(vhds.baothanhhoa.vn) - Xây dựng thôn NTM kiểu mẫu là điều kiện thuận lợi để các làng nghề truyền thống tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị, nâng tầm sản phẩm...

Thôn kiểu mẫu, và nghề truyền thống

Xây dựng thôn NTM kiểu mẫu là điều kiện thuận lợi để các làng nghề truyền thống tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị, nâng tầm sản phẩm...

Thôn kiểu mẫu, và nghề truyền thống

Nghề nón lá truyền thống Thành Liên, xã Trường Sơn (Nông Cống) tạo thu nhập ổn định cho người lao động trong thôn.

Mục tiêu xây dựng làng nghề nón lá truyền thống kiểu mẫu

Làng nghề nón lá truyền thống Thành Liên ở thôn Thành Liên, xã Trường Sơn (Nông Cống) tồn tại đến nay đã hơn 100 năm. Hiện thôn có 80/170 hộ làm nghề.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, những năm gần đây, người trong độ tuổi lao động ở thôn có xu thế vào công ty, nhà máy làm việc. Ở nhà còn lại phần lớn ngoài độ tuổi lao động, người già. Đây cũng là nguồn nhân lực chính của làng nghề. Thế nhưng, bền bỉ theo thời gian, làng nghề hơn 100 tuổi vẫn đứng vững, tạo thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ông Nguyễn Sỹ Thành, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thành Liên, nhớ lại: “Khi làng nghề thưa vắng nhân lực trẻ, để lại một khoảng trống về lao động, tôi cùng ban công tác mặt trận làng đẩy mạnh vận động, khuyến khích định hướng cho người dân nên gắn bó và phát triển nghề nón lá, vừa đảm bảo thu nhập, lại không phải ly hương. Quan trọng hơn, đấy là nét đẹp văn hóa truyền thống của làng cần được bảo tồn và gìn giữ”.

Bằng sự gắn bó và trách nhiệm của ông Thành, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền xã Trường Sơn, các lớp đào tạo ngắn hạn để truyền nghề và nâng cao tay nghề cho người may nón lá đã đến được với người dân Thành Liên. Hiện nay, thôn đã vận động và tạo điều kiện cho 2 hộ trong làng làm đầu mối cung ứng nguyên liệu và thu mua sản phẩm.

Dù nghề chính của bà con nơi đây là nghề nông, may nón lá chỉ là nghề phụ, được bà con tranh thủ lúc nhàn rỗi nhưng nghề này vẫn được xem như nghề chính vì hiệu quả kinh tế mà nó mang lại, với thu nhập bình quân khoảng 40 - 50 triệu đồng/hộ/năm. Tiêu biểu là gia đình Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nguyễn Sỹ Thành, ngoài sản xuất nông nghiệp, hàng chục năm qua gia đình ông vẫn gắn bó với nghề may nón lá. “Hiện gia đình có 4 lao động chính làm nón lá, cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Rất mừng, bà con làng nghề đã sống được với nghề”. Ông Thành hồ hởi cho biết.

Nón lá truyền thống Thành Liên được thu mua và xuất bán khắp các thị trường trong nước, đặc biệt sản phẩm đã đến được với một số khu du lịch trong và ngoài tỉnh, làm quà lưu niệm cho du khách. Những năm gần đây, sản phẩm thường xuyên có mặt tại các hội chợ triển lãm thương mại tại Thanh Hóa. Cuối năm 2021, thôn Thành Liên được công nhận thôn NTM kiểu mẫu. Đây là cơ hội tốt để sản phẩm làng nghề tiếp tục “cất cánh”. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn: “Đạt xã NTM kiểu mẫu, Trường Sơn tiếp tục nâng cao chất lượng, duy trì các tiêu chí. Mục tiêu sẽ xây dựng làng quê du lịch để các đoàn tham quan đến học tập, giao lưu. Trong đó, tập trung xây dựng làng nghề nón lá truyền thống kiểu mẫu Thành Liên vào năm 2022 - 2023, tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị, nâng tầm sản phẩm làng nghề...”.

Phải trân trọng nghề mới giữ được nghề

Thôn Văn Châu, xã Đông Văn (Đông Sơn) nổi tiếng với nghề truyền thống bánh đa vừng. Xuất phát điểm là một thôn nghèo nhưng từ chính sản phẩm của làng nghề đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Từ 10 hộ làm nghề, đến nay thôn đã có hơn 30 hộ theo nghề, thu hút hàng trăm lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Từ cách làm thủ công, hiện phần lớn, các hộ đã đầu tư máy móc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thôn kiểu mẫu, và nghề truyền thống

Gia đình ông Lê Văn Văn ở thôn Văn Châu, xã Đông Văn (Đông Sơn) đã gắn bó hàng chục năm với nghề truyền thống bánh đa vừng.

Cũng như nghề nón lá truyền thống Thành Liên ở xã Trường Sơn (Nông Cống) thì nghề bánh đa vừng ở thôn Văn Châu chỉ là nghề phụ nhưng lại được người dân xem như nghề chính. "Nếu không có nghề này thì không sống được. Đó là một thực tế. Nghề chính vẫn là nông nghiệp nhưng chúng tôi tồn tại được là do nghề phụ. Nhờ có nghề mà bà con mới thoát nghèo”, chia sẻ của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Văn Châu, ông Nguyễn Hữu Bốn.

Theo chân ông Bốn, chúng tôi về gia đình ông Lê Văn Văn, hộ đã gắn bó với nghề hàng chục năm qua. Trung bình 1 tháng, gia đình ông Văn xuất khoảng 2 vạn bánh, không chỉ bán trong tỉnh mà sản phẩm còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành, như: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai..., tạo thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/tháng. Ông cho biết: “Năm nay, tôi 63 tuổi nhưng từ khi lên 10, tôi đã tham gia làm bánh cùng mẹ. Đến đời các con tôi, chúng nó cũng biết nghề, theo nghề cho đến khi ra ở riêng. Giờ còn 2 vợ chồng sống với nghề. Tôi luôn tâm niệm, trân trọng nghề thì mới giữ được nghề, nhất là khi nghề đã mang lại sự ấm no”.

Nhắc đến bánh đa vừng Văn Châu là nhớ đến những chiếc bánh vừa giòn vừa ngon, không hóa chất, hàn the, phẩm màu. Để thúc đẩy phát triển bền vững sản phẩm, xã Đông Văn đã thành lập Hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản Văn Châu. Đồng thời kích cầu đối với hộ đăng ký tham gia sản xuất là 5 triệu đồng/hộ và 20 triệu đồng cho sản phẩm được công nhận OCOP. Cuối tháng 11-2021, thôn Văn Châu được công nhận thôn NTM kiểu mẫu. Vinh dự này là động lực để người dân tiếp tục nỗ lực, cố gắng trong bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống làng nghề.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Đông Văn:

“Có nhiều tư duy cho rằng, xây dựng NTM kiểu mẫu rồi đến đô thị văn minh nhưng chúng tôi tư duy là nông thôn kiểu mẫu và kiểu mẫu nông thôn thì vẫn phải giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống của nông thôn. Vậy nên, nghề truyền thống được chúng tôi đặc biệt quan tâm để đầu tư, khuyến khích người dân, đồng hành và chia sẻ để họ yên tâm sản xuất”.

Bài và ảnh: Anh Hoàng


Bài và ảnh: Anh Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]