(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch mọc lên rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh những cửa hàng hoạt động hiệu quả thì nhiều cửa hàng cũng đang gặp không ít khó khăn và khó có chỗ đứng trên thị trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch: Khó có chỗ đứng trên thị trường

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch mọc lên rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh những cửa hàng hoạt động hiệu quả thì nhiều cửa hàng cũng đang gặp không ít khó khăn và khó có chỗ đứng trên thị trường.

Khó tạo lòng tin

Qua trao đổi với đại diện một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh, đại đa số họ đều cho rằng: Đây là hình thức kinh doanh tốn kém và khó duy trì nếu không có nguồn khách hàng ổn định. Khó khăn lớn nhất là xây dựng được niềm tin về thực phẩm sạch với người tiêu dùng. Thực tế, giá bán các loại thực phẩm được các cửa hàng áp dụng với mức bằng hoặc chỉ cao hơn giá thực phẩm truyền thống nên hầu như chưa đủ để bù đắp chi phí thuê mặt bằng. Vì vậy, số cửa hàng thực phẩm sạch đi vào hoạt động ngày càng nhiều nhưng cũng nhanh chóng dừng lại.

Có lẽ đây cũng là câu chuyện khá quen thuộc, khi chúng tôi có mặt và chứng kiến cảnh mua bán tại cửa hàng thực phẩm sạch Hợp Dung ở xã Vạn Thắng (Nông Cống), thấy một khách hàng hỏi giá bán dưa chuột. Sau khi biết giá bán 20.000 đồng/kg, chị phàn nàn: “Sao dưa vừa xấu, lại vừa đắt vậy, mà liệu có thật sự sạch không”. Rồi chị tiếp tục đi tham khảo thêm giá thị trường. Như để thanh minh cho chúng tôi, chị Nguyễn Thị Dung, chủ cửa hàng cho biết: So với bán hàng ở chợ, các cửa hàng thực phẩm sạch phải bỏ ra nhiều chi phí hơn như tiền thuê mặt bằng, nhân công, thiết bị bảo quản. Hơn nữa, rau, thịt lại nhập từ những trang trại chuyên trồng rau sạch giá cao hơn so với mua của nông dân sản xuất theo quy trình thông thường. Vì vậy, giá thực phẩm tại các cửa hàng nông sản sạch bao giờ cũng cao hơn ở chợ.

Đây cũng là vấn đề nan giải đối với TP Sầm Sơn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP Sầm Sơn hiện nay có 9 cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch. Theo đánh giá của ông Bùi Ngọc Thành - Trưởng phòng Kinh tế TP Sầm Sơn: Mặc dù đến thời điểm này, thành phố đã đảm bảo chỉ tiêu về việc xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố mới đạt hiệu quả khoảng 50%. Khó khăn nhất trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các cửa hàng này là do ý thức của người dân. Một phần họ quen lối mua thực phẩm truyền thống, phần nữa là người dân có thể tự cung tự cấp. Điều cần nói là giá thành các sản phẩm thực phẩm sạch cao nên việc không thu hút được người dân là điều khó tránh khỏi.

Kinh doanh thực phẩm sạch - hướng đi mới nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Xóa điểm nghẽn

Mặc dù ý thức người dân chưa từ bỏ thói quen sử dụng thực phẩm theo lối truyền thống, nhưng cũng không thể phủ nhận giữa kinh doanh và sản xuất thực phẩm sạch hiện nay vẫn có sự lệch pha. Các doanh nghiệp sản xuất luôn gặp khó về đầu ra và phải bán thực phẩm sạch với giá tương đương, thậm chí thấp hơn so với giá ngoài chợ do mẫu mã xấu, trong khi giá nhập hàng hóa lại cao hơn nhiều.

Để giải quyết được điểm nghẽn này, theo bà Trần Thị Huế - Phó phòng NN&PTNT huyện Nông Cống cho rằng: Cần xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữanhà sản xuất và người kinh doanh, áp dụng mô hình liên kết từ trang trại đến bàn ăn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã kiêm luôn từ khâu sản xuất đến kinh doanh thực phẩm sạch. Nếu làm được như vậy sẽ giảm được chi phí và giá cả lại cạnh tranh. Bên cạnh đó, theo tôi các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt nhanh nhất những sản phẩm nào được khách hàng ưa chuộng, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để đổi mới sản phẩm, từ đó, chọn được loại nông sản canh tác phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.

Cũng quan điểm đó, ông Bùi Ngọc Thành - Trưởng phòng Kinh tế TP Sầm Sơn, cho biết: Xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng đối với thực phẩm sạch là vấn đề cần được quan tâm. Ngoài các giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, các cửa hàng cần trang bị thêm thiết bị kiểm tra tại chỗ các chỉ tiêu đối với sản phẩm sạch. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng nông sản được bày bán tại các cửa hàng cũng như nơi sản xuất để tạo sự tin cậy cho người dùng.

Như vậy, để xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn, rất cần có sự quan tâm khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước và sự đồng bộ trong triển khai thực hiện của các ngành liên quan, bởi khi chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hình thành, ngoài người tiêu dùng nhận được lợi ích, thì người sản xuất, kinh doanh cũng được bảo đảm đầu ra, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]