(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch cúm gia cầm A/H5N6 hiện đã xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh và đang có diễn biến phức tạp, khó lường, Thanh Hóa đang khẩn trương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm tái phát, bảo vệ an toàn đàn gia cầm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khẩn trương phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N6

Dịch cúm gia cầm A/H5N6 hiện đã xảy ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh và đang có diễn biến phức tạp, khó lường, Thanh Hóa đang khẩn trương tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm tái phát, bảo vệ an toàn đàn gia cầm.

Theo thông tin cập nhật tình hình bệnh dịch cúm gia cầm A/H5N6 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, từ ngày 3/2/2020, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 9 hộ chăn nuôi của 3 thôn, thuộc 2 xã Tân Khang, Tân Thọ, huyện Nông Cống. Ngay sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với cúm A/H5N6, buộc phải tiêu hủy 19.803 con gia cầm (416 gà, 19.387 vịt, ngan).

Đến ngày 4/2/2020, tại huyện Quảng Xương, bệnh cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại hộ ông Vũ Ngọc Việt, thôn Đồng Tâm, xã Quảng Trường, làm 800 con vịt mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 3.280 con gia cầm (2.500 con vịt; 780 con gà).

Tính đến 16h ngày 11/2, bệnh dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xảy ra tại 14 hộ chăn nuôi của 5 thôn, 3 xã, thuộc 2 huyện Nông Cống, Quảng Xương, làm 1.175 con gia cầm mắc bệnh (85 gà, 1.090 vịt) và buộc phải tiêu hủy 24.320 con gia cầm; trong đó có 23.113 con vịt, ngan, 1.207 con gà.

Lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H5N6 tại Thanh Hóa. (Ảnh: M.L)

Để chủ động phòng, chống cúm gia cầm kịp thời và có hiệu quả, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Công điện số 03 ngày 7/2/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm trên gia cầm và ở người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngay khi xuất hiện các ổ dịch trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa đã cùng với chính quyền các địa phương có dịch chủ động, tập trung thực hiện các biện pháp khống chế, bao vây, khoanh vùng dập dịch, ngăn chặn bệnh dịch phát tán, lây lan ra diện rộng, như: Tiêu hủy ngay đàn gia cầm mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm A/H5N6. Tập trung lực lượng tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các thôn có dịch. Chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường công tác kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Lập các chốt kiểm soát trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn các xã có dịch.

Nông Cống là địa phương bùng phát dịch cúm gia cầm A/H5N6,trao đổi với chúng tôi đại diện Ban Chăn nuôi và Thú y huyện, cho biết: Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, huy động các thành viên vào cuộc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống dịch cúm tái phát. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức, hướng dẫn kỹ năng chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh đàn gia cầm cho các chủ hộ chăn nuôi, chúng tôi còn vận động bà con tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm; đặc biệt nhắc nhở, đôn đốc thực hiện tốt khâu vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Huyện còn thường xuyên giám sát, nhắc nhở các hộ kinh doanh không buôn bán, vận chuyển gia cầm ốm, bệnh hoặc ở vùng dịch; tuyên truyền hộ chăn nuôi, nếu phát hiện gia cầm có biểu hiện nhiễm cúm A/H5N6 không nên giấu dịch mà cần báo sớm để địa phương chủ động xử lý, tránh dịch lây lan ra diện rộng.

Tìm hiểu thực tế ở một số địa phương trong tỉnh, chúng tôi được biết: Hiện các địa phương đều đã quán triệt chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm và ở người tới các cấp, các ngành, các địa phương; kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Ông Đặng Văn Hiệp - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hoá cho biết, từ ngày 11/2 đến nay trên địa bàn tỉnh không có phát sinh thêm ổ dịch nào. Công tác phòng ngừa đã được chủ động triển khai. Cũng theo ông Hiệp, nguyên nhân khiến bệnh dịch cúm gia cầm A/H5N6 phát sinh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nguyên nhân chính được xác định là do nguồn giống các hộ chăn nuôi nhập về không rõ nguồn gốc xuất xứ, đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo quy định. Con đường lây lan bệnh dịch phức tạp, khó kiểm soát, bệnh dịch cúm gia cầm A/H5N6 có thể lây sang người, vì vậy việc ngăn chặn và khống chế dịch bệnh phải thực sự quyết liệt.

Yến Vy


Yến Vy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]