bản Chiềng Nà (xã Mường Chanh) và bản Qua (xã Quang Chiểu) huyện Mường Lát. Đi cùng chúng tôi còn có Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Hà Văn Chiến tay lái cứng dẫn đường. Ông Chiến là người bản địa, gốc Thái nên chuyến đi hôm đó, việc giao tiếp nói chuyện tâm tư của chúng tôi cùng bà con (những người chỉ biết nói tiếng bản địa) trở nênthuận lợi.

Con đường dẫn vào bản vẫn rất khó đi. Những di chứng đau thương sau lũ dữ vẫn hằn nguyên với những đống đổ nát chưa thể dọn dẹp. Và có lẽ, cũng chỉ có chiếc xe Win của chúng tôi mới đủ khả năng chinh phục con đường. Đi qua bản Pọng, nơi có tới hơn 30 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, giờ chỉ còn là bãi đất vắng. Không còn ai dám ở lại vì sợ lũ dữ tiếp tục ghé thăm.

Vậy nhưng, khi chúng tôi đặt chân đến khu TĐC mới của bản thì khung cảnh nhộn nhịp thấy rõ. Bà con dân bản đang tập trung kéo gỗ, mua sắm vật liệu để cất dựng nhà cửa. Dọc hai bên tuyến đường là những túp lều dựng tạm, trẻ con nô đùa lấm lem... Trên từng gương mặt chàng trai, cô gái Thái, Mông nhễ nhại mồ hôi là nụ cười, tiếng nói rôm rã như không hề có sự mệt nhọc. Ai cũng tất bật, nỗ lực để xong nhà sớm trước tết. Khung cảnh đó như phần nào xóa nhòa đi nỗi đau thương họ từng phải gánh chịu sau trận lũ lịch sử.

Người dân chuyển đến khu tái định cư đang chuẩn bị cất dựng nhà cửa để đón tết.

Một giọng thanh niên bản dõng dạc, “các anh cố gắng tập trung xong sớm cho bà con có đất dựng nhà. Tết đến nơi rồi! Còn vài hộ nữa thôi!”. Tôi nghi ngờ hỏi đó có phải là trưởng bản Pọong?! Giám đốc Chiến trả lời: “Phải rồi, đó là trưởng bản Lò Quốc Tính. Anh là người hùng có công đi gõ cửa hơn 400 hộ dân kịp chạy lũ trong đêm”. Như bản năng phản xạ nghề nghiệp, tôi chạy tới bắt chuyện: “Có đất mới, nhà mới chắc bà con vui lắm trưởng bản nhỉ!”.Trưởng bản Tính hồ hởi: “Hẳn rồi nhà báo. Nhưng để bà con chịu từ bỏ mảnh đất bao đời để lên khu TĐC mới cũng không dễ. Mọi người đã quen với tập tục sống cạnh những con suối, bờ khe rồi. Lên khu TĐC phải đi lấy nước xa, điện cũng chưa có... bà con không quen, không chịu!”. Vậy cuối cùng cách gì khiến bà con nghe?! – tôi hỏi tiếp.“Mình phải vận động mãi, thuyết phục, minh chứng bằng con lũ dữ vừa rồi làm chết người, mất nhà và dọa là nó lại sẽ tới nay mai thì bà con mới nghe theo”, trưởng bản Tính cười.

Trưởng bản Lò Quốc Tính (ngoài cùng bên trái) đang vận động bà con dân bản chuyển đến khu TĐC mới an toàn hơn.

Đưa mắt quan sát một lượt địa thế của khu TĐC nơi mà tôi đang đứng, tôi hỏi giám đốc Chiến, “vị trí TĐC mới hẳn là an toàn chứ giám đốc?!”. Ông nói: “An toàn chứ! Không an toàn sao chúng tôi dám chọn cho bà con ở. Tuy nhiên, an toàn không tuyệt đối! Ở mảnh đất vùng biên này thì không có nơi nào là an toàn tuyệt đối, nơi nào cũng có thể xảy ra sạt lở. Có chăng mình hạn chế, mình tránh những nơi gần suối, gần những vị trí có nguy cơ tai họa cao”.

Theo ông Chiến thông tin: Khu TĐC tại bản Poọng có tổng diện tích quy hoạch là 2,7ha. Chia làm 2 điểm TĐC cho 63 hộ dân, trong đó có 34 hộ nhà cửa bị cuốn trôi hoàn toàn. Còn lại là số hộ trong diện phải di dời khẩn cấp. Trung bình diện tích mỗi lô 150m2. Tại bản Qua, xã Quang Chiểu, tổng diện tích khu TĐC là 1,58ha dành cho 33 hộ; bản Na Chừa (xã Mường Chanh) là 1,73ha chia làm 5 điểm dành cho 69 hộ. Hiện tại các mặt bằng đều đã xong, giao cho xã tổ chức cho bà con bốc thăm phân lô để cất dựng nhà cửa. Không chỉ bản Poọng mà các điểm TĐC khác bà còn cũng đang tất bật, chuẩn bị vào nhà mới.

Mải mê hỏi chuyện cho tới khi đâu đó những câu hát Khặp Thái ngân nga vọng tới, tất cả im lặng rồi bị cuốn theo lúc nào không hay. Chị Hà Thị Đượng vợ anh Hà Thanh Tâm vừa bồng con nhỏ, vừa phụ chồng đóng nốt mấy mảng tôn còn lại trên mái sàn vui mà hát là thủ phạm với giọng hát ngọt như rót mật vào tai. Tôi hỏi “Nhà chị Đượng hôm nào tân gia?”. Chị Đượng ngoái nhìn tò mò trả lời: “Nhà Đượng tết Nguyên Đán tân gia luôn. Mời mọi người đến chung vui nhé!”.

Nhà chị Đượng có 5 khẩu, 3 sào ruộng, trước khi lũ cuốn trôi nhà còn có trâu, có bò, có lợn gà và cả thóc lúa... Chị nhắc lại đêm lũ với giọng buồn rầu: “Bà con bản Poọng chưa bao giờ thấy lũ dữ và sạt lở kinh hoàng như vậy! Cứ nghĩ tất cả bà con đã bị con “ma lũ” nó bắt rồi chứ.”. Tết này, nhà chị Đượng sẽ ấm cúng hơn vì có cái nhà mới vững chãi, có gạo của chính phủ, và nhiều bánh kẹo từ các tổ chức thiện nguyện. Chị Đượng bảo, chị chỉ lo sau tết, hết gạo, không biết đồng ruộng đã có nước để cấy lúa mới được chưa?

Trưởng bản Tính thông tin cho chúng tôi biết, mỗi hộ mất nhà sẽ được hỗ trợ 75 triệu đồng theo Nghị định 136. Về nông nghiệp thì được hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các hộ còn được hỗ trợ riêng, trực tiếp từ các tổ chức từ thiện. Về cơ bản, đủ đểcác hộ cất dựng nhà cửa, cũng như đảm bảo lương thực, thực phẩm trong tết. “Hy vọng, ra tết hệ thống kênh mương thủy lợi sẽ được khắc phục để bà con tái sản xuất. Đối với diện tích đất lúa bị vùi lấp chưa thể cải tạo thì huyện có chủ trương cho bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang ngô, sắn... về giống thì đã được trung ương hỗ trợ”.

Gạo Chính phủ về hỗ trợ bà con ăn tết no đầy.

Tiếp tục ngược ngàn lên bản Qua, bản Na Chừa, trước mắt chúng tôi là hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ đang nhộn nhịp giúp bà con dân bản dựng nhà, dựng cửa. Tất cả đang nỗ lực theo chủ trương cũng như chỉ đạo từ huyện, tỉnh đó là “Tết này tất cả bà con phải có nhà để ở”. Tôi cố gắng hỏi xem các hộ đã sắm sửa được gì cho tết thì chưa hộ nào có gì cả, họ đang lo cho cái nhà. Nói như trưởng bản Tính thì: “Tết này những nhà nào còn lợn, còn gà sống sót sau lũ sẽ góp chung làm thịt cả bản ăn tết cùng”.

Cùng chung khí thế, sự tất bật như người dân huyện Mường Lát, tại huyện vùng biên Quan Hóa công tác khắc phục sau lũ, cất dựng nhà cửa để bà con dân bản đón tết cũng đang được triển khai một cách rốt ráo. Sau đợt lũ vào cuối tháng 8/2018, huyện Quan Hóa có 858 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó, 157 nhà dân bị sập, bị cuốn trôi hoàn toàn; gần 700 nhà bị hư hỏng, có 360 hộ phải di dời khẩn cấp. Đến nay, ngoài mục tiêu không để hộ dân nào thiếu đói, huyện Quan Hóa còn khẩn trương chỉ đạo, đôn đốc việc hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại về nhà ở. Huyện đã tiến hành san lấp và hoàn thành 6 điểm mặt bằng TĐC để bố trí cho trên 200 hộ dân ở các xã Trung Sơn, Trung Thành...

Những con số dữ liệu, những nỗ lực trước ngày Tết Nguyên đán cận kề phần nào khiến người viết cũng thấy vui hơn.Trước khi chia tay Mường Lát, Chủ tịch UBND huyện Cao Văn Cường chào tôi bằng cái xiết tay thật chặt và bộc bạch: “Tết này bà con vùng biên chúng tôi so với những tết trước không to, không được no đầy bằng, nhưng tất cả bà con đều vui vẻ, bà con “ấm cái bụng” nhờ sự sẻ chia của cộng đồng. Còn chúng tôi, những người lãnh đạo phải có nhiệm vụ cố gắng huy động mọi lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ, lo cho bà con có nhà để ở, đón tết!”.

Trên chuyến xe trở về phố thị, tôi tin rằng không lâu sau nữa hình ảnh một Mường Lát, Quan Hóa nói riêng sẽ sớm hồi sinh, những chồi xanh sẽ nảy lộc, đâm chồi nơi lũ đi qua; bà con sum vầy bên những đống lửa bập bùng, ngân lên lời ca, tiếng hát, điệu khèn... vui xuân!

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]