(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, hay nói cách khác sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân là hướng đi cần thiết để giải quyết “tận gốc” vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi để loại bỏ thực phẩm bẩn

(VH&ĐS) Hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, hay nói cách khác sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và người nông dân là hướng đi cần thiết để giải quyết “tận gốc” vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay.

Đã hình thành chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh có 7 địa chỉ bán sản phẩm được xác nhận nông sản thực phẩm an toàn. Trong đó, TP Thanh Hóa có 5 điểm: Quầy hàng R1-R2 tại chợ Đầu mối rau quả; Siêu thị BigC; Siêu thị Coop; cửa hàng thực phẩm sạch ICT-Food phường Lam Sơn; nem ống tre, phường Đông Hương và 2 địa chỉ khác là nước mắm Tuyến Hòa (xã Hải Thanh, Tĩnh Gia), Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp sinh thái Phú Thắng (xã Yên Tâm, Yên Định).

Tại các địa chỉ này sản phẩm đều được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh. Ngoài ra trên địa bàn Thanh Hóa đã có 18 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong kinh doanh thực phẩm nông - lâm - thủy sản.

Chị Lữ Thị Tuyết, chủ cửa hàng thực phẩm sạch ICT Food, cho biết: Với mong muốn người dân được dùng thực phẩm an toàn trong bữa ăn để đảm bảo sức khỏe thì cửa hàng đã liên kết với các đơn vị cung ứng sản xuất sản phẩm theo quy trình khép kín hoặc bằng công nghệ cao trong nhà kính,… đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đúng tiêu chuẩn chất lượng. Giá các mặt hàng rau xanh thì cao hơn 10%, thực phẩm tươi sống cao hơn 30% so với giá thị trường.

Khách đến mua hàng tại cửa hàng ICT-Food.

Bên cạnh những đơn vị được cấp giấy chứng nhận của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy hải sản Thanh Hóa còn có các cửa hàng kinh doanh rau, củ, quả của tư nhân, như Cửa hàng 365, đường Lê Lai, TP Thanh Hóa ký hợp đồng nhập hàng của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hoằng Hợp.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ cửa hàng thì việc tạo niềm tin cho khách là điều kiện sống còn của cửa hàng, nên sản phẩm phải nhập từ vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn. Mới đầu khách đến với cửa hàng còn ít nhưng sau thời gian dùng thực phẩm, người tiêu dùng đã tin tưởng và đến với cửa hàng ngày càng đông.

Sớm hoàn thiện việc cung ứng thực phẩm theo chuỗi

UBND tỉnh đã có cơ chế chính sách hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm theo chuỗi. Đồng thời, cơ quan chức năng sẵn sàng hỗ trợ đơn vị có nhu cầu kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, xác nhận miễn phí thực phẩm đủ điều kiện ATTP cho đơn vị nhằm kiểm soát chất lượng đầu vào.

Đặc biệt, đối với KKT Nghi Sơn, UBND tỉnh đang chỉ đạo triển khai đề án “Cung cấp lương thực thực phẩm phục vụ KKT Nghi Sơn đến năm 2020". Hiện nay, đề án đã tiến hành thống kê, xây dựng các điểm, cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm, đồng thời kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện ATTP, chứng nhận áp dụng quy trình thực hành, các quy phạm trong sản xuất kinh doanh cho những đơn vị tham gia chuỗi.

Từ nay đến cuối năm 2016, sẽ tổ chức hội nghị kết nối với các đơn vị tiêu thụ, cụ thể là các bếp ăn tập thể tại các nhà máy, xí nghiệp trong khu kinh tế. Qua đó giúp những người công nhân không còn nỗi lo ngộ độc tập thể.

Ông Mai Xuân Phương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản và muối thuộc Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa cho biết “Trong thời gian tới, cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện việc cung ứng thực phẩm theo chuỗi, tiến tới cung ứng ổn định lương thực, thực phẩm được giám sát, kiểm nghiệm và chứng nhận đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu của KKT Nghi Sơn”.

Mặt khác, để nâng cao kiến thức cho người dân trong việc loại bỏ thực phẩm bẩn, Sở Y tế đã có hướng dẫn thực hiện xã đạt chuẩn ATTP.

Tuy nhiên, để việc hình thành chuỗi thực phẩm an toàn đạt hiệu quả cao thì các cơ quan chức năng cần chuẩn bị tốt về nhiều mặt. Trong đó, việc nắm rõ thực trạng, tiềm năng từng loại nông sản, thực phẩm, rau quả được sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng chỉ, kiểm soát, quản lý theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, sự liên kết thành chuỗi cung ứng phải ổn định từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ gắn với việc xây dựng thương hiệu. Còn tại các điểm, cửa hàng phải công khai, minh bạch nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn sản phẩm để khách hàng được kiểm tra, đối chiếu sản phẩm.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]