(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi thực phẩm sạch, an toàn đang bị lẫn lộn với các thực phẩm kém chất lượng, thì việc kết nối cung cầu để đưa thực phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng trở nên cấp thiết. Việc xây dựng các chuỗi và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn sẽ đảm bảo và đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảm bảo từng khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Khi thực phẩm sạch, an toàn đang bị lẫn lộn với các thực phẩm kém chất lượng, thì việc kết nối cung cầu để đưa thực phẩm an toàn đến tận tay người tiêu dùng trở nên cấp thiết. Việc xây dựng các chuỗi và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn sẽ đảm bảo và đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Theo số liệu thống kê, Thanh Hóa đã xây dựng được 1.050 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT), cung ứng ra thị trường khoảng hơn 800.000 tấn thực phẩm các loại mỗi năm. Trong đó, nhiều chuỗi cung ứng TPAT được xác nhận đã và đang khẳng định được chất lượng như: các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ vịt Cổ Lũng (Bá Thước); rau an toàn tại xã Phú Lộc (Hậu Lộc); khoai tây thương phẩm tại huyện Quảng Xương; dưa Kim Hoàng hậu tại xã Nga Yên (Nga Sơn);...

Có thể khẳng định, sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng và đồng thời thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh TPAT. Để có được thành quả đó, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP; tập trung hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về phân công, phân cấp theo đúng thẩm quyền; xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan để phục vụ sản xuất, tiêu thụ thực phẩm nông, lâm, thủy sản, tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu các vi phạm về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản...

Điều này có thể thấy rõ ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) là đơn vị chuyên sản xuất và tiêu thụ trứng gà, vịt, cút tươi, với quy mô 6 triệu quả/năm. Để xây dựng thương hiệu và khẳng định chất lượng cho các sản phẩm, năm 2016, công ty đăng ký với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) và đã được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng an toàn. Chị Tống Thị Hiền - Giám đốc Công ty cho biết: Để sản phẩm được xác nhận đảm bảo an toàn thì ngay từ khâu chọn đất cũng phải lựa chọn nơi có mạch nước ngầm (chứ không phải nước bề mặt) để chuẩn bị cho công tác xử lý môi trường sau này. Toàn bộ quá trình chăm sóc gà, từ cho ăn, đẻ trứng, đến xử lý chất thải đều thực hiện theo dây chuyền tự động. Bởi vậy khái niệm “an toàn” gần như đã đạt mức tuyệt đối.

Nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn huyện Thọ Xuân đang phát huy hiệu quả rõ rệt.

Tại Thọ Xuân, để các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn hoạt động hiệu quả, những năm qua huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và khắc phục các tồn tại trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; tư vấn, hỗ trợ các đơn vị xây dựng, triển khai, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong hoạt động. Trên địa bàn huyện Thọ Xuân hiện đã xây dựng thành công 30 chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn, tại các xã: Nam Giang, Xuân Minh, Xuân Vinh, Bắc Lương, Thọ Hải, Thọ Xương, Xuân Thành, Xuân Khánh, Xuân Lai... Hàng năm, sản phẩm thực phẩm thông qua các chuỗi cung cấp ra thị trường đạt 2.810 tấn lúa gạo, rau, quả, thịt gia súc, thủy sản... Bên cạnh đó, huyện Thọ Xuân còn xây dựng mô hình chợ TPAT tại chợ Neo, xã Bắc Lương với diện tích 6.763m2 được Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap), do Ngân hàng Thế giới tài trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Chợ có khu bán thực phẩm, gồm 48 quầy, lắp đặt biển thông báo từng khu vực quầy kinh doanh.

Bà Lê Thị Huyền Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản tỉnh, cho biết: Để được chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng TPAT cần một số điều kiện, thủ tục. Đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở sơ chế nhỏ lẻ, hộ kinh doanh phải ký cam kết sản xuất TPAT. Đối với các cơ sở chế biến, cơ sở kinh doanh là các doanh nghiệp thì phải được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Các cơ sở sản xuất ban đầu là các HTX, doanh nghiệp có chứng nhận VietGAP, các chứng chỉ tương đương hoặc có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các sản phẩm trong chuỗi được cơ quan chức năng lấy mẫu và có kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ định, đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về an toàn thực phẩm.

Hoạt động chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đang hình thành ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã tạo bước đột phá mới, nâng cao trình độ sản xuất và thu nhập cho người sản xuất. Tuy nhiên, từ thực tế sản xuất cho thấy khâu kết nối theo chuỗi vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều địa phương cho rằng: Để triển khai hiệu quả mô hình này, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, từ khâu nuôi trồng, canh tác đến thu hoạch và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Về phía người dân, nếu cứ theo tập quán sản xuất, nuôi trồng nhỏ lẻ thì sẽ không thể kiểm soát được vệ sinh ATTP, do vậy cần tổ chức các mô hình và các HTX. Về phía các doanh nghiệp, việc tham gia chuỗi cung ứng TPAT còn thiếu chặt chẽ. Có những chuỗi sản phẩm doanh nghiệp chỉ tham gia ở khâu cung ứng đầu vào, thiếu đơn vị bao tiêu, chế biến, bảo quản và vận chuyển, dẫn đến sản phẩm người dân làm ra đảm bảo an toàn, nhưng khâu vận chuyển, tiêu thụ chưa đồng bộ nên sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng chất lượng thấp.

Do đó để mô hình chuỗi cung ứng TPAT được mở rộng, phải xã hội hóa các “mắt xích” trong chuỗi. Đồng thời việc hình thành mới các chuỗi liên kết cần dựa vào các tiêu chí căn bản, cụ thể của mô hình chuỗi an toàn như: Các đối tác tham gia phải đảm bảo đầy đủ nuôi trồng, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh; có sự liên kết ổn định và phải tuân thủ đầy đủ các khâu về ATTP, từ đó mới có khả năng cung ứng ổn định các sản phẩm bảo đảm chất lượng ATTP.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]