(vhds.baothanhhoa.vn) - Vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi chủ yếu liên quan đến các bệnh mạn tính không lây như, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh lý hô hấp mạn tính, bệnh lý thần kinh và một số rối loạn tâm thần.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một số biện pháp dự phòng bệnh không lây mạn tính hay gặp ở người cao tuổi

Vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi chủ yếu liên quan đến các bệnh mạn tính không lây như, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh lý hô hấp mạn tính, bệnh lý thần kinh và một số rối loạn tâm thần.

Bệnh mạn tính không lây có thời gian bị bệnh lâu dài và diễn biến chậm qua nhiều năm, chỉ được phát hiện khi tình cờ đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi đã có biến chứng nặng. Bệnh thường do hành vi lối sống không lành mạnh, tuổi cao, yếu tố gia đình, stress.... Bệnh gây ra những gánh nặng bệnh tật nặng nề, làm ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, tuổi thọ của người cao tuổi. Để đạt hiệu quả cao trong phòng và điều trị bệnh đó là người cao tuổi cần lưu ý tuân thủ chế độ lối sống khỏe mạnh, theo dõi một số chỉ số sức khỏe của bản thân để có những phát hiện kịp thời và có những biện pháp xử trí phù hợp.

Chế độ ăn lành mạnh: Chế độ ăn phù hợp tùy thuộc vào kích thước cơ thể, mức độ và thời gian lao động, với tỷ lệ cân đối các chất trong khẩu phần và nên ăn đa dạng thực phẩm. Thực phẩm chất béo nên ưu tiên dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu vừng, tăng cường chất xơ từ các loại trái cây cam, quýt, khoai tây, đậu đỗ, rau xanh, một số sữa bột có thành phần xơ hòa tan. Tiêu thụ rau và trái cây nên là 400 gram/người/ngày.

Lượng muối đưa vào khuyến cáo nên nhỏ hơn 5gram/người/ngày. Với người mắc bệnh tim mạch thì lượng muối ăn ít hơn và cần thiết theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Đối với người đái tháo đường nên ăn đa dạng thực phẩm, nên ăn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (lê, ổi, cam, bánh mì đen, gạo lức..), hạn chế đồ mỡ, duy trì ổn định chất bột đường và biết cách chuyển đổi thực phẩm tinh bột theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Người cao tuổi nên duy trì khám sức khỏe định kỳ. (Ảnh: LT)

Tăng cường hoạt động thể lực: Cần tối thiểu hoạt động thể lực ở mức độ vừa và nên lớn hơn hoặc bằng 30 phút/ngày với 5 ngày/tuần. Hoạt động thể lực mức độ vừa, ưu tiên hoạt động dẻo dai làm tăng nhịp tim so với bình thường, thực hiện ít nhất 30 phút/ngày với 5 ngày/tuần; người có thói quen tĩnh tại nếu do công việc phải ngồi thì cứ sau 1 giờ nên giải lao 5 phút hoạt động thể lực và cần khởi động trước khi tập luyện. Không tập thể dục khi sốt, nhiễm trùng cấp tính, thời tiết quá nóng, quá lạnh, huyết áp quá cao, có vấn đề cấp tính về xương khớp.

Không hút thuốc lá, không nên uống rượu, bia, đồ uống có cồn: Nếu có thói quen uống rượu, bia thì nên giữ ở mức uống không có hại, nghĩa là đối với nam mỗi ngày chỉ uống nhỏ hơn hoặc bằng 2 đơn vị cồn/ngày, nữ không quá 1 đơn vị cồn/ngày (một đơn vị cồn tương đương với 3/4 lon bia 330ml (nồng độ 5%) hoặc 2 chén rượu 30ml (nồng độ 40%) trên một ngày) và không uống quá 5 ngày/tuần.

Duy trì cân nặng lý tưởng: Chỉ số khối cơ thể được tính từ trọng lượng cơ thể và chiều cao, dự báo nguy cơ bị mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường và bệnh tim mạch khác. Số vòng eo của nam nên nhỏ hơn 90 cm và nữ nhỏ hơn 80 cm để giảm nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, tim mạch.

Một số xét nghiệm tầm soát các bệnh mạn tính không lây: Đo huyết áp, khi mức huyết áp ≥140/90 mmHg là đã bị bệnh tăng huyết áp. Nên ghi lại con số huyết áp mỗi lần đo để theo dõi tình trạng bệnh.

Xét nghiệm đường máu, nước tiểu: Người cao tuổi có nguy cơ đái tháo đường nếu trong gia đình đã có người bị đái tháo đường, người béo phì bụng to, người đã bị tăng huyết áp, người có rối loạn mỡ máu nên kiểm tra đường huyết định kì 6 tháng một lần. Với người cao tuổi khỏe mạnh cũng nên tầm soát trị số đường huyết 1 lần/năm. Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra nếu có protein, xeton nước tiểu cho người có nguy cơ đái tháo đường và người đái tháo đường để biết tiến triển tình trạng bệnh.

Khám mắt: Đối với người đái tháo đường tuyp 2, cần khám mắt càng sớm càng tốt. Khám mắt lần đầu trong năm đầu phát hiện, sau đó khám ít nhất 2 năm 1 lần để phát hiện các tổn thương đáy mắt.

Đo điện tim: Nếu người cao tuổi có các dấu hiệu về tim mạch như hồi hộp, đau ngực, đánh trống ngực, khó thở thì việc kiểm tra điện tâm đồ là phương pháp cần thiết và kinh tế để phát hiện một số bệnh tim mạch.

Xét nghiệm chỉ số sinh hóa máu: Những người cao tuổi thể trạng thừa cân, béo phì, mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, gút...), người thân trong gia đình mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường cần xét nghiệm định kì ít nhất 6 tháng 1 lần các chỉ số về mỡ máu, chức năng gan, thận để phát hiện các tổn thương cơ quan.

Tầm soát ung thư: Người dân Việt Nam nói chung và người cao tuổi nói riêng có tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư phổ biến như đối với nam là ung thư phổi, đường tiêu hóa, tiền liệt tuyến, nữ là ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng. Vì vậy định kì hàng năm, người cao tuổi nên đi tầm soát các bệnh ung thư một lần.

Đo chức năng hô hấp: Người cao tuổi nên đi tầm soát đo chức năng hô hấp để phát hiện suy giảm chức năng hô hấp ở phổi ít nhất một lần/năm.

BS. Lê Thị Hồng Liên

(Khoa PC Bệnh KLN TTKSBT Thanh Hóa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]