(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển mạnh. Cùng với đó, công tác quản lý sản xuất và tiêu thụ rau an toàn được các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương quan tâm thực hiện, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị kinh tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh sản xuất rau an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Trong những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển mạnh. Cùng với đó, công tác quản lý sản xuất và tiêu thụ rau an toàn được các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương quan tâm thực hiện, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị kinh tế.

Nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn

Vĩnh Lộc là một trong hai huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng thành công 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm (ATTP). Để đạt được các tiêu chí ATTP, cùng với việc thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhóm tiêu chí ATTP, huyện còn chú trọng tuyên truyền, vận động người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm chủ động, tự giác bảo đảm vệ sinh ATTP, phát triển nông nghiệp an toàn, trong đó tập trung mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn. Nhờ đó, tính đến cuối năm 2019, toàn huyện đã có gần 30 nghìn m2 rau an toàn trong nhà lưới được chứng nhận VietGAP. Một số sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ như chuỗi rau, củ, quả của HTX dịch vụ và sản xuất rau an toàn Hùng Cường (thôn 5, Vĩnh Thành); mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu theo chuỗi giá trị của HTX dịch vụ và sản xuất rau an toàn Tùng Anh (xã Vĩnh Thịnh); sản phẩm rau má tươi xã Vĩnh Long; rau sạch của HTX dịch vụ và sản xuất rau sạch Hùng Cường... ngày càng được người tiêu dùng đánh giá cao.

Thời gian qua, huyện Nông Cống đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân trồng rau an toàn. Đến nay huyện đã xây dựng được những cánh đồng trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung chủ yếu ở các xã Vạn Hòa, Tế Thắng, Thăng Long. Trong đó, tại xã Vạn Hòa cánh đồng rau sạch được phát triển trên diện tích của cánh đồng truyền thống. Trước đây, có khoảng hơn chục hộ chuyên trồng rau bán, với diện tích chưa đầy 1 ha và chủ yếu tập trung 1 năm 2 vụ. Kể từ năm 2014, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã Vạn Hòa đã thành lập tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và phát triển diện tích trồng rau lên 3 ha.

Với mục tiêu đến năm 2020, chuyển đổi 600 ha đất sản xuất rau nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, huyện Như Thanh đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, bố trí vùng sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung. Bên cạnh đó, huyện xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp mở rộng diện tích trồng rau an toàn tập trung trên địa bàn. Cụ thể, huyện hỗ trợ 50 triệu đồng cho 1 ha rau an toàn tập trung chuyên canh; hỗ trợ 1 năm lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân vay vốn đầu tư sản xuất rau, quả an toàn ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, trên địa bàn huyện Như Thanh đã có hơn 100 ha sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vùng trồng rau an toàn xã Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng.

Với việc đẩy mạnh mở rộng sản xuất rau an toàn trên địa bàn toàn tỉnh, đến nay nhiều địa phương khác đã triển khai trồng rau an toàn với diện tích lớn như: Quảng Xương, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hoá, Hoằng Hoá, TP Thanh Hoá... Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã hình thành được gần 100 vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn tập trung, với diện tích gần 500 ha và đã được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP... Cơ sở hạ tầng của các vùng sản xuất, kinh doanh rau an toàn tập trung được đầu tư xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư sản xuất, kinh doanh theo chuỗi khép kín, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm an toàn của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh, trồng rau hữu cơ... được hình thành, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, được đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tin dùng.

Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, tiêu thụ rau an toàn

Cùng với việc đẩy mạnh mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, công tác kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin về nguồn gốc sản xuất được các ngành liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, chính xác, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, hàng năm các đơn vị có liên quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa đã tổ chức lấy mẫu rau, củ, quả tại các vùng sản xuất để giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ngăn chặn các sản phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường. Đồng thời, thông báo kết quả đến địa phương nơi có vùng sản xuất, tiêu thụ để có biện pháp kiểm tra, truy xuất nguồn gốc và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất. Mặt khác, tổ chức thực hiện các quy định trong sản xuất, chứng nhận vùng sản xuất, tiêu thụ đủ điều kiện ATTP, cấp tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thực hiện thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm; truy xuất và xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đưa sản phẩm vi phạm ATTP ra lưu thông trên thị trường. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai các chương trình phối hợp tuyên truyền, giám sát sản xuất, kinh doanh rau quả an toàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các vùng sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn nhiều khó khăn do đặc thù canh tác của người dân nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều khu vực sản xuất rau an toàn nằm xen lẫn với diện tích trồng lúa, ngô... nên dễ dẫn đến tình trạng nguồn nước tưới bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, không bảo đảm yêu cầu cho sản xuất rau an toàn. Phần lớn lượng rau sản xuất ra trên địa bàn tỉnh chưa qua chế biến mà được cung cấp trực tiếp ra thị trường tiêu thụ dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, người sản xuất tự tiêu thụ ở các chợ nội địa chiếm khoảng 60 - 70% sản lượng...

Do đó, để rau an toàn có chỗ đứng trên thị trường, được đông đảo người tiêu dùng sử dụng, trước hết các địa phương phải tích cực thực hiện khâu liên kết tiêu thụ trước khi sản xuất đại trà, để tránh tình trạng sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, người dân các vùng chuyên canh rau an toàn cần chấp hành nghiêm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển vùng rau và xây dựng thương hiệu rau an toàn. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng...

Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh phát triển hơn 3.000 ha sản xuất rau an toàn theo hướng canh tác bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, đặc biệt cung ứng đủ nhu cầu sử dụng sản phẩm rau sạch an toàn đến với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]