(VH&ĐS) Năm 2016, các đoàn nghệ thuật, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thanh Hóa đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Góp phần làm nên những thành công này có gương mặt của những nghệ sỹ, VĐV, HLV. Hy vọng năm mới 2017, họ sẽ có thêm những thành công.
Thành công với những vai diễn phản diện
8 năm về Đoàn Cải lương công tác chưa phải thời gian dài đối với sự nghiệp của một nghệ sĩ đi theo con đường nghệ thuật truyền thống, nhưng đủ để nghệ sĩ Thanh Tùng (Phạm Văn Tùng) nhận ra rằng: Mình đã chọn đúng đường!
Lần đầu tiên tôi biết đến anh là khi tình cờ xem anh diễn vở cải lương "U mê" cách đây vài năm. Vở diễn xoay quanh chủ đề về tệ nạn cờ bạc, lô đề, cho vay nặng lãi với tính thời sự rất cao. Trong vở diễn ấy, Thanh Tùng thủ vai Tùng bỏi, một tay anh chị giang hồ, chuyên cho vay nặng lãi, ôm lô đề khiến bao gia đình tan nát. Với vẻ bề ngoài có phần bệ vệ, lại thêm tài hóa trang, Tùng bỏi khiến nhiều khán giả căm ghét đến tận khi rèm sân khấu khép lại.
Nghệ sĩ Thanh Tùng.
Có dịp trò chuyện với nghệ sĩ Thanh Tùng, anh cho biết: Khi mình thủ vai mà vai diễn khiến khán giả ấn tượng (yêu hoặc ghét) thì điều đó có nghĩa vai diễn của mình đã thành công.
Mới đây nhất, anh diễn trong vở Trống trận Ba Đình. Ở vở diễn này, anh vào vai Quan tri huyện, lại một vai phản diện. Nếu trước đây, vai Quan tri huyện thường do các nghệ sĩ có tuổi đảm nhận thì lần này vai diễn lại được giao cho một nghệ sĩ trẻ.
Khác với những gì khán giả nhìn thấy trên sân khấu, ngoài đời nghệ sĩ Thanh Tùng khiến nhiều người mến anh bởi sự chân chất, hòa đồng và thân thiện. Sinh ra ở vùng đất Kiên Thọ (Ngọc Lặc), Thanh Tùng vẫn tự hào khi ai đó nhắc đến vị trung thần Lê Lai quê anh. Dù trong gia đình chẳng có ai theo con đường nghệ thuật nhưng anh vẫn quyết tâm chọn cho mình hướng đi riêng.
Vốn dĩ, không phải sinh viên nghệ thuật nào sau khi ra trường cũng có thể vững tin đi theo nghề, nhất là với những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống như cải lương. Nhưng với nghệ sĩ Thanh Tùng thì: nghệ thuật cải lương với mình như là duyên, mà đã là duyên thì thật khó để mà dứt!
Thu Trang
Cải lương là lẽ sống
Khác với vẻ rụt rè, ngại ngùng ngoài đời, khi đứng trên sân khấu, Ánh Hồng (Phạm Thị Hồng) diễn viên Đoàn Cải lương Thanh Hóa như một con người khác: Cùng giọng hát mượt mà trời phú, chinh phục người xem với diễn xuất tự nhiên.
Với khán giả đã xem vở diễn Trống trận Ba Đình do Đoàn Cải lương dàn dựng được công diễn gần đây, hẳn vẫn còn nhớ cô gái với cái tên rất duyên: Lụa. Cô là nghĩa quân của Đinh Công Tráng. Người xem nhớ đến Lụa bởi nhân vật đã tạo nên một câu chuyện tình yêu đầy chất lãng mạn giữa những khó khăn, gian khổ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình. Để từ đó khẳng định một triết lý: Chỉ cần có đủ niềm tin, đủ tình yêu thì dẫu trong hoàn cảnh nào, con người vẫn có thể tạo nên những điều thật đẹp, để khi nhắm mắt không bao giờ hối hận vì những ngày mình đã sống.
Diễn viên Ánh Hồng.
Đến thời điểm hiện tại, Ánh Hồng là một trong số ít diễn viên trẻ tuổi nhất của Đoàn Cải lương. Và cô cũng là một trong số ít diễn viên được giao vai khi mới về đoàn không lâu.
Ánh Hồng chia sẻ: Ngay từ nhỏ, em đã ước mơ khi lớn lên trở thành một giáo viên dạy nhạc và em nuôi dưỡng ước mơ của mình.
Nói về nghệ thuật cải lương, Ánh Hồng cho rằng: Giữa cơ chế thị trường, cùng với các loại hình nghệ thuật truyền thống thì cải lương cũng chịu sức ép không nhỏ. Vì thế khi em chọn theo con đường này, nhiều người nói em dại. Nhưng em không hề hối hận về sự lựa chọn của mình. Được hát mọi lúc, mọi nơi, hát cho những người mình yêu thương nghe đó chính là hạnh phúc.
Và cô diễn viên trẻ Ánh Hồng luôn tin rằng: Khi bạn tận tâm, tận lực với nghề, nghề sẽ không phụ bạn.
P.V
Nguyễn Hoàng Giang: Nhạc sỹ trẻ tài năng
Nguyễn Hoàng Giang sinh ra trong một gia đình nghệ thuật nên ngay từ nhỏ anh đã thấm "máu" nghệ thuật vào người. Còn nhớ 13 năm về trước, khi ấy Giang 18 tuổi đã là nhạc công của Nhà hát Ca - Múa - Kịch Lam Sơn. Năm 2016, anh tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sáng tác âm nhạc, đỗ thủ khoa với bản giao hưởng "Khúc tráng ca Sông Mã". Sau khi tốt nghiệp, anh lại tiếp tục về công tác tại Nhà hát Ca - Múa - Kịch Lam Sơn trong một vai trò mới: Nhạc sỹ.
Có thể khẳng định, năm 2016 là một năm thành công của Nguyễn Hoàng Giang. Với trách nhiệm là Đội trưởng đội nhạc đồng thời là nhạc sỹ biểu diễn nhạc cụ organ, anh còn trực tiếp tham gia biên soạn và sáng tác trong các phần âm nhạc lớn của tỉnh và của ngành như Lễ hội Lam Kinh, lễ hội Bà Triệu... Bên cạnh đó anh còn tham gia hòa âm phối khí cho các chương trình nghệ thuật của Nhà hát và đóng góp trong phần sáng tạo âm nhạc cho 12 vở kịch nói trong chuyên mục "Sân khấu truyền hình chiều thứ 7"... Một lượng lớn công việc, Nguyễn Hoàng Giang luôn hoàn thành xuất sắc, được đồng nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.
Nhạc sỹ Nguyễn Hoàng Giang.
31 tuổi, Nguyễn Hoàng Giang được xem như một nhạc sỹ trẻ tài năng, tâm huyết với nghề. "Tôi sẽ luôn cố gắng tìm tòi những cái mới, cái hay đưa vào trong tác phẩm để giúp tác phẩm đến gần với khán giả hơn nữa...". Nhạc sỹ Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ.
Hoàng Việt Anh
Nỗ lực hết mình để tiếng hát hay hơn
Con đường đến với nghệ thuật của nghệ sỹ Bùi Thị Trang (nghệ danh Quỳnh Trang) thật tình cờ, đó là năm 2003, sau khi đạt giải ba cuộc thi “Giọng hát trẻ toàn tỉnh” do Nhà hát Ca múa - Kịch Lam Sơn tổ chức, chị được tuyển thẳng vào đoàn. Ở ngôi nhà mới này, chị có thêm nhiều cơ hội để rèn rũa thêm kinh nghiệm, phát huy sở trường của bản thân với chất giọng hát dân ca truyền thống, dân ca trữ tình.
Không bằng lòng với bản thân, năm 2005 Quỳnh Trang tiếp tục học chuyên sâu hơn về âm nhạc truyền thống tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật (nay là Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa). Đến năm 2016, tại Liên hoan Hội Nhạc sỹ Việt Nam, chị đạt giải B tiết mục song ca cùng ca sĩ Thanh Thanh.
Nghệ sỹ Quỳnh Trang.
Kỷ niệm trong các chuyến đi thì rất nhiều, nhưng đối với nghệ sỹ Quỳnh Trang thì vinh dự nhất, đó là năm 2007, chị là ca sĩ duy nhất của tỉnh được mời tham gia đi phục vụ chiến sỹ ở đảo Trường Sa. “Đó là ước mơ từ lâu của tôi đã trở thành hiện thực. Đối với người nghệ sỹ, đó là niềm hạnh phúc, vinh dự và tự hào khi đem tiếng hát củamình phục vụ cho các chiến sỹ đang hàng ngày, hàng đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” - nghệ sỹ Quỳnh Trang tâm sự.
Về những dự định cho năm mới, nghệ sỹ Quỳnh Trang tâm sự: “Đối vớingười nghệ sỹ trẻ, tôi sẽ luôn nỗ lực hết mình để tiếng hát hay hơn, không chỉ được đồng nghiệp ghi nhận mà tiếng hát của mình ngày càng đến gần hơn với khán giả...”
Phương Linh
Người nắm giữ kỷ lục điền kinh quốc gia
Lưu Văn Hùng sinh năm 1966, đã mang về cho xứ Thanh hàng loạt những thành tích, mà ấn tượng nhất là 8 lần liên tiếp (từ 1993 - 2000) vô địch giải việt dã toàn quốc tranh Cúp Báo Tiền Phong. Anh còn giữ kỷ lục quốc gia suốt 12 năm từ năm 1998 đến 2010 mới bị phá, đó là kỷ lục 14 phút 46 giây ở cự ly 5.000m.
Kỷ lục 8 lần liên tiếp vô địch giải việt dã toàn quốc của Lưu Văn Hùng đến nay chưa có VĐV nào vượt qua.
HLV Lưu Văn Hùng và học trò Quách Thị Lan.
Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Lưu Văn Hùng thi vào Trường Trung cấp Sư phạm TDTT Thanh Hóa với dự định sau khi ra trường sẽ về làm thầy giáo dạy môn thể dục thể chất ở một trường THCS thuộc huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) quê anh. Năm 1991, khi được gọi vào đội tuyển điền kinh của Thanh Hóa tham dự giải việt dã toàn quốc, anh đã giành được tấm HCĐ cho đoàn Thanh Hóa. Anh bén duyên với điền kinh từ ấy.
Năm 2000, sau khi bị đứt gân chân trong quá trình luyện tập, anh Hùng đã giã từ sự nghiệp thi đấu và chuyển qua công tác HLV cho Sở TDTT Thanh Hóa. Hiện anh là Phó phòng Quản lý huấn luyện, kiêm Trưởng bộ môn điền kinh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thanh Hóa. Gạt những vinh quang của cá nhân sang một bên, anh đã và đang đang dìu dắt lớp học trò đi theo đường chạy và đã mang lại nhiều vinh quang cho điền kinh xứ Thanh.
Hoàng Lan
Người đứng sau thành công của Karatedo Thanh Hóa
Có thể nói đội tuyển karatedo Thanh Hóa từ khi thành lập đến nay đã đóng góp cho đất nước nhiều tấm HCV quý giá cả trên đấu trường khu vực và quốc tế. Ví như, ở Giải vô địch Karatedo Đông Nam Á năm 2015 tổ chức tại Lào, những chàng trai cô gái bên bờ sông Mã đã đóng góp tới 4 HCV trong tổng 12 HCV mà Việt Nam đạt được. Thành tích này đã giúp đoàn Việt Nam đăng quang vị trí nhất toàn đoàn. Giải vô địch Karatedo quốc tế Việt Nam mở rộng lần thứ I năm 2016 tại Thanh Hóa, đoàn VĐV Thanh Hóa cũng đóng góp vào thành tích chung của Việt Nam với 5 HCV, 7 HCB và 9 HCĐ.
HLV Nguyễn Toàn Thanh Vũ cùng VĐV đạt HCV tại giải Soto Japan - Hà Nội.
Là người gốc Huế, nhưng HLV Nguyễn Toàn Thanh Vũ - Trưởng bộ môn Karatedo, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT lại bén duyên với xứ Thanh từ năm 1992. Qua 27 năm gắn bó với bộ môn, hơn ai hết anh hiểu được những khó khăn cũng như những tâm tư, tình cảm của các VĐV.
“Karatedo là môn võ có tính nghệ thuật cao, không chỉ đáp ứng những yêu cầu khắt khe “đòn thế đẹp, tinh thần thể thao, mạnh, ý thức phòng thủ, đúng thời điểm, cự ly chuẩn” mà VĐV thi đấu còn phải có cảm xúc, có như vậy thì các đòn thể mới đẹp, mạnh nhưng không gây chấn thương cho đối thủ” - HLV Nguyễn Toàn Thanh Vũ cho biết.
Với quan điểm như vậy, anh đã mang đến thành công cho các học trò của mình.Hiện nay, anh còn thường xuyên tham gia làm trọng tài tại các giải đấu quốc tế.
V.A
VĐV Nguyễn Duy Tuyến 3 lần vô địch thế giới
Với vóc dáng dong dỏng cao thư sinh, ít ai nghĩ rằng Nguyễn Duy Tuyến lại là một võ sỹ Pencak Silat cự phách không chỉ của Việt Nam, mà còn là một trong những VĐV đã khẳng định được đẳng cấp với 3 lần vô địch thế giới liên tiếp.
VĐV Nguyễn Duy Tuyến.
Sinh ra từ vùng quê nghèo ở xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, Nguyễn Duy Tuyến cùng với người anh trai ruột là Nguyễn Duy Chiến có chung niềm đam mê võ thuật từ nhỏ. Sau khi người anh Nguyễn Duy Chiến gia nhập đội tuyển Pencak Silat Thanh Hóa và giành khá nhiều thành tích, Tuyến theo chân và sớm thể hiện được tài năng của mình. Với sự giúp đỡ của Trưởng bộ môn Pencat Silat, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thanh Hóa Nguyễn Văn Hùng, người được xem là một trong những “tượng đài” của Pencak Silat Việt Nam, Tuyến đã tiến bộ rõ rệt, thể hiện được năng khiếu của mình.
Thế rồi, khi tuổi đời mới tròn 18, Nguyễn Duy Tuyến đã có tấm HCV thế giới đầu tiên vào năm 2012. Đây là cột mốc quan trọng khẳng định tài năng của VĐV này ở bộ môn có xuất xứ từ Indonesia. Dần dần, những tấm HCV ở giải VĐQG, SEA Games và thế giới trở nên quen thuộc. Năm 2014, Tuyến tiếp tục bảo vệ thành công chức vô địch thế giới hạng cân 80 kg đối kháng nam và tới Giải vô địch thế giới năm 2016 tại Indonesia, anh cũng không có đối thủ và tiếp tục khẳng định đẳng cấp số 1 thế giới ở hạng cân 80kg.
Nguyễn Duy Tuyến tâm sự: “Em luôn tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực từng ngày. Dù có được những thành tích như vậy song lúc nào em cũng tự nhắc nhủ phải cố gắng như những ngày đầu tiên. Sự giúp đỡ của các thầy, các huấn luyện viên luôn là động lực để em vươn lên”.
Ngọc Huấn
"Độc cô cầu bại" đường chạy 400m
Quách Công Lịch sinh ra trong một gia đình thuần nông, khó khăn ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ngay từ bé Lịch từng mơ ước trở thành bác sĩ, để có điều kiện chăm lo lúc bố mẹ tuổi già nhưng cuối cùng Quách Công Lịch chọn nghiệp VĐV điền kinh vì niềm đam mê.
VĐV Quách Công Lịch.
Năm 2010, Quách Công Lịch đi thi nhảy cao tại giải tỉnh. Dù không được giải, cậu bé sinh ra tại huyện nghèo Ngọc Lặc vẫn lọt vào mắt xanh của các HLV điền kinh nhờ thể hình ấn tượng, được tới tận nhà xin cho lên thành phố ăn tập chuyên nghiệp.
Sau hai năm ăn tập nhảy cao, đến tháng 2/2012 Trưởng bộ môn điền kinh Thanh Hóa Lưu Văn Hùng đề xuất chuyển Lịch sang chạy và đi tập huấn cự ly 400 m cùng Quách Thị Lan (em gái Lịch) với hy vọng hai anh em cùng kéo nhau lên. Đó là quyết định bước ngoặt trong sự nghiệp của Quách Công Lịch.
Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, Quách Công Lịch đã giành được 3 HCV ở các nội dung thi: 400m nam, 400m rào nam, tiếp sức cự ly 400m nam. Những thành tích này đã góp phần giúp đoàn Thanh Hóa giành giải nhất toàn đoàn bộ môn điền kinh. Anh chính thức được mệnh danh "độc cô cầu bại" trên đường chạy 400m từ đó.
Gia nhập đội tuyển điền kinh quốc gia, anh đã giành HCB SEA Games 28 và HCV Grand Prix châu Á tại Thái Lan. Tại giải vô địch Điền kinh quốc gia 2016, Quách Công Lịch lại tỏa sáng với 4 HCV ở các nội dung: 400m, 400m rào, 4x400m, 4x200m và là 1 trong 2 VĐV xuất sắc nhất giải. Với nhiều thành tích trên đường chạy, Quách Công Lịch đang là niềm tự hào của thể thao xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung.
P.V