(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tất cả công đoạn chế biến hải sản khô được người dân thực hiện trong môi trường bụi bẩn, thậm chí sơ chế ngay tại triền đê, sàn nhà, xung quanh là những vũng nước đen ngòm, đục ngầu, bốc mùi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hải sản khô: Tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP

(VH&ĐS) Tất cả công đoạn chế biến hải sản khô được người dân thực hiện trong môi trường bụi bẩn, thậm chí sơ chế ngay tại triền đê, sàn nhà, xung quanh là những vũng nước đen ngòm, đục ngầu, bốc mùi.

Chúng tôi có mặt tại xã Ngư Lộc để tìm hiểu các công đoạn chế biến hải sản khô. Hơn 10 năm làm nghề chế biến cá khô, mực, tôm khô, bà Tô Thị Ngãi, thôn Thắng Lộc, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) cho biết: “Nhà tôi thường thu mua cá, mực của người dân đi biển trong xã, trung bình thu mua khoảng 2-3 tạ/tuần hải sản về chế biến, phơi khô…”.

Công đoạn chế biến hải sản khô khá đơn giản, cá sau khi mua từ các chủ thuyền, thương lái được các hộ dân bỏ đầu, mổ ruột, làm sạch, đánh vảy, sau đó tẩm gia vị đem phơi, hong. Điều đáng nói tất cả công đoạn làm cá khô được người dân thực hiện trong môi trường bụi bẩn, thậm chí sơ chế ngay tại triền đê, sàn nhà, xung quanh là những vũng nước đen ngòm, đục ngầu, bốc mùi. Để thuận tiện, người dân còn tận dụng đường bê tông, sân bãi… để phơi cá, rất mất vệ sinh.

Người dân chọn lọc cá để sơ chế, chế biến cá khô ngay tại bãi biển ô nhiễm, đầy rác tại xã Ngư Lộc (Hậu Lộc).

Theo quan sát, một số người dân đã mua các loại cá không tươi ngon. Khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ, phần lớn các hộ tiểu thương đều có chung câu trả lời là mua từ các thuyền đánhbắt về sơ chế, chế biến…

Ngư Lộc hiện có trên 15 hộ làm nghề chế biến hải sản khô, chủ yếu từ tôm, cá, mực khô. Theo lời một tiểu thương ở đây cho biết, hiện nay do các doanh nghiệp đóng trên địa bàn chưa có điều kiện phát triển, dẫn đến việc hình thành các thương hiệu sản phẩm hải sản khô gặp nhiều khó khăn.

Còn tại xã Hải Bình (Tĩnh Gia), qua lời anh Lê Thế Bính, ngư dân có 12 năm trong nghề đánh bắt, chế biến các loại hải sản khô, phần lớn dân đi biển khi đánh bắt thường trực tiếp sơ chế, phơi cá trên thuyền, qua một vài nắng rồi bán lại cho các hộ kinh doanh.

Đối với tâm lý chung của khách hàng, đặc biệt là khách du lịch, mỗi lần đi biển thường mong muốn mua một ít cá, mực, tôm khô về làm quà, thế nên ở khu vực chợ Cột Đỏ (TX Sầm Sơn) các loại hải sản khô được bày bán la liệt, khắp các lối đi vào chợ trong môi trường ẩm thấp, nhiều người qua lại, sản phẩm không có bao bì, không dán mác, hạn sử dụng. Ở các chợ Ngư Lộc, Minh Lộc (Hậu Lộc) hay chợ Còng (thị trấn Tĩnh Gia), các sản phẩm này được đóng gói kỹ lưỡng nhưng lại thiếu thông tin về sản phẩm theo quy định…

Theo Nghị định số 80/2013 của Chính phủ, đối với các mặt hàng hải sản khô khi đã đóng gói, niêm yết thiếu các thông tin như: ngày sản xuất, hạn sử dụng… sẽ bị xử phạt từ 150.000 - 300.000 đồng. Mặc dù vậy nhiều người tiêu dùng lẫn tiểu thương vẫn thờ ơ, xem nhẹ thông tin này.

Đem vấn đề trao đổi với ông Nguyễn Xuân Đồng - Chi cục phó Chi cục quản lý nông, lâm sản và thủy sản, được biết, thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành 3 cuộc thanh tra chuyên ngành về việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đối với 12 cơ sở, đã xử lý vi phạm hành chính 5 cơ sở với tổng số tiền phạt 12.800.000 đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không đảm bảo địa điểm, khoảng cách với các nguồn gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, chế biến…

Ngoài ra, thực hiện kế hoạch hành động năm cao điểm VSATTP, các đoàn thanh tra liên ngành thuộc Sở NN&PTNT cũng đã thực hiện 24 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất cấp tỉnh, trong đó 39 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm thủy sản, xử phạt hành chính 17 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm thủy sản; đồng thời điều tra, xác minh 21.000 kg mực khô lưu thông trên thị trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, xử phạt 45.000.000 đồng…

Bên cạnh đó, Chi cục thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức ATTP, tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị về quy định quản lý chất lượng, ATTP nông, lâm thủy sản cho các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh ATTP trong nông, lâm thủy sản, nhằm nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm thủy, hải sản…

Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]