(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện cơ bản được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho học sinh khi học tại trường, các địa phương, ngành GD&ĐT và các trường học đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch covid-19 tại trường học

Dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện cơ bản được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho học sinh khi học tại trường, các địa phương, ngành GD&ĐT và các trường học đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Ngành Y tế khuyến cáo, phụ huynh lưu ý các hoạt động để tăng cường sức khỏe cho học sinh trước khi đến trường như: Súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên. Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi, động vật hoang dã.

Phụ huynh có trách nhiệm đo nhiệt độ cho học sinh. Nếu có sốt hoặc ho, khó thở thì chủ động cho trẻ nghỉ học và theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Cho học sinh ở nhà nếu học sinh đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Với giáo viên, cán bộ nhân viên nhà trường tự đo nhiệt độ. Nếu có sốt hoặc ho và khó thở thì chủ động báo cho nhà trường và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, nếu cần thì đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Giáo viên đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp học.

Phụ huynh đưa con, em đi học và đón về không được vào trong trường. Bảo vệ nhà trường sẽ hạn chế không cho người không có nhiệm vụ vào trường.

Tại trường học: Trước khi học sinh quay trở lại học, nhà trường phải đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi học sinh có một cốc nước dùng riêng, được vệ sinh sạch sẽ. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường. Nếu nhà trường cung cấp khăn mặt, khăn lau tay cho học sinh thì phải đảm bảo mỗi học sinh có 1 khăn riêng và giặt sạch khăn với xà phòng sau mỗi ngày học. Bố trí và đảm bảo nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch. Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ. Chuẩn bị đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học.

Lớp học phải thông khí bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Trong thời gian học sinh ở trường: Không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết. Nhà trường quy định, hướng dẫn học sinh thực hiện các nội dung như: Rửa tay với xà phòng và nước sạch; che mũi, miệng khi ho bằng khăn vải hoặc khăn giấy; không dùng chung đồ dùng cá nhân; không khạc nhổ bừa bãi...

Hàng ngày, trước khi vào giờ học, giáo viên điểm danh và hỏi học sinh có cảm thấy sốt hay có ho, khó thở, mệt mỏi không, nếu có, giáo viên đưa ngay học sinh đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi.

Trong thời gian học, khi giáo viên phát hiện học sinh có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế xã, phường, thị trấn, cơ quan quản lý và cha mẹ học sinh. Nhân viên y tế tại trường học có trách nhiệm cung cấp khẩu trang và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh nói trên.

Công tác khử khuẩn tại nhà trường: bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Tổ chức hoạt động vệ sinh ngoại cảnh như: phát quang bụi rậm, không để nước đọng, các dụng cụ chứa nước phải được đậy kín. Tổ chức khử khuẩn trường học một lần bằng cách phun hoặc lau nền nhà, tường nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng...

Không sử dụng mũ, nón, trang phục có tấm chắn giọt bắn cá nhân trong lớp học; không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp học; tiếp tục duy trì đeo khẩu trang trên đường đến trường, trước khi vào lớp, trong giờ ra chơi, khi ra khỏi lớp và trên đường về nhà.

Không áp dụng giãn cách trong lớp học. Hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp học với nhau và chỗ đông người; cuối mỗi buổi học phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng; tăng cường thực hiện lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng/lớp học, nhà vệ sinh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Với hàng loạt các giải pháp được ngành giáo dục, các cấp, các ngành đưa ra, góp phần bảo đảm an toàn, hạn chế nguy cơ dịch bệnh khi học sinh học tập trung tại trường. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài giải pháp triển khai chung, cần chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân của mỗi cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên. Bởi chỉ một người lơ là, chủ quan có thể gây nguy cơ dịch bệnh trong trường học. Đối với học sinh tiểu học và trẻ mầm non, nhận thức về dịch bệnh và các giải pháp phòng, chống dịch có thể còn chưa tốt. Trong khi đó, học sinh các cấp học nói chung, sau kỳ nghỉ dài mới gặp nhau sẽ dễ xảy ra tình trạng tập trung, gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi, chơi đùa...

Hiện nay, tình hình dịch trên thế giới cũng như trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp, vẫn còn hiện tượng lây lan dịch trong cộng đồng. Do đó, các trường học cần xây dựng kế hoạch và xác định việc phòng, chống dịch bệnh là thường xuyên, kéo dài chứ không phải chỉ một, hai ngày đầu đi học trở lại. Quá trình dạy học, cần tạo lập cho học sinh ý thức tự chăm sóc, bảo vệ bản thân và ý thức trách nhiệm vì cộng đồng. Chỉ khi mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh tự ý thức được trách nhiệm, thực hiện tốt các giải pháp phòng tránh dịch bệnh, không chủ quan, lơ là thì việc bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh trong trường học mới thật sự hiệu quả.

Lê Huyền


Lê Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]