Cây cói từ bao đời không chỉ gắn liền với đời sống, mà còn trở thành biểu tượng cho mảnh đất và con người ở vùng đất ven biển Nga Sơn.
Trải qua bao biến thiên của lịch sử, cói Nga Sơn đã phải hứng chịu nhiều thăng trầm. Đã có thời điểm các sản phẩm từ cói gần như không còn chỗ đứng. Thế nhưng, người dân nơi đây vẫn không ngừng hi vọng tìm được thị trường lớn, ổn định với khát vọng làm giàu từ cây cói.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho diện tích trồng cói cũng như các sản phẩm cói, những năm qua, huyện Nga Sơn đã và đang vận động, khuyến khích các hộ dân áp dụng các biện pháp thâm canh để nâng cao năng suất cho diện tích trồng cói. Hiện toàn huyện có gần 800 ha cói, được trồng tại 8 xã, với năng suất bình quân đạt hơn 80 tạ/ha/vụ.
Nhờ được áp dụng những biện pháp thâm canh, kỹ thuật chăm sóc kỳ công cùng với đặc trưng từ thổ nhưỡng và khí hậu, nên cây cói Nga Sơn dài, dai và óng mượt.
Cây cói được người dân thu hoạch về để sản xuất ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng sử dụng trong nước và xuất khẩu.
Cây cói được sử dụng để làm nên những chiếc chiều Nga Sơn nức tiếng gần xa.
Chính sự tỉ mỉ kết hợp với sự khéo léo và kỹ thuật điêu luyện được truyền từ bao đời của người làm nghề cói, đã làm nên tiếng tăm chiếu cói Nga Sơn nói riêng và các sản phẩm cói Nga Sơn nói chung.
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm cói truyền thống, bằng sự sáng tạo, ngày nay người làm nghề cói Nga Sơn đã tạo nên nhiều sản phẩm mới.
Có không ít sản phẩm cói đã và đang được xuất khẩu vầ chinh phục được thị trường các nước khó tính, như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ.
Sức vươn của thương hiệu sản phẩm cói Nga Sơn càng được khẳng định trở thành 1 trong 5 sản phẩm truyền thống của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là kết quả xứng đáng cho cả quá trình nỗ lưc của người dân làm nghề cói trên vùng đất Nga Sơn.
Hương Thơm