Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Thanh Hóa kỳ vọng sẽ xây dựng thương hiệu mạnh cho sản phẩm dưa của tỉnh. Những năm qua nhiều địa phương đã đẩy mạnh phát triển diện tích trồng dưa.
Dưa hấu chiếm diện tích lớn nhất, khoảng hơn 900 ha gieo trồng/năm, đạt gần 50% tổng diện tích dưa các loại của toàn tỉnh
Dưa hấu được người dân trồng với diện tích tập trung, kết hợp với các biện pháp chăm sóc thâm canh, nên năng suất đạt 28 đến 30 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt 80 đến 100 triệu đồng/ha/vụ.
Sản phẩm dưa trên địa bàn tỉnh không chỉ có dưa hấu, mà còn có thêm nhiều giống dưa mới, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Kim Hoàng Hậu là giống dưa được bà con nông dân tại nhiều địa phương lựa chọn đưa vào sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Giống dưa lưới Nhật Bản yêu cầu điều kiện sản xuất và quy trình kỹ thuật chăm sóc cao cũng đã được một số doanh nghiệp, HTX đưa vào gieo trồng.
Trồng dưa theo hướng công nghệ cao lãi tới 600 đến 700 triệu đồng/ha/năm.
Giống dưa chuột Baby có vị ngọt mát cũng được nhanh chóng phát triển trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, một số sản phẩm dưa chuột Baby đã được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, như: Sản phẩm dưa chuột Baby của Công ty CP xây dựng và thương mại Phong Cách Mới; dưa chuột Baby Thiên Trường 36 của Công ty TNHH một thành viên công nghệ cao Thiên Trường 36.
Do thuận lợi trong sản xuất, lại hiệu quả kinh tế, nên diện tích các loại dưa trên địa bàn Thanh Hóa ngày càng được mở rộng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng dưa mỗi năm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.000 ha.
Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã trồng được gần 900 ha dưa các loại, chủ yếu là dưa hấu, dưa chuột, dưa lê, Kim hoàng hậu, Kim cô nương, dưa lưới Nhật Bản.
Để thực hiện kỳ vọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa Thanh Hóa, nhiều đơn vị sản xuất dưa đã thực hiện xin cấp và dán nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Hương Thơm