(vhds.baothanhhoa.vn) - Vụ 39 nạn nhân người Việt Nam chết trong xe container khi xuất cảnh trái phép sang Anh hãy còn là nỗi ám ảnh. Ngay tại Thanh Hóa, nhiều thanh niên từ các vùng quê nghèo vẫn bất chấp pháp luật sẵn sàng vượt biên trái phép để đến với “miền đất hứa”. Song, giấc mộng “đổi đời” không dễ thực hiện, nhiều người đã phải gánh trên vai một khoản nợ khổng lồ, thậm chí phải bỏ mạng nơi đất khách quê người...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất khẩu lao động và “giấc mơ” đổi đời còn dang dở

Vụ 39 nạn nhân người Việt Nam chết trong xe container khi xuất cảnh trái phép sang Anh hãy còn là nỗi ám ảnh. Ngay tại Thanh Hóa, nhiều thanh niên từ các vùng quê nghèo vẫn bất chấp pháp luật sẵn sàng vượt biên trái phép để đến với “miền đất hứa”. Song, giấc mộng “đổi đời” không dễ thực hiện, nhiều người đã phải gánh trên vai một khoản nợ khổng lồ, thậm chí phải bỏ mạng nơi đất khách quê người...

Bán mạng nơi xứ người

Mắt chị Nguyễn Thị Bình - vợ nạn nhân Đinh Văn Nguyên, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương - một trong 2 người Việt bị đánh tử vong tại Trung Quốc vẫn thâm quầng, người gầy tọp sau khi lo đám tang cho chồng. Hỏi về con đường đi xuất khẩu lao động trái phép, chị Bình nức nở cho biết, trước khi sang Trung Quốc, chị làm nghề buôn bán hoa quả và cá biển, dù chăm chỉ sáng bán hoa quả, chiều rong ruổi bán cá nhưng thu nhập chẳng được là bao. Năm 2018, anh chị quyết định vượt biên với ước mơ có được công việc ổn định, thu nhập cao. Định rằng khi có tiền anh chị sẽ trở về kinh doanh, buôn bán và lo cho con cái. Đến đầu năm 2019, anh chị đã đưa con gái sang cùng.

Nói về lương, chị Bình cho rằng, cũng không khá hơn lao động trong nước. Trong khi đó, lao động rất vất vả, tăng ca nhiều giờ với điều kiện khắc nghiệt. Ở nơi lao động của gia đình chị có rất nhiều người Việt. Với chị cũng như những mảnh đời khác, giấc mơ về đổi đời, thoát nghèo giờ đây đã trở thành nỗi ám ảnh. Chị thừa nhận: Sang Trung Quốc là quyết định sai lầm nhất đối với gia đình tôi. Nợ nần vẫn chưa trả được mà giờ tôi mất bố, mất cả chồng...

Còn với ông Hoàng Trọng Dũng, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương thì sự ra đi của con trai ông là anh Hoàng Văn Trọng thật quá bàng hoàng, xót xa. Ông Dũng cho biết, vợ chồng con trai không có công ăn việc làm ổn định nên tháng 2/2019, vợ chồng có nói với gia đình là muốn lên đường đi làm ăn. “Nghe con nói muốn đi làm để có thể lo cho cuộc sống, tôi mừng thầm. Đi được mấy ngày, chúng gọi điện báo cả hai vợ chồng đang làm ở Hải Phòng. Tôi không biết con tôi sang Trung Quốc lao động trái phép bao giờ. Rồi mới đây, gia đình tôi nhận tin con đã chết trong một vụ ẩu đả với nhóm người Việt ở Trung Quốc”.

Đến giờ con dâu ông Dũng vẫn chưa thể về nước. Chị cũng không thể về chịu tang chồng vì chị đã bị bắt giữ sau khi cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện là lao động trái phép. Phải 2 tháng sau khi bị bắt, chị mới được trục xuất về nước.

Và những con số biết nói

“Mốt” xuất khẩu lao động “chui” tại những miền quê nghèo xứ Thanh không chỉ có ở Quảng Xương mà tại nhiều vùng biển như Hậu Lộc, Tĩnh Gia... số lượng lao động chui cũng không ít. Hệ lụy đã khiến cho nhiều người ra đi không trở lại, giấc mộng “đổi đời” không bao giờ thành hiện thực.

Tìm hiểu của phóng viên, tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc ở xã Quảng Nham, Quảng Thạch (huyện Quảng Xương) nói riêng đã diễn ra từ những năm 2011. Thời điểm nở rộ, có hàng trăm lao động ở đây sang Trung Quốc làm “chui”. Hiện tại xã Quảng Thạch còn khoảng hơn 20 người và Quảng Nham còn 43 người đang lao động bất hợp pháp bên Trung Quốc.

Thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có 3.448 người đang lao động bất hợp pháp ở nhiều nước. Riêng lao động trái phép bên Trung Quốc khoảng hơn 1.000 người, Hàn Quốc 1.164 người, Thái Lan 800 người, Lào 400 người... Một con số đáng báo động là trong số hàng nghìn người lao động bất hợp pháp tại nước ngoài thời gian qua, có 43 trường hợp chết, mất tích. Nhiều trường hợp bị bắt và xét xử ở nước ngoài. 2.751 trường hợp bị bắt, trục xuất và trao trả về nước.

Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức ngăn chặn 38 vụ với 382 người có ý định xuất cảnh đi lao động trái phép, phát hiện 108 đối tượng nghi vấn môi giới, tổ chức đưa người đi lao động trái phép, khởi tố 14 đối tượng về hành vi "tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái pháp luật".

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]