(VH&ĐS) Giữa cái nắng 40 độ C, đoàn chúng tôi, dù có người đã ra đảo nhiều lần và cũng có người chưa ra đảo lần nào nhưng tất cả đều mang trong lòng sự háo hức, hồi hộp...
Cán bộ, chiến sỹ đảo Mê tiễn Đoàn công tác kết thúc chuyến làm việc.
Chúng tôi ra đảo Mê nhân hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2017 và ngày Đại dương thế giới 8/6. Chuyến đi này của đoàn là để thăm hỏi, động viên cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đảo. Đảo Mê, với diện tích 4,2 km2, thuộc địa phận xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia. Đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong tác chiến khu vực của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Quân khu 4 nói chung. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng giữ yên biển trời Tổ quốc, cán bộ chiến sỹ đảo Mê đã dũng cảm, kiên cường bắn cháy nhiều máy bay, tàu chiến, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Vết tích còn lại của chiếc máy bay bị rơi vào ngày 26-1-2005 tại đảo Mê.
Và hôm nay, bên tượng đài Tổ quốc ghi công, chúng tôi đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Mê. Trong số 35 anh hùng liệt sỹhy sinh tại đảo thì bên phía tấm bia trái của tượng đài là danh sách 16 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vào ngày 26/1/2005. Tại thời điểm này, chiếc máy bay trực thăng chở đoàn cán bộ Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đi kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại đảo Mê đã đâm vào vách núi tại Hòn Mê khiến 16 quân nhân tử nạn. 12 năm đã trôi qua, vẫn còn lại đây vết tích của những mảnh vỡ máy bay và ở đâu có những mảnh vỡ thì ở đấy lại có những nén hương được thắp lên để tưởng nhớ các anh...
Ra đảo, có nhiều điều khiến chúng tôi xúc động. Ngoài nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ biển, đảo Tổ quốc thì dấu ấn với chúng tôi còn là những món ăn “cây nhà, lá vườn” của cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mê. Rau ngoài vườn, cá dưới ao và lợn rừng..., chúng tôi đã nói vui với các chiến sỹ ở đây rằng, tất cả những món ăn ở đây đã làm cho chúng tôi thấy yên tâm bởi trong thời buổi này, tìm được thực phẩm sạch đâu phải dễ.
Hôm nay, phá lệ, ở đảo có điện giữa ban ngày. Ấy là vì có đoàn của chúng tôi nên mới có điện mà điện trên đảo là phải chạy bằng máy nổ. Thường thì trên đảo, điện chỉ có từ 6h chiều cho đến khoảng 10h đêm. Ban ngày hoàn toàn không được dùng điện. Tôi nhớ đến lời của Thượng úy Trần Văn Hùng: Xem thời sự, đấy là điều quan trọng khi sáng lên ánh điện. Trong điều kiện, điện không có 24/24h thì chỉ cần xem thời sự cũng đủ rồi. Và nếu chỉ vài tiếng có điện, thì dẫu điện thoại có nối được mạng cũng không dám xem nhiều vì sợ hết pin. Thư viện có sách, có báo nhưng báo ra được với đảo thường chậm nên đến được tay anh em thì thông tin trên báo đã cũ.
Và nước ngọt trên đảo cũng thật hiếm hoi. Hiện ở tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mê có gần 60 cái bể, bể để đựng nước mưa, đấy được xem như lộc của trời dành cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Vào mùa mưa, nước còn đủ dùng. Vào mùa khô hạn, đó quả là điều khó. Mấy năm nay nhờ mưa thuận gió hòa nên nước cũng đảm bảo. Phó đảo trưởng Lê Khắc Phương chia sẻ: có những thời kỳ, chiếc xe quân dụng của tiểu đoàn phải chở anh em xuống cầu cảng, cách trung tâm đơn vị khoảng 4 km để tắm biển sau đó lại chở anh em lên “tráng” người lại bằng nước ngọt, rồi tiếp tục lấy cái nước “tráng” lại ấy để giặt quần áo. Nước ngọt trên đảo đã từng hiếm hoi như thế.
Hôm nay, nhân chuyến đi này chúng tôi có dịp được về bên trạm hải đăng hòn Mê. Tôi chợt nhận ra một gương mặt quen đã lên tàu cùng chúng tôi khi ra đảo đó là gương mặt người gác đèn Nguyễn Văn Hòa, quê ở Hoằng Đại (Hoằng Hóa). Vào năm 2007, Hòa đã về trạm hải đăng Hòn Mê khi đó anh mới 21 tuổi. Sau này, còn có Vũ Quốc Cường, sinh năm 1997, quê ở Nghệ An, về trạm khi mới ở tuổi 18. Ở thời điểm hiện tại, trạm có 4 người trực tiếp quản lý, vận hành, bảo quản hệ thống báo hiệu hàng hải. “Ở đây, mọi sinh hoạt hàng ngày cũng còn thiếu thốn. Xa đất liền, nhớ đất liền nhưng rồi cũng quen. Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn giao lưu bóng đá với bên tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mê, đó cũng là niềm vui, niềm động viên cho người lính đảo”, Nguyễn Văn Hòa cho biết.
Ở đảo Mê, với vẻ đẹp nguyên sơ và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú khi toàn bộ đảo được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hơn 400 loài thực vật và nhiều loài động vật cư trú, đặc biệt ở đây có hơn 100 loài cây thuốc nam có giá trị và là ngư trường nổi tiếng với nhiều hải sản đa dạng. Ra đảo mùa này, chúng tôi còn được ngắm nhìn hoa mua tím nở, loài hoa mà với tôi chỉ mới được nhìn qua tranh ảnh...
Được biết, Bộ Quốc phòng đã có văn bản đồng ý để Thanh Hóa quy hoạch phát triển du lịch đảo Mê gắn với quốc phòng. Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 do Viện Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện thì quần đảo Hòn Mê dự kiến được phân thành 3 khu chức năng chính, gồm khu quân sự, khu phát triển kinh tế và khu nhà ở cán bộ- nhân viên phục vụ du lịch. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao cho Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cùng các ngành chức năng xây dựng hệ thống quản lý chung cho cụm đảo Hòn Mê và sớm hoàn thiện hệ thống cắm mốc bằng bê tông để phân ranh giới giữa khu quân sự và dân sự đã được xác định.
Đảo Mê, tôi chắc rằng, ai khi ra đảo cũng phải “say” không chỉ với vẻ đẹp của đảo mà còn “say” bởi cuộc sống của người lính đảo. Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng trên hết vẫn là tinh thần lạc quan của người lính, là ý chí kiên cường của người lính, vẫn bám biển, bám đảo để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đảo Mê, chỉ một lần đã thấy nhớ, thấy “say”...
Việt Anh - Đình Giang