(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Để nâng cao năng lực khám chữa bệnh (KCB) tuyến cơ sở, chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện, tiết kiệm chi phí cho gia đình bệnh nhân, ngành Y tế Thanh Hóa đã hướng về y tế cơ sở với nhiều biện pháp đồng bộ, cụ thể.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngành Y nỗ lực hướng về cơ sở

(VH&ĐS) Để nâng cao năng lực khám chữa bệnh (KCB) tuyến cơ sở, chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giảm tải cho các bệnh viện, tiết kiệm chi phí cho gia đình bệnh nhân, ngành Y tế Thanh Hóa đã hướng về y tế cơ sở với nhiều biện pháp đồng bộ, cụ thể.

“Tăng lực” cho y tế cơ sở

Nhằm nâng cao năng lực KCB tại tuyến cơ sở, ngành Y tế đã đầu tư về nguồn nhân lực. Theo đó, công tác luân chuyển cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn bằng khóa đào tạo ngắn hạn đã được chú trọng. Từ đó, ngày càng nhiều đơn vị y tế tuyến cơ sở đề xuất nhu cầu chuyển giao kỹ thuật, cũng như đào tạo chuyên môn với đơn vị y tế tuyến tỉnh. Đồng thời, các bệnh viện tuyến tỉnh khảo sát, đánh giá tình hình thực tế của đơn vị nhận chuyển giao để thống nhất những vấn đề chuyên môn cần hỗ trợ.

Hàng năm, bệnh viện tuyến tỉnh đều tiếp nhận nhân lực từ các bệnh viện tuyến huyện về tỉnh đào tạo ngắn hạn. Cùng với đó là cử đoàn công tác (gồm bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng giỏi chuyên môn) về tuyến huyện để chuyển giao kỹ thuật theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Tập trung vào các chuyên khoa: Cấp cứu sản khoa; hướng dẫn, xử trí bệnh lý đột quỵ; quản lý, phát hiện, hướng dẫn bệnh không lây nhiễm; phát hiện sớm bệnh lý ung thư... Đối với những bệnh viện huyện đang còn yếu về cấp cứu, hồi sức như BVĐK Mường Lát, BVĐK Quan Sơn, BVĐK Thọ Xuân, trong năm vừa qua các BV tuyến tỉnh như BV Đa khoa tỉnh đã cử đoàn cán bộ (50 lượt), BV Nhi (30 lượt) xuống tăng cường, tham gia trực chuyên môn, cấp cứu và điều trị nội trú.

Song song với đó, các trạm y tế (TYT) xã mỗi năm đã cử từ 1 - 2 người lên tuyến huyện tham gia khóa đào tạo ngắn hạn, thực hiện chuyển giao trang thiết bị máy móc.

Theo báo cáo Sở Y tế thì mỗi năm có khoảng 1.000 lượt cán bộ, công nhân viên y tế được đi tiếp nhận, chuyển giao về chuyên môn, kỹ thuật tại các tuyến. Trong đó, cán bộ TYT xã là 700 lượt, bệnh viện tuyến huyện là 200 lượt. Trong năm 2016, ngành Y Thanh Hóa đã chuyển giao hơn 300 kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới. Nhờ những "liều thuốc trợ lực” tích cực đó mà năng lực chuyên môn của y tế cơ sở được nâng lên rõ rệt, mỗi năm số ca tai biến giảm từ 2 - 3%, nhất là ở tuyến cơ sở.

Ông Lê Hữu Uyển - Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết: “Mặc dù đang còn nhiều khó khăn, áp lực công việc lớn nhưng ngành Y tế Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu là hướng tất cả các cơ sở y tế tuyến trên trợ giúp y tế cơ sở bằng những việc làm cụ thể, hướng tới sự hài lòng của người dân. Từ đó đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao năng lực cho cơ sở y tế tuyến cơ sở”.

Đưa dịch vụ y tế chất lượng đến gần dân

BV Đa khoa Quảng Xương là một trong những bệnh viện tuyến huyện đã được khẳng định về năng lực. Trong 5 năm qua, bệnh viện này đã không ngừng đầu tư về cả chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất và trang bị máy móc hiện đại. Đến nay bệnh viện đã nâng tổng số giường thực kê lên 480 giường, đầu tư 20 tỷ đồng mua sắm máy móc hiện đại, phục vụ nhu cầu KCB. Một số kỹ thuật mới, khó đã trở thành thường quy tại bệnh viện như: Mổ nội soi ở các lĩnh vực, mổ đục thủy tinh thể, phẫu thuật thay khớp háng và sắp tới đây bệnh viện sẽ đưa 5 máy chạy thận nhân tạo vào hoạt động.

BVĐK huyện Quảng Xương đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân.

"Với quan niệm TYT xã là những cánh tay nối dài của bệnh viện, vì vậy BVĐK huyện Quảng Xương đã thực hiện nhiều sự trợ giúp đồng bộ, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ trạm để họ có thể hỗ trợ, xử trí ban đầu những ca bệnh nặng, tránh biến chứng nguy hiểm trước khi chuyển lên tuyến trên như: Tham gia giao ban chuyên môn với TYT xã, mở lớp tập huấn theo yêu cầu của các trạm...” - Bác sĩ Nguyễn Văn Nhiên - Giám đốc BVĐK huyện Quảng Xương cho biết.

Ghi nhận trong thời gian qua tại các TYT xã Quảng Hòa, Quảng Lưu... xảy ra hàng chục ca sốc phản vệ nhưng tất cả đều được y, bác sĩ của trạm xử lý đúng yêu cầu trước khi chuyển lên BVĐK huyện, không có trường hợp nào tử vong. Trong nhiều năm liền tại huyện Quảng Xương không có trường hợp tai biến sản khoa nào dẫn đến tử vong cả mẹ và con, do các y bác sĩ TYT đã được tập huấn kỹ về tai biến sản khoa, phát hiện trường hợp sớm thai nghén có nguy cơ để hướng dẫn bệnh nhân chuyển lên tuyến trên điều trị.

BVĐK Quảng Xương cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Y tế huyện nắm bắt nhu cầu, mở lớp đào tạo ngắn hạn, tăng cường hỗ trợ cấp cứu cho các trạm dưới hình thức tư vấn qua điện thoại, cấp cứu lưu động.

Theo Sở Y tế Thanh Hóa, với những việc làm cụ thể, thiết thực hướng về tuyến cơ sở, đến nay đã có 95% kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế đã có mặt tại các tuyến, 50% kỹ thuật tại tuyến tỉnh đã được thực hiện tại tuyến huyện và 30% kỹ thuật tuyến Trung ương được thực hiện tại tuyến tỉnh.Một số kỹ thuật mới, khó đã trở thành thường quy tại tuyến huyện như: Mổ nội soi các lĩnh vực, mổ đục thủy tinh thể, cấp cứu chấn thương sọ não, cấp cứu bệnh lý đột quỵ...Theo tính toán, mỗi năm ngành Y tế Thanh Hóa tiết kiệm khoảng 20 tỷ đồng chi phí chuyển tuyến cho gia đình bệnh nhân.

Việc hỗ trợ toàn diện cả về lý thuyết và thực hành, giúp y tế cơ sở đã học hỏi, thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, khó của tuyến trên trong khám, điều trị. Đặc biệt, rất nhiều ca bệnh khó, nguy cấp được chữa trị kịp thời. Do vậy, ngành Y tế Thanh Hóa sẽ tiếp tục việc “tăng lực” đối với y tế cơ sở nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân trong quá trình thực hiện các hoạt động KCB tại cơ sở.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]