(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, nhiều người dân cho rằng tình trạng quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ở các địa phương còn lỏng lẻo, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Từ thực tế nêu trên, một câu hỏi được đặt ra với các cơ quan chức năng: Làm thế nào để tìm ra lời giải cho “bài toán” này?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cách nào để quản lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ?

Thời gian qua, nhiều người dân cho rằng tình trạng quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ở các địa phương còn lỏng lẻo, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Từ thực tế nêu trên, một câu hỏi được đặt ra với các cơ quan chức năng: Làm thế nào để tìm ra lời giải cho “bài toán” này?

Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ liệu có an toàn?

Nếu vào hệ thống Google tìm với từ khóa “xử lý các trường hợp giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” chúng ta sẽ có được hơn 95 nghìn kết quả. Điều này cho thấy, việc phát hiện và xử lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm ATVS là rất lớn.

Không khó, để có thể bắt gặp tình trạng “vừa mổ vừa bán” ngay tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm... trên địa bàn TP Thanh Hóa. Có mặt tại chợ Đình Hương (TP Thanh Hóa), vào buổi chiều chúng tôi ghi nhận tình trạng giết mổ ngay tại chợ vẫn diễn ra hàng ngày. Mỗi điểm thường có một nồi nước sôi dùng cả ngày cho hàng trăm con gà, vịt, ngan và một vài chiếc chậu cáu bẩn để làm lông. Chung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải lênh láng, bốc mùi hôi thối. Bà Đ.T.H, kinh doanh gia cầm, giết mổ tại chợ Đình Hương (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi bán gà, vịt và thường làm thịt luôn tại chỗ theo yêu cầu của khách. Tâm lý của khách hàng là phải được tận mắt nhìn thấy con vật còn sống và được làm sạch sẽ. Nếu mang gà ở các lò giết mổ tập trung về bán sẽ có ít người mua vì chưa tin tưởng về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đã được làm sẵn".

Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ chưa qua kiểm soát vẫn thường xuyên diễn ra tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Không riêng gì các chợ mà tại các tuyến đường ở nhiều địa phương khu vực nông thôn các sạp bày bán thực phẩm sống như gà, vịt, lợn...cũng tràn lan. Đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ là tiến hành trong đêm, diễn ra rải rác trong các khu dân cư. Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận ATTP và vệ sinh thú y còn nhiều bất cập. Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, vì vậy cơ quan thú y không thể vào kiểm soát theo đúng quy định của Luật Thú y.

Trao đổi với đại diện lãnh đạo Trạm Thú y huyện Quảng Xương, được biết: Hiện trên địa bàn huyện có 5 cơ sở giết mổ (CSGM) đang hoạt động, công suất từ 10-30 con/giờ. Tuy nhiên, hầu hết các CSGM tập trung này hoạt động dưới công suất. Mặc dù UBND huyện Quảng Xương đã hết sức quan tâm đến vấn đề này nhưng ở cấp xã cũng đang gặp những vướng mắc nhất định, khiến việc triển khai kiểm soát giết mổ (KSGM) gặp nhiều khó khăn. Vì thế, tại huyện Quảng Xương, đa phần sản phẩm động vật trên địa bàn khi ra thị trường chưa được đóng dấu KSGM, mà chỉ thực hiện công đoạn kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ.

Thực tế cho thấy, nếu theo đúng quy trình thì phải kiểm tra lâm sàng trước khi mổ. Sau mổ thịt sẽ tiếp tục kiểm tra mới lăn dấu KSGM. Nhưng chi phí quá thấp, việc kiểm soát chỉ được phép thu 7 nghìn đồng/con lợn, trong đó có 30% là chi cho hóa đơn, con dấu, mực..., lượng giết mổ lại nhỏ lẻ, không tập trung; phụ cấp hàng tháng của cán bộ thú y cấp xã chỉ 0,7 hệ số lương/tháng... Trong khi đó lực lượng cán bộ thú ý còn phải kiêm nhiệm, nên rất khó để có thể phát huy hết chuyên môn của mình.

Tăng cường công tác kiểm soát

Yên Định vốn là huyện rất “mạnh tay” trong công tác KSGM, nhưng theo ông Lê Xuân Thành - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Định, cho biết: Tỷ lệ sản phẩm động vật đến tay người tiêu dùng qua KSGM trên địa bàn huyện cũng chỉ chiếm khoảng 60%, đa phần là thịt lợn của những ông chủ tìm được các mối bỏ hàng như nhà hàng, siêu thị, trường học... Trong số gần 100 CSGM, điểm giết mổ nhỏ lẻ hiện nay của huyện chỉ có 74 điểm, cơ sở được chứng nhận ATVSTP. Bình quân, mỗi ngày người dân Yên Định tiêu thụ khoảng 10 tấn lợn hơi. Thế nhưng, chỉ khoảng 60-70% trong số này qua KSGM.

Tại huyện Hà Trung, theo ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Toàn huyện hiện có 79 CSGM nhỏ lẻ và một CSGM tập trung. Cái khó trong công tác KSGM của huyện đó là CSGM nhiều trong khi lực lượng cán bộ thú y quá mỏng lại còn kiêm nhiệm. Đa số, các điểm giết mổ đều hoạt động về đêm lại nằm rải rác trong khu dân cư, hơn nữa, nguồn gốc thực phẩm nhập vào lại không ở trên địa bàn huyện, nên việc đi kiểm soát rất khó. Trong khi đó, chưa kể đến sự tồn tại của các CSGM nhỏ lẻ với chi phí giết mổ thấp dẫn tới khó kiểm soát và gây khó khăn cho các CSGM công nghiệp. Thêm vào đó, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi đã trực tiếp nuôi dưỡng cho sự tồn tại của các CSGM này.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 2.072 CSGM đang hoạt động; trong đó, có 23 cơ sở tập trung và 2.049 cơ sở nhỏ lẻ. Hằng ngày, cung cấp cho thị trường khoảng 311 tấn thịt gia súc, gia cầm. Sản phẩm động vật sau giết mổ được tiêu thụ tại 448 chợ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chỉ có 205 chợ kinh doanh thực phẩm tươi sống có sự giám sát của cơ quan thú y, chiếm 45,76%. Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các chợ buôn bán sản phẩm động vật yếu kém, không bảo đảm vệ sinh thú y, môi trường, chất lượng thịt chưa được kiểm soát chặt chẽ...

Bởi vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý các CSGM nhỏ lẻ dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, chính quyền ở một số nơi còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ chui; chưa thật sự quan tâm công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn quản lý; chưa có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ...

Nên chăng, Nhà nước cần có chính sách đưa công tác KSGM thành dịch vụ công, có thể giao cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp các địa phương thực hiện... Đồng thời, có biện pháp hình thành các điểm giết mổ tập trung tại mỗi xã nhằm đảm bảo vệ sinh thú y. Có như thế, mới không để trống mảng KSGM gia súc, gia cầm như hiện nay.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]