(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhiều công trình nước sạch, sinh hoạt phục vụ đời sống, sản xuất cho nhân dân đang được đầu tư đồng bộ. Người dân có nước hợp vệ sinh, nước sạch để dùng. Tuy nhiên, việc kiểm định chất lượng nguồn nước tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiểm định chất lượng nước sinh hoạt nông thôn: Còn nhiều khó khăn

Trong những năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, nhiều công trình nước sạch, sinh hoạt phục vụ đời sống, sản xuất cho nhân dân đang được đầu tư đồng bộ. Người dân có nước hợp vệ sinh, nước sạch để dùng. Tuy nhiên, việc kiểm định chất lượng nguồn nước tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn.

Với công suất 130.000m3/ngày đêm, cộng thêm 11 nhà máy phục vụ cho 13 đô thị trên địa bàn toàn tỉnh, trước đây Công ty Cổ phần (CP) Cấp nước Thanh Hoá ký hợp đồng với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế Thanh Hóa) để xét nghiệm, nhằm kiểm định chất lượng nguồn nước. Thì nay, công ty đã tự trang bị cho mình hệ thống máy móc xét nghiệm, kiểm định theo chất lượng tiêu chuẩn quốc gia yêu cầu về năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn ISO/IEC 17025:2017. Tại đây, nguồn nước đầu nguồn được kiểm soát nghiêm ngặt hàng ngày, các đơn vị cấp nước thuộc công ty có trách nhiệm gửi mẫu về xét nghiệm, kiểm định về công ty.

Theo đánh giá của lãnh đạo công ty, công tác xét nghiệm, kiểm định chất lượng nguồn nước tại đây khá tốt, đảm bảo cấp nước cho người dân.Thực tế, hiếm có đơn vị nào có thể tự lấy mẫu, xét nghiệm, kiểm định nguồn nước tại chỗ như Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa. Bởi, hiện trên địa bàn tỉnh công tác kiểm định, xét nghiệm chất lượng nguồn nước vẫn còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ.

Theo số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT Thanh Hóa, khu vực miền núi hiện có khoảng gần 500 công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó có 485 công trình nước sinh hoạt tự chảy, phục vụ khoảng gần 74.000 hộ dân.

Thầy và trò Trường THCS Lâm Phú (Lang Chánh) vẫn phải dùng nước giếng khoan, chảy xuống bể chứa nước đã xuống cấp.

Đánh giá của Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Thanh Hóa) ở các huyện miền núi, vùng sâu vùng xa, người dân vẫn có thói quen sử dụng nguồn nước tự chảy từ sông, suối. Một số công trình nước sinh hoạt tự chảy theo thời gian xuống cấp, kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nước. Các công trình này thường do địa phương quản lý, nên công tác xét nghiệm lấy mẫu nước, kiểm định chất lượng còn khó khăn do thiếu hoặc không có máy móc, trang thiết bị.

Thầy giáo Trịnh Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường THCS xã Lâm Phú (Lang Chánh) chia sẻ: Trường hiện có 256 học sinh, 100% con em đang học là dân tộc Thái, do là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lang Chánh, đời sống bà con còn khó khăn, trước đây trường có sử dụng nước tự chảy từ đồi, núi về thông qua các ống nhựa, chảy xuống bể lắng. Về sau, nhà trường có đào giếng cho học sinh sử dụng, thông qua bể lọc nhà trường tự mua sắm.

Nói về chất lượng nguồn nước có đảm bảo, thầy Việt cho hay thi thoảng có cán bộ trung tâm y tế huyện xuống lấy mẫu nước, nhưng không thường xuyên.

Ông Đỗ Doãn Thành - Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt vệ sinh môi trường Thanh Hóa, cho biết mặc dù nước sạch, nước sinh hoạt đã về với các hộ dân, song thói quen sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, nước khe sông, suối vẫn khó bỏ. Đến nay chưa có thống kê cụ thể về số hộ dân gửi mẫu xét nghiệm, kiểm định chất lượng nước họ đang dùng lên cơ quan chuyên ngành đánh giá. Đơn giản vì họ nghĩ rằng, nguồn nước họ đang sử dụng đảm bảo. Không những vậy, tại nhiều địa phương nguồn nước này thường được đánh giá bằng cảm quan, vì không có hệ thống máy móc kiểm định, xét nghiệm mẫu nước.

Bà Nguyễn Thị Liên - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hậu Lộc, cho biết: Đến nay Hậu Lộc có 100% xã sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, người dân các xã ven biển đều có nước sạch để dùng. Một số địa phương vẫn sử dụng nước chảy trên đồi, núi, nhưng họ có trang bị hệ thống bể nước lọc trong nhà.

Theo bà Liên, mặc dù nước sạch, nước sinh hoạt đã về với bà con, song công tác kiểm định, xét nghiệm chất lượng nước còn gặp nhiều khó khăn. Thi thoảng có cán bộ xuống các xã lấy mẫu nước về xét nghiệm, chứ không thường xuyên, liên tục.

Trao đổi với PV, ông Đinh Ngọc Quý - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Thanh Hóa), được biết, hiện đơn vị đang tiếp nhận hợp đồng 30 nhà máy nước trong việc kiểm định, xét nghiệm chất lượng nguồn nước với 42 cơ sở cung cấp nước tập trung. Trung bình hàng năm, trung tâm tiếp nhận 1.000- 1.200 mẫu nước xét nghiệm (bao gồm các cá nhân, cơ quan, đoàn thể, nhà máy nước...). Phần lớn các cơ sở đã có hồ sơ và trang thiết bị thực hiện công tác nội kiểm chất lượng nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà máy, chi nhánh nước chưa thực hiện đầy đủ. Mặt khác, đối với khu vực miền núi, phần lớn các hộ dân thường không mang mẫu nước đến cơ quan chuyên môn xét nghiệm, kiểm định chất lượng nước, do thói quen dùng nước sông, suối, giếng đào...

“Hiện cơ quan chức năng cấp huyện, xã cũng chỉ đánh giá chất lượng nước bằng mắt thường, thực chất do không đủ điều kiện về tài chính, máy móc, trang thiết bị thực hiện xét nghiệm, gửi mẫu. Bên cạnh đó, các công trình nước sạch tập trung tại các huyện miền núi cũng không được kiểm định chất lượng nước sinh hoạt”, ông Quý thông tin.

Nhiều địa phương cũng lấy mẫu ở các công trình cấp nước tập trung, nước tự chảy, nước giếng đào, giếng khoan trong dân. Tuy nhiên, cũng chỉ tiến hành cho có thông lệ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh giá chất lượng nước sinh hoạt nông thôn.

Thiết nghĩ, chính quyền các cấp cần quan tâm, chỉ đạo sát sao trong công tác kiểm định, xét nghiệm chất lượng nước sinh hoạt, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết và sử dụng nguồn nước đảm bảo.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]